Thứ 2, 03/06/2024, 09:22[GMT+7]

Thành phố: Hiệu quả mô hình phòng, chống cháy, nổ ở khu dân cư

Thứ 3, 04/07/2023 | 09:42:21
9,650 lượt xem
Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nguồn lực từ người dân trong công tác phòng ngừa, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư, hộ gia đình, thành phố Thái Bình tiếp tục nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn.

Mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” phường Kỳ Bá phát huy hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ cháy, nổ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là trong mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cao 36 - 38oC như hiện nay. Trong khi đó nhiều người dân vẫn còn chủ quan, chưa có ý thức trang bị và cải thiện các điều kiện về an toàn phòng cháy, thiếu các kiến thức, kỹ năng về PCCC. Với mục tiêu đưa công tác PCCC trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Thái Bình đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các phường, xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC. Trong đó, việc triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn thành phố là cách làm hay, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác PCCC ngay từ cơ sở. Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được gần 440 mô hình PCCC, với hơn 150 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, gần 290 điểm chữa cháy công cộng. Mỗi tổ liên gia an toàn PCCC xây dựng từ 5 - 15 gia đình có nhà ở, cơ sở kinh doanh liền kề cùng tham gia. Các tổ viên cùng đóng góp kinh phí lắp đặt hệ thống chuông cảnh báo, đồng thời mua sắm các trang thiết bị PCCC như bình chữa cháy, kìm cộng lực, búa thoát hiểm để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.

Phường Kỳ Bá là một trong những địa bàn trọng điểm của thành phố Thái Bình về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Phường có dân cư đông, nhiều hộ kinh doanh nên nguy cơ cháy, nổ luôn ở mức cao. 

Trung tá Lê Bá Thắng, Trưởng Công an phường cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, phường đã triển khai thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Căn cứ  quá trình kiểm tra, khảo sát thực tế, phường đã phân loại từng khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ để ưu tiên xây dựng mô hình. Qua công tác tuyên truyền, vận động và các cuộc họp dân tại các tổ dân phố, người dân đều nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng và ủng hộ kế hoạch của phường. Điều này đã phát huy được sức mạnh toàn dân, sự chủ động trong công tác PCCC tại chỗ. Từ mô hình ra mắt đầu tiên vào tháng 1/2023 tại khu dân cư tổ dân phố số 15, đến nay phường Kỳ Bá đã xây dựng được 31 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” ở 10 tuyến đường, phố chính và 21 “Điểm chữa cháy công cộng”, tập trung nhiều nhà dân, có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được trên toàn địa bàn. 

Ông Phạm Tiến Khu, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá chia sẻ: Ngôi nhà 4 tầng của gia đình tôi vừa ở vừa kết hợp kinh doanh đồ uống, việc phòng, chống cháy, nổ luôn được gia đình chú ý, vì vậy khi phường thành lập “Tổ liên gia an toàn PCCC” gia đình tôi rất vui mừng, đồng thuận đóng góp kinh phí và đánh giá cao vì tính hiệu quả trên thực tế.

Mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tổ 1, phường Trần Lãm.

Tại phường Trần Lãm, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Để huy động sức mạnh trong dân cùng phối hợp hỗ trợ công tác PCCC, đến nay phường đã thành lập 53 “Điểm chữa cháy công cộng” và 25 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Mỗi điểm chữa cháy công cộng được trang bị 2 bình chữa cháy, 1 hộp đựng phương tiện chữa cháy, 1 biển tiêu lệnh chữa cháy, 1 kẻng báo động, dụng cụ kìm, búa, xà beng, xà cầy, tiêu lệnh, nội quy quản lý, sử dụng phương tiện PCCC. Nguồn kinh phí thực hiện mô hình do xã hội hóa và vận động nhân dân trong mô hình đóng góp mua sắm, lắp đặt. 

Ông Nguyễn Văn Hạnh, tổ 1, phường Trần Lãm chia sẻ: Mô hình hiệu quả, thiết thực đối với những khu vực có diện tích nhỏ, nhiều ngõ sâu, đông dân cư. Bên cạnh việc duy trì hoạt động và nhân rộng mô hình, chúng tôi mong muốn thường xuyên được tập huấn về công tác PCCC để nâng cao kỹ năng PCCC. Việc thành lập “Điểm chữa cháy công cộng” tại các ngõ nhỏ, xe cứu hỏa không vào được đã giúp xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng phản ứng kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra.

Thời gian tới, Công an thành phố Thái Bình tiếp tục tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng mới, nhân rộng vững chắc các mô hình hiệu quả về PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, hướng tới mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế gia tăng số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.



Minh Nguyệt