Thứ 5, 05/09/2024, 21:29[GMT+7]

Triển khai đồng bộ các giải pháp, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra

Thứ 5, 05/09/2024 | 19:15:21
482 lượt xem
Chiều ngày 5/9, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 3.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Theo báo cáo, sáng ngày 5/9, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Dự báo từ sáng ngày 6/9 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm 6/9 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10-12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền. Bão số 3 được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát biểu tại hội nghị.  

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tình hình triển khai ứng phó với bão số 3 tại Thái Bình.

Theo đó, tỉnh đã ban hành các văn bản, công điện chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Đến 10 giờ sáng ngày 5/9, có 223 phương tiện với 453 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 19 phương tiện với 139 lao động hoạt động ngoài tỉnh; 706 phương tiện với 2.007 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh; 47 phương tiện với 261 lao động đã vào neo đậu tại các bến ngoài tỉnh. Ngoài ra, có 15 phương tiện với 102 lao động tỉnh ngoài đang neo đậu tại tỉnh. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có gần 2.900 lao động canh coi tại hơn 2.300 chòi canh ngao, ao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà. Toàn tỉnh có 681 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà nhiều nhất với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 213 lồng… Toàn tỉnh có 1.129 bè nuôi hàu cửa sông. Toàn tỉnh hiện có 7.731 hộ với 18.639 người sống trong nhà yếu, dự kiến di dời các đối tượng này vào nơi an toàn trước 18 giờ ngày 6/9. Đến ngày 5/9, toàn tỉnh gieo cấy 74.327ha lúa mùa; lúa mùa đã trỗ bông khoảng 26.000ha, đạt 35% diện tích lúa mùa đã gieo cấy. Cây màu hè thu đã thu hoạch khoảng 5.000ha, đạt 58% diện tích cây màu hè thu đã trồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh Thái Bình đang nỗ lực triển khai các giải pháp, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, vì vậy cần sự phối hợp vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan chuyên môn duy trì thường xuyên công tác dự báo bão số 3 bảo đảm sát thực tế để chủ động các phương án PCTT. Phải phân công công việc cụ thể, kiểm tra sát sao trong phòng, chống bão.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc chủ động các phương án sau khi bão đổ bộ, nhất là hoàn lưu gây mưa lớn sau khi bão đổ bộ vào đất liền; đề phòng các hiện tượng lũ ống, lũ quét; khắc phục các điểm xung yếu và có phương án di dời dân ở những nơi có nguy cơ cao, nếu cần thiết phải cưỡng chế để bảo đảm an toàn.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, hiệp đồng, phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão số 3 gây ra.

Nguyễn Thơi