Thứ 6, 22/11/2024, 00:37[GMT+7]

Đoàn tụ ở Trường Sa

Thứ 5, 15/08/2013 | 11:00:47
1,733 lượt xem
Tại mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều có những niềm tự hào Thái Bình. Đó là những người con ưu tú của quê lúa, những người không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư cho nhiệm vụ chung. Mỗi người đến từ một miền quê khác nhau song ở họ hội tụ điểm chung: tinh thần xung kích và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bác Đỗ Đức Quyến chụp ảnh lưu niệm cùng con trai tại đảo Nam Yết. (Ảnh do gia đình cung cấp)

“Bố ra thăm đảo Trường Sa/ Gặp con bố có chút quà quê hương/ Nhiều nhất là quà tình thương/ Mong con giữ vững lập trường nghe con”… Những câu thơ mà bác Nguyễn Phú Thiêm (thôn Hợp Tiến, xã Tam Quang, Vũ Thư) viết sau khi trở về từ chuyến đi đến quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vừa qua đã nói lên hết tình cảm của người cha cũng như gia đình, hậu phương đối với con trai - Thiếu úy Nguyễn Phú Hưng, đang làm nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan B. Cũng qua bài thơ của mình, bác Thiêm còn muốn gửi lời nhắn nhủ đến người con trai: hãy cùng đồng đội vững vàng tay súng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!

 

Nếu như bác Nguyễn Phú Thiêm bày tỏ tình cảm của mình bằng những vần thơ (tổng cộng bác đã viết 9 bài sau chuyến đi) thì bác Nguyễn Văn Bính (thôn Quang Trung, xã Vũ Vân, Vũ Thư) - có con trai là Thiếu úy Nguyễn Văn Tuấn đang đóng quân tại đảo Núi Le A, lại chia sẻ cảm xúc qua những câu chuyện, kỷ niệm, ấn tượng khó phai về chuyến đi, về quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

 

Theo bác Bính, chỉ riêng việc Quân chủng Hải quân tổ chức mời đại biểu thân nhân gia đình cán bộ, chiến sĩ ra thăm con em mình đang công tác tại quần đảo Trường Sa đã thể hiện sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với không chỉ các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn với cả những người ở hậu phương. Hậu phương có vững tiền tuyến mới yên tâm công tác. Tiền tuyến có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương mới yên lòng. Và sau chuyến đi, bác Bính thực sự yên lòng, bởi “Lên đến đảo, toàn thể cán bộ, chiến sĩ tay bắt mặt mừng, đón tiếp rất niềm nở, chu đáo. Nơi ăn, chốn ở thì khỏi phải chê, chẳng thiếu thứ gì, như ở khách sạn vậy. Điều kiện làm việc, công tác, sinh hoạt của bộ đội trên đảo ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn. Cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau như anh em một nhà”. Chuyến đi với bác Bính vừa là niềm vinh dự, vừa là dịp để bác tận mắt thấy được vẻ đẹp bất tận, tiềm năng to lớn của biển Việt Namon>. Vì vậy, muốn vươn ra biển, làm giàu từ biển, chúng ta phải bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Những ngày ở trên đảo, không chỉ động viên con trai và toàn thể cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bác Bính - người đã từng có hơn 20 năm phục vụ trong quân ngũ, còn “tự giao nhiệm vụ” cho mình: khi trở về địa phương sẽ tích cực tuyên truyền để mọi người cùng hiểu về tiềm năng to lớn của biển Việt Nam, cùng thấy rằng: bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là trách nhiệm không của riêng ai!

 

Các bác Quyến, Bính, Lợi, Thiêm gặp lại nhau sau chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa.

 

Kể về cậu út của mình, bác Đào Thị Hòa, mẹ của Thiếu úy Nguyễn Văn Tuấn, không giấu được sự xúc động, niềm tự hào. Bác kể: Tuấn nhập ngũ năm 2006, đến trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 thì nhận nhiệm vụ ra công tác ở Trường Sa. Ở xa gia đình, Tuấn vẫn tranh thủ thời gian gọi điện hỏi thăm sức khỏe, động viên bố mẹ ở nhà. Sau những câu chuyện kể về cuộc sống, sinh hoạt của người lính biển, em cũng không quên dặn bố mẹ giữ gìn sức khỏe, yên tâm về người con trai duy nhất trong gia đình. Gạt sang một bên niềm thương, nỗi nhớ, bác Hòa chỉ biết động viên con yên tâm công tác, nhưng cũng “đặt ra” cho cậu út yêu cầu: phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, quân đội và nhân dân đã giao phó. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, Tuấn và các đồng đội của mình luôn khắc ghi những tình cảm và niềm tin lớn lao mà hậu phương đã gửi gắm.

 

Cũng trên con tàu của Quân chủng Hải quân đưa đoàn đại biểu thân nhân gia đình cán bộ, chiến sĩ ra thăm con em mình đang công tác tại quần đảo Trường Sa còn có bác Đỗ Đức Quyến (thôn Hiếu Thiện, xã Vũ Hội, Vũ Thư, con trai là Thượng úy, Phân đội trưởng Đỗ Đức Nam ở đảo Nam Yết) và bác Nguyễn Bá Lợi (thôn Thượng Xuân, xã Bách Thuận, Vũ Thư, con trai là Thiếu úy Nguyễn Bá Hoàng ở đảo Núi Le A). Trở về sau chuyến đi, họ gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, nhớ lại cảm xúc vui mừng khi cha con gặp nhau, sự yên tâm, phấn khởi khi được chứng kiến tận mắt điều kiện làm việc, công tác, sinh hoạt của con em mình, lời dặn dò “chân cứng đá mềm” và trách nhiệm của tuổi trẻ lúc chia tay, xem lại bức ảnh “Hoa bàng vuông” - nét đặc sắc riêng có của Trường Sa hay bức ảnh chụp chung của cả đoàn dưới chân cột mốc chủ quyền... Tất cả đọng lại trong ký ức, thật khó phai mờ.

 

Là người đã từng dẫn đầu đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đi thăm Trường Sa, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: tại mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều có những niềm tự hào Thái Bình. Đó là những người con ưu tú của quê lúa, những người không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng tư cho nhiệm vụ chung. Mỗi người đến từ một miền quê khác nhau song ở họ hội tụ điểm chung: tinh thần xung kích và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn hướng về quân và dân Trường Sa với tất cả tình cảm, sự quan tâm sâu sắc nhất. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng về Trường Sa như phát động ủng hộ xây dựng Quỹ Vì Trường Sa thân yêu; chăm lo thực hiện chính sách hậu phương quân đội - nhất là với gia đình cán bộ, chiến sĩ quê Thái Bình đang công tác tại quần đảo Trường Sa… Thông qua những hoạt động này vừa tuyên truyền về biển đảo quê hương và trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vừa động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 

Bài, ảnh: Minh Sơn

  • Từ khóa