Thứ 7, 27/07/2024, 06:33[GMT+7]

Sáng mãi truyền thống Bộ đội Trường Sơn

Chủ nhật, 19/05/2024 | 06:48:52
19,100 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với những cựu chiến binh (CCB) chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại thì đó vẫn là những ký ức không thể nào quên. Trở về từ chiến trường khốc liệt, những người lính Trường Sơn năm xưa giờ đây lại tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, cần mẫn, vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, khẳng định bản lĩnh trong phát triển kinh tế, xây dựng phong trào, hoạt động của địa phương phát triển.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Sơn chuẩn bị để đưa đón hài cốt liệt sĩ về an táng.

 “Sơn cháy” giàu lòng nhân ái

Chúng tôi gặp lại CCB Phạm Ngọc Sơn, xã Phú Châu (Đông Hưng) đúng lúc ông đang tân trang cho chiếc xe để chuẩn bị cùng đồng đội đón hài cốt liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hồng Minh (Hưng Hà). Nhiều năm qua, CCB Phạm Ngọc Sơn luôn là người trách nhiệm với công tác hội, nhiệt tình giúp đỡ những hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, trao quà dịp lễ, tết. Từ năm 2015 đến nay, ông cùng các thành viên trong Xí nghiệp Vận tải 27/7 Đông Hưng đã giúp đỡ 5 hội viên nghèo xây dựng nhà tình nghĩa với mức hỗ trợ bình quân 60 triệu đồng/căn. Hàng năm, ông tổ chức trao hàng trăm suất quà cho hội viên CCB nghèo ở các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, ông cùng các thành viên trong Xí nghiệp tạo việc làm cho gần 200 lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. CCB Phạm Ngọc Sơn tâm sự: Trong tỉnh hiện nay còn rất nhiều CCB có cuộc sống khó khăn cần được giúp đỡ. Bản thân tôi khi cuộc sống gia đình đã ổn định, tôi luôn muốn làm một điều gì đó giúp đồng đội vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, tôi đã lấy tên Xí nghiệp Vận tải 27/7 để nhắc nhở mình cần quan tâm đến các thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Những năm qua, hoạt động của Xí nghiệp gắn liền với gia đình các hội viên, chúng tôi không chỉ tạo điều kiện giúp các thân nhân CCB có việc làm mà còn đào tạo nghề miễn phí giúp họ ổn định cuộc sống. Một phần kinh phí thu được cũng được các thành viên trong Xí nghiệp trích lại để dành cho công tác nghĩa tình đồng đội, phúng viếng hội viên qua đời, thăm hỏi hội viên ốm đau và hỗ trợ gia đình thân nhân liệt sĩ.

Cựu chiến binh Trần Xuân Mậu cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm ngày còn xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Nỗ lực vươn lên

Nhắc đến CCB Trần Xuân Mậu, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình), nhiều hội viên CCB trên địa bàn phường nhận xét ông là người trách nhiệm, tận tình với phong trào hội, vượt qua khó khăn trong cuộc sống vươn lên làm giàu chính đáng. Đi thanh niên xung phong năm 1964 và được đơn vị cử đi học lái xe ở Trung Quốc rồi về phục vụ tại Đoàn xe 4, Binh trạm 16, Đoàn 559, CCB Trần Xuân Mậu không thể nào quên những ngày cùng đoàn xe “không kính” vượt dãy Trường Sơn huyền thoại, chở lương thực, vũ khí, con người ra tiền tuyến. CCB Trần Xuân Mậu chia sẻ: Mỗi chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại chỉ được phụ trách một tuyến đường nhất định. Tôi được đơn vị phân nhiệm vụ làm chiến sĩ lái xe khu vực đường 20 quyết thắng (thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình). Ban ngày thì chúng tôi nghỉ, đêm xuống thì bắt đầu đi, có những khúc cua xe tải chỉ vừa vặn với đường đi, trời tối lại không được bật đèn, thế nhưng với kinh nghiệm, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, chúng tôi đã vận chuyển thành công hàng trăm chuyến hàng, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam an toàn. Gian khổ nhất là những lúc máy bay Mỹ ném bom phá hoại, có tuyến đường chỉ dài 40km nhưng chúng tôi bị tắc đến cả tuần, anh em lái xe lại đưa xe đi ngụy trang rồi cùng các chiến sĩ công binh tham gia lấp hố bom, trả mặt bằng thông thoáng cho phương tiện đi lại.

Trở về với đời thường, CCB Trần Xuân Mậu tham gia hoạt động tại địa phương, mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và kinh doanh giày, dép, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, mô hình phát triển kinh tế của ông thu về từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Ông trích một phần lợi nhuận thu được để làm công tác tình nghĩa, giúp đỡ các hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí để các gia đình nghèo đưa đón hài cốt liệt sĩ về nơi an nghỉ. Từ năm 2018  đến năm 2023, CCB Trần Xuân Mậu đã ủng hộ kinh phí trồng cây xanh, cung cấp nhiều thông tin liệt sĩ cho các cơ quan chức năng, tổ chức truy điệu và an táng cho 2 liệt sĩ. Những việc làm của ông được cấp ủy, chính quyền phường Phú Khánh ghi nhận và đánh giá cao.

Cựu chiến binh Trần Mạnh Bảo (bên phải) mở cửa hàng kinh doanh xe đạp điện.

Ông Bảo làm kinh tế giỏi

CCB Trần Mạnh Bảo, xã Hòa Bình (Vũ Thư) là một trong những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, được các hội viên đánh giá rất tâm huyết, trách nhiệm với phong trào, hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư. Năm 2015, sau khi nghỉ công tác, ông thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất thương mại Bảo Minh đồng thời mở cửa hàng kinh doanh xe đạp điện và làm dịch vụ tư vấn du học, giới thiệu việc làm. Với mô hình của mình, CCB Trần Mạnh Bảo thu nhập 300 - 500 triệu đồng/năm, ông cũng dành một phần kinh phí cho hoạt động nghĩa tình đồng đội. Ông cho biết: Những ngày tháng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã tôi luyện cho tôi bản lĩnh vững vàng, “chất thép” của người lính công binh. Trở về đời thường, dù có khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng vượt qua và đạt được thành công. Bản thân tôi luôn bảo ban con cháu lao động, học tập để trở thành công dân có ích cho xã hội, các cháu cũng rất ngoan ngoãn làm theo.

Mặc dù tuổi cao nhưng cựu chiến binh Trần Mạnh Bảo vẫn miệt mài làm việc, chung sức xây dựng phong trào của Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư.

Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyện Vũ Thư, ông cùng các hội viên trong Ban Chấp hành hội vận động các nhà hảo tâm xây dựng 4 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 240 triệu đồng; mỗi năm trao từ 200 - 230 suất quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, phối hợp tổ chức khám sàng lọc ung thư miễn phí cho hơn 500 hội viên trên địa bàn huyện. Bản thân ông đã trích hàng trăm triệu đồng ủng hộ các hoạt động tình nghĩa của hội, được Trung ương hội và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.

Những người lính như ông Sơn, ông Mậu hay ông Bảo từng cống hiến cả thanh xuân để cùng toàn quân ta xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Giờ đây khi về với đời thường, họ tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương phát triển, xứng đáng với hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệt tình với phong trào địa phương, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Tiến Đạt – Nguyễn Triệu