Thứ 6, 27/12/2024, 11:08[GMT+7]

Kỷ niệm 68 năm thành lập CAND (19/8/1945 - 2013) Xây dựng lực lượng Công an Thái Bình những ngày đầu thành lập

Thứ 2, 19/08/2013 | 10:20:41
4,669 lượt xem
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân khắp nơi trong cả nước đồng loạt đứng lên làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Tại Thái Bình, chỉ trong 6 ngày, từ ngày 18 đến 23/8/1945 đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh.

Trụ sở Công an tỉnh. Ảnh: Tất Đãm (Công an Thái Bình)

Ngày 24/8, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập và ngay sáng 25/8 đã tổ chức mít tinh lớn tại thị xã để mừng ngày Ðộc lập và chào mừng UBND Cách mạng lâm thời tỉnh và Tỉnh bộ Việt Minh ra mắt. Lực lượng tự vệ và đội trừ gian được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cuộc mít tinh.

 

Ðể đấu tranh trấn áp bọn phản động, duy trì trật tự trị an, bảo vệ chính quyền cách mạng, Tỉnh ủy đã cử đồng chí Trần Huy Xán, làm Trưởng Ty Liêm phóng. Tổ chức Ty Liêm phóng có 6 ban chuyên môn: Chính trị, Kinh tế, Hành chính, Căn cước, Trật tự và Nhà tạm giam. Quân số có 35 người, phần đông được tuyển chọn từ đội trừ gian và tự vệ chiến đấu. Ngoài ra còn lưu dung một số nhân viên của chính quyền cũ để làm một số việc như cấp phát, tra xét căn cước, giữ trật tự giao thông... Về tổ chức Ðảng, cả Ty lúc này mới có 4 đảng viên, sinh hoạt ghép với Chi bộ Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh. Ðể tăng cường sức mạnh của các công cụ bạo lực của Ðảng, cùng với Ty Liêm phóng, Tỉnh ủy Thái Bình còn thành lập Ðội Trinh sát (gọi là Ðội Trinh sát Tỉnh ủy) có nhiệm vụ phối hợp đấu tranh trấn áp phản cách mạng.

 

Thực hiện Sắc lệnh số 23/SL, ngày 21/2/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Namon> “Về hợp nhất các sở Cảnh sát và các sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan, đặt tên là Việt Nam Công an vụ”. Ty Liêm phóng được đổi tên thành Ty Công an Thái Bình; Ðội Trinh sát Tỉnh ủy cũng được sáp nhập vào Ty Công an. Các phòng, ban chuyên môn được tăng thêm biên chế từ 6 đến 30 người. Chức năng nhiệm vụ của Ty được xác định rõ là giữ gìn an ninh, trật tự, điều tra truy tìm thủ phạm và điều tra “phương diện hành chính” để giúp tòa án xử lý bọn tội phạm, đồng thời thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa để phát hiện tội phạm.

 

Sau khi kiện toàn củng cố, Ty Công an Thái Bình đã chú trọng xây dựng lực lượng trinh sát bí mật, đó là Ban Chính trị (tiền thân của lực lượng An ninh nhân dân ngày nay). Ðây là lực lượng nòng cốt, chủ yếu, có nhiệm vụ nắm tình hình, âm mưu hoạt động của bọn phản cách mạng, nhất là bọn Tàu Tưởng, các đảng phái chính trị phản động ở địa phương, kịp thời đề xuất với các cấp ủy Ðảng có chủ trương đối sách đấu tranh. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới và công tác xây dựng lực lượng, Tỉnh ủy đã tăng cường cho Ty Công an một số cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt như đồng chí Ngô Thấn, Hoàng Cuông, Nguyễn Văn Cẩm, Sành, Ðiển,... những đồng chí này được bổ sung vào Ban Chính trị.

 

Ði đôi với xây dựng lực lượng trinh sát bí mật, Ty Công an còn chú trọng củng cố lực lượng công khai để ngăn chặn những hoạt động gây rối của bọn Tàu Tưởng và tay sai; kiên quyết trấn áp bọn lưu manh, côn đồ hoạt động trộm cắp, cướp của, giết người... Ban Trật tự, ngoài số lưu dung, cũng đã được bổ sung thêm một số cán bộ, nhân viên đã qua thử thách và có kinh nghiệm công tác, đưa số nhân viên lên trên 30 người. Mỗi huyện đều có 1 ủy viên phụ trách giúp Ủy ban hành chính làm công tác  an ninh, trật tự và có 1 tiểu đội bảo vệ cơ quan chính quyền và từ 1 trung đội đến 1 đại đội, gọi là tự vệ tập trung, có nhiệm vụ bảo vệ  trật tự trị an, chống bọn phản động trên địa bàn huyện; bổ sung cho lực lượng vũ trang tỉnh; dìu dắt tự vệ thôn, xã. Ở các làng, xã đến đầu năm 1946, hầu hết đều thành lập được 1 tiểu đội đến 1 trung đội (từ 12 – 30 người) với nhiều tên gọi khác nhau như: Bảo  an Việt Minh, Việt Minh danh dự, thanh niên trung kiên, trật tự viên... có nhiệm vụ bảo vệ chính quyền, đoàn thể, tuần phòng canh gác, giữ gìn trật tự trị an ở cơ sở.

 

Sau khi kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng, Ty Công an  Thái Bình đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, lấy thực tế công tác, chiến đấu ở địa phương làm bài học, qua đó nâng cao nhận thức chính trị, lập trường giai cấp và nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ.

 

Vừa mới ra đời, lực lượng còn mỏng, kinh nghiệm chưa nhiều song dưới sự lãnh  của Ðảng, Công an Thái Bình đã vượt qua khó khăn, dựa vào dân, nắm chắc tình hình, âm mưu hoạt động của bọn phản động; đồng thời tiến công mạnh mẽ, bóc gỡ nhiều cơ sở, tổ chức phản động, trừng trị thích đáng những tên Việt gian; bọn cầm đầu các tổ chức đảng phái; bọn địa chủ, cường hào gian ác. Ðặc biệt là đấu tranh trấn áp thắng lợi, phá tan âm mưu lập trụ sở “Tỉnh ủy”, treo cờ Quốc dân Ðảng tại Thị xã; phát hành báo chí, tuyên truyền chống phá cách mạng, tiến hành truy bắt bọn cầm đầu các đảng phái chính trị, phản động; số mật thám, cai tù còn lẩn trốn; vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh trấn áp bọn tội phạm hình sự, lưu manh côn đồ; bài trừ, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống mới, góp phần tích cực ổn định và giữ vững trật tự xã hội theo Tổng khởi nghĩa.

 

Từ phong trào cách mạng của quần chúng, được Ðảng trực tiếp lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, được nhân dân giúp đỡ; từ những “Ðội tự vệ đỏ” trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đến đội ám sát, trừ gian, tự vệ chiến đấu trong những ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, lực lượng Công an Thái Bình ra đời đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Ðảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ mới thành lập.

 

Hơn một năm vừa đấu tranh, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, Công an Thái Bình đã trải qua thử thách và có bước trưởng thành về mọi mặt; thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, góp phần giữ vững an ninh trật tự, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng trong những thời điểm khó khăn nhất.

Ðoàn Hải Châu

(Công an tỉnh)

 

  • Từ khóa