Thứ 4, 04/12/2024, 16:02[GMT+7]

Sở Tư pháp Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật 6 tháng đầu năm 2013

Thứ 6, 07/06/2013 | 08:49:16
1,845 lượt xem
Ngay từ đầu năm 2013, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cấp tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp cấp tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Ảnh tư liệu do sở Tư pháp cung cấp

Trên cơ sở  các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng phối hợp cấp tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị quán triệt tới lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Từ đó các cấp, các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. Nội dung tuyên truyền tập trung, phổ biến các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, pháp luật phòng chống HIV/AIDS, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người khuyết tật, Luật Phòng, chống tham nhũng... Điều đáng ghi nhận là hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Tuyên truyền qua các hội nghị

 

Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 28 hội nghị lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, tội phạm và mua bán người cho gần 7.800 lượt người tham. Phối hợp với các phòng tư pháp huyện Thái Thụy, Thành phố, Vũ Thư tổ chức hội nghị tập huấn Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý và sử dụng pháo; Quyết định 95/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả đèn trời; Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho các cán bộ tư pháp - hộ tịch cùng hơn 400 hòa giải viên thuộc các xã Thụy Hà, Thụy Hải, Thái Thượng và Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy), phường Kỳ Bá (Thành phố Thái Bình), xã Tân Phong (Vũ Thư).

 

Hưởng ứng đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn vi phạm về pháo và vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các hòa giải viên và các địa phương đã tích cực triển khai việc ký cam kết không đốt pháo và thả đèn trời tới các thôn, dòng họ, giáo sứ và từng hộ gia đình. Phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Kiến Xương tổ chức 02 lớp ngoại khóa lồng ghép tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm cho học sinh Trường THPT Nguyễn Du và Trường THCS Quang Bình. Qua lớp ngoại khóa giúp các em học sinh trên địa bàn nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung, pháp luật về phòng chống tội phạm nói riêng, từ đó tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với quy định của pháp luật, tích cực tham gia phong trào phòng chống tội phạm ở địa phương.

 

Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng

 

Đây là hình thức PBGDPL đang được ngành Tư pháp quan tâm, tập trung khai thác và đã phát huy hiệu quả tích cực. Sở Tư pháp phối hợp với Báo Thái Bình, Đài PT-TH Thái Bình tuyên truyền về Bộ luật Hình sự,  Luật Thi hành án Hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống ma túy, tội phạm, mua bán người tới đông đảo cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Duy trì thường xuyên chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên Báo Thái Bình và “Hộp thư truyền hình” trên Đài PT-TH Thái Bình.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2013, cán bộ công chức, viên chức của Sở Tư pháp viết trên 100 tin, bài có chất lượng đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Tư pháp, Báo Thái Bình, Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, qua đó giúp cán bộ, nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2013, hệ thống đài truyền thanh trong tỉnh đã thực hiện hàng nghìn lượt tuyên truyền kiến thức pháp luật với thời lượng từ 5 đến 7 phút/lượt. Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên chỉ đạo phòng tư pháp các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật, cung cấp các văn bản pháp luật cho các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; ban hành công văn đôn đốc, hướng dẫn tập trung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Tuyên truyền qua Tủ sách pháp luật, phát hành tài liệu và hoạt động trợ giúp pháp lý

 

Việc tuyên truyền pháp luật qua việc khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) được duy trì, thực hiện tương đối tốt. 100% các xã phường, thị trấn có TSPL, trong đó có 114 xã có 2 tủ sách, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có 28 tủ sách và hơn 80 TSPL của cơ quan cấp huyện. Từ quý I năm 2013, Sở Tư pháp cấp phát bổ sung tài liệu tìm hiểu pháp luật cho các TSPL của 286 xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật  của cán bộ và nhân dân.

 

Bên cạnh đó, biên soạn, phát hành nhiều tài liệu có hình thức đẹp, nội dung dễ hiểu cung cấp cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phát miễn phí cho nhân dân. 6 tháng đầu năm đã cấp phát 2.500 bộ tài liệu tuyên truyền về Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, 1.500 cuốn tài liệu tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm Hành chính, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp; 1.000 cuốn sách “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” và hàng vạn tờ gấp pháp luật các loại cho TSPL cấp xã và cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Biên soạn, cung cấp tài liệu hỏi - đáp pháp luật về các lĩnh vực như: xử lý vi phạm hành chính; cấm pháo nổ, đèn trời; nghĩa vụ quân sự; phòng, chống tham nhũng… qua đó cũng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật về mọi lĩnh vực.

 

Trong  6 tháng đầu năm 2013, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tăng cường hướng mạnh về cơ sở. Tổ chức 27 đợt  trợ giúp pháp lý lưu động, thực hiện 387 vụ việc, trong đó: tư vấn, trợ giúp 372 vụ việc; tham gia tố tụng 15 vụ việc. Trong đó điển hình là vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em xảy ra tại xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy... Tại mỗi cuộc trợ giúp pháp lý lưu động, trợ giúp pháp lý tại phiên tòa đều lồng ghép truyền thông pháp luật cho người dân tham dự, qua đó nâng cao một bước nhận thức của người dân về ý thức chấp hành luật và công tác tố giác, đấu tranh với các đối tượng tội phạm.

 

Công tác hòa giải ở cơ sở cũng góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền pháp luật. Các tổ hoà giải và đội ngũ hòa giải viên trong tỉnh được kiện toàn, thường xuyên được bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức pháp luật, các văn bản pháp luật mới. Toàn tỉnh hiện có 2.035 tổ hòa giải và 15.679 hoà giải viên, 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 3.515 vụ việc hòa giải. Thông qua hoạt động hoà giải là cầu nối quan trọng để tuyên truyền pháp luật đến mọi người trong các khu dân cư. Đồng thời, giải quyết các mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương.                                    

Tô Hoàng

(Sở Tư pháp)

 

 

  • Từ khóa