Toàn tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3
* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, lượng mưa trung bình toàn tỉnh từ ngày 6/9 đến 19 giờ ngày 7/9 là 203,4mm; đặc biệt có nơi cao hơn như An Hiệp (Quỳnh Phụ) 419,4mm, Nam Cường (Tiền Hải) 287,8mm, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) 236,0mm. Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh gieo cấy 74.327ha lúa mùa; theo ước tính sơ bộ ban đầu có khoảng 6.000ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%; 5.000ha bị thiệt hại trên 70%; diện tích lúa nghiêng, đổ bị úng ngập ước tính là 18.000ha. Về rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch có 585ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70%; 2.760ha bị ảnh hưởng trên 70%. Ngoài ra, về cây ăn quả có khoảng 1.200ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70%; 170ha bị ảnh hưởng trên 70%.
Lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ gây cản trở giao thông tại đường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình). Ảnh: Nguyễn Thơi
Cùng với đó, bão số 3 đã gây ra sự cố về hạ tầng lưới điện của tỉnh, trong đó có 4 đường dây 110kV và 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện. Do ảnh hưởng của gió mạnh kèm theo mưa lớn diện rộng liên tục trong nhiều giờ khiến một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, đơn vị, trường học bị tốc mái; nhiều cây xanh, cột điện bị gãy đổ ngang đường; một số tuyến đường bị ngập lụt gây ùn tắc giao thông cục bộ… Toàn tỉnh bị sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng. Các khu công nghiệp, tàu thuyền trên địa bàn, đến nay theo báo cáo ban đầu chưa ghi nhận thiệt hại.
Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng thăm hỏi tình hình ngư dân sau bão. Ảnh: Nguyễn Thơi
Để nhanh chóng khắc phục do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND, trong đó yêu cầu chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng cần ưu tiên khôi phục ngay hoạt động trong các lĩnh vực: bảo đảm giao thông thông suốt, điện, nước, viễn thông, vệ sinh môi trường… khẩn trương thống kê, rà soát thiệt hại do bão gây ra và khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại; tập trung các biện pháp tiêu úng kịp thời, nhanh chóng khôi phục sản xuất; tãng cường công tác kiểm tra đê điều, đặc biệt các vị trí, công trình trọng điểm xung yếu, nếu phát hiện sự cố cần huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực và tổ chức củng cố, tu bổ ngay…
Thành phố
Sáng ngày 8/9, UBND thành phố Thái Bình tổ chức họp triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 3. Sau khi các phòng, đơn vị, địa phương báo cáo tình hình thiệt hại của bão số 3, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các địa phương huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện khẩn trương, chủ động khắc phục hậu quả do bão gây ra. Ưu tiên thu dọn vật cản, cây gãy, đổ làm cản trở giao thông tại các tuyến đường trong khu dân cư trên địa bàn, thời gian hoàn thành trong ngày 8/9; tổ chức dựng, néo giữ cây xanh hoàn thành trong ngày 9/9; tổ chức thu dọn vệ sinh, bảo đảm môi trường. Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Đối với phường, xã có sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo hợp tác xã phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi thành phố khẩn trương tiêu úng tại các khu vực thấp, trũng; khôi phục sản xuất sau bão. Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố tổ chức kiểm tra các công trình hạ tầng do đơn vị làm chủ đầu tư, quản lý, đang thi công để đánh giá thiệt hại, xây dựng phương án và tổ chức khắc phục kịp thời.
Lực lượng công an tham gia thu dọn cây xanh gãy đổ. Ảnh: Minh Nguyệt Phường Hoàng Diệu huy động lực lượng thu dọn cây xanh gãy đổ. Ảnh: Minh Nguyệt Phường Tiền Phong thu dọn cây xanh gãy đổ. Ảnh: Minh Nguyệt
Trước, trong, sau bão, các đồng chí lãnh đạo thành phố đã tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị chuẩn bị ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Sau bão, thành phố không có thiệt hại về người và công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, y tế. Về hạ tầng đô thị, trên 150 biển báo, một số hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị bị thiệt hại; gần 1.000 cây xanh tại các tuyến phố, công viên bị gãy đổ. 15/15 đường dây trung thế gặp sự cố do cây đổ, vật thể bay vào đường dây; bị gãy, đổ 5 cột hạ thế; 5 tủ điện; đứt, hỏng nhiều tuyến đường dây hạ thế, gây mất điện diện rộng. Điện lực thành phố phấn đấu cấp điện toàn thành phố trong ngày 8/9.
Tiền Hải
Tại huyện Tiền Hải, bão số 3 đã làm khoảng 2.850ha lúa mùa đã và đang trỗ bông bị đổ nghiêng, ngập úng; 1.100ha hoa màu, trong đó có 800ha cây màu hè, 300ha cây vụ đông bị ảnh hưởng; một số diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, lụt. Ngoài ra, trên nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị gãy đổ, bật gốc; một số tuyến đường bị ngập úng cục bộ; một số công trình trường học, trạm y tế bị tốc mái tôn, bung cửa, vỡ kính; một số nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp bị bay mái tôn, chưa ghi nhận thiệt hại lớn. Toàn huyện, có 27 cột điện hạ thế, 1 cột cao thế bị gãy đổ, nhiều đoạn dây bị đứt, vỡ các thiết bị trụ sứ...
Diện tích lúa tại xã Đông Lâm bị ngập úng. Ảnh: Trần TuấnNhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Tiền Hải bị ngập. Ảnh: Trần Tuấn
Tiền Hải huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố, khắc phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để nhanh chóng bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng như trường học, trạm y tế..., để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân. Huyện đang khẩn trương thực hiện công tác tiêu, thoát nước cho các diện tích lúa mùa; khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân trong thời gian tới.
Quỳnh Phụ
Khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ và thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã trực tiếp về các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, chỉ đạo, yêu cầu tập trung huy động lực lượng nhanh chóng thu dọn cây cối, cột điện gãy đổ, vật dụng sau bão để giải tỏa giao thông. Đối với cột điện bị gãy, đổ, Điện lực Quỳnh Phụ huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm nguồn điện phục vụ sinh hoạt và các trạm bơm hoạt động tiêu úng. Đối với việc xử lý ngập úng, huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các địa phương bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, tranh thủ mở các cống tiêu nước để hạ mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống. Tập trung khơi thông, giải phóng dòng chảy, tiêu nước trong đồng, trên các kênh và các đầu cống tiêu. Kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, nhà dân sinh trên địa bàn, khắc phục những sự cố phát sinh sau bão.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung nhân lực thu dọn cây đổ để không cản trở việc lưu thông. Ảnh: Nguyễn Cường Người dân trồng rau màu tại các địa phương huyện Quỳnh Phụ khẩn trương thu dọn, khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nguyễn Cường
Điện lực Quỳnh Phụ phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sự cố của cơn bão số 3. Ảnh: Nguyễn Cường
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quỳnh Phụ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến sau bão để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Vũ Thư
Thống kê sơ bộ tại huyện Vũ Thư, bão số 3 đã làm trên 3.000ha lúa mùa bị ngập úng; 1.115ha cây màu bị thiệt hại với tỷ lệ trên 70%; nhiều cây xanh bị đổ gãy; hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, các công trình trụ sở, trường học bảo đảm an toàn, không có thiệt hại về người. Hệ thống đường dây điện trung thế có gặp một số sự cố nhưng cơ bản an toàn, trên 50 cột điện hạ thế bị gãy, đổ, làm mất điện nhiều khu vực.
Lãnh đạo huyện Vũ Thư và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang của huyện kịp thời xuống cơ sở để chỉ đạo, triển khai, khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Quỳnh LưuĐiện lực huyện Vũ Thư huy động lực lượng khẩn trương khắc phục sự cố đường dây do bão gây ra để nhanh chóng cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ảnh: Quỳnh Lưu Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Song An (Vũ Thư) tiến hành thu dọn cây cối đổ gãy, tổng vệ sinh sau bão số 3. Ảnh: Quỳnh Lưu Nông dân xã Trung An kiểm tra, khơi thông dòng chảy để bảo vệ cây màu sau bão số 3. Ảnh: Quỳnh Lưu
Trong đêm 7/9, rạng sáng ngày 8/9, Điện lực Vũ Thư huy động toàn bộ lực lượng khắc phục, sửa chữa để nhanh chóng cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Huyện đã vận hành 4/4 trạm bơm tiêu úng; tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương tiến hành thu hoạch sớm rau màu bị ngập úng; giải tỏa dòng chảy để tiêu thoát nước nội đồng, bảo vệ lúa mùa. Các địa phương huy động phương tiện, nhân lực kịp thời tiến hành cắt tỉa, thu dọn cây cối gãy đổ, giải tỏa, bảo đảm giao thông thông suốt, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ 10, tỉnh lộ 454, 463… Các cơ quan, đơn vị, trường học huy động lực lượng tiến hành dựng buộc cây cối gãy đổ, dọn vệ sinh ngay sau khi bão tan. Huyện đã huy động cán bộ, công chức, viên chức các ngành, đoàn thể và chiến sĩ lực lượng vũ trang về cơ sở trực tiếp chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, hỗ trợ các xã, thị trấn công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đến 10 giờ ngày 9/9, công tác khắc phục hậu quả bão số 3 của huyện Vũ Thư cơ bản thuận lợi, kịp thời, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Đông Hưng
Bão số 3 đổ bộ không gây thiệt hại về người, tuy nhiên trên địa bàn huyện Đông Hưng có mưa to, gió lớn đã làm khoảng 4.000/11.000ha lúa đổ, 20ha cây màu bị thiệt hại, 52 công trình công cộng bị tốc mái; nhà ở bị tốc mái khoảng 8.000m2; các công trình khác bị tốc mái khoảng 32.000m2; khoảng 20 cột điện và 4 cột phát thanh các xã bị đổ; cây cối bị đổ nhiều.
Các lực lượng chức năng xã Đông Phương xử lý cây xanh bị đổ sau bão. Ảnh Thu HiềnCán bộ, công nhân, người lao động Công ty Cổ phần May Đô Lương xử lý hàng hóa bị ảnh hưởng sau bão. Ảnh: Thu Hiền
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đông Hợp khẩn trương khắc phục sự cố sau bão số 3. Ảnh: Thu Hiền
Sau khi bão tan, từ đêm ngày 8/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đông Hưng đã huy động các lực lượng chức năng, phương tiện, nhân dân các địa phương nhanh chóng giải tỏa cây xanh bị đổ trên các tuyến đường, giải phóng giao thông. Đến trưa ngày 8/9, giao thông trên địa bàn huyện cơ bản thông suốt. Các trường học huy động cán bộ, giáo viên khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão để ngày 9/9 đón học sinh trở lại trường. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động vận hành các trạm bơm tiêu úng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Các địa phương huy động tối đa phương tiện khơi thông dòng chảy nhằm tiêu nước trong hệ thống một cách nhanh nhất, ưu tiên những diện tích bị ngập úng nặng, khó tiêu thoát nước. Điện lực huyện tiến hành tu sửa, dựng lại các cột điện bị đổ gãy để sớm cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là cấp cho các trạm bơm tiêu úng. Các địa phương rà soát, kiểm tra và giúp đỡ các gia đình chính sách có nhà bị đổ hoặc tốc mái. Các hộ dân cũng đã tập trung thu dọn, khắc phục nhà ở và các công trình phụ trợ bị hư hỏng do bão.
Hưng Hà
Để khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, huyện Hưng Hà huy động các lực lượng, phương tiện tập trung xử lý, khắc phục, giải tỏa nhanh nhất số lượng cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng bị gãy, đổ; biển quảng cáo hư hại; ưu tiên xử lý các các tuyến giao thông trục chính, các khu vực trung tâm chính trị, văn hóa của huyện; hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công, già cả neo đơn sửa chữa nhà cửa do ảnh hưởng của bão giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, vận hành 3 trạm bơm tiêu úng gồm: Hà Thanh với 32.000m3/giờ, Tịnh Xuyên với 40.000m3/giờ, Minh Tân với 64.000m3/giờ và các trạm bơm tiêu của các địa phương khẩn trương bơm tiêu thoát nước cho lúa mùa và rau màu. HTX DVNN các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra diện tích lúa, rau màu bị thiệt hại, vận động nhân dân khẩn trương buộc dựng những diện tích lúa bị đổ, thu hoạch cây màu bị ngập úng; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều, củng cố, tu bổ ngay để bảo đảm an toàn; giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa ở bãi sông gây cản trở thoát lũ.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hưng Hà tham gia hỗ trợ dựng cây đổ tại đền Trần, xã Tiến Đức. Ảnh: Thanh ThủyNông dân Hưng Hà khẩn trương buộc dựng lúa đổ sau bão. Ảnh: Thanh Thủy
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Vũ Thị Thục, xã Đoan Hưng (Hưng Hà) vệ sinh trường lớp sau bão số 3. Ảnh: Thanh Thủy
Đến 15 giờ ngày 8/9, các tuyến đường trên địa bàn huyện cơ bản được thông suốt; các trường học hoàn thành việc vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón các em học sinh đến trường. Ngoài ra, Điện lực Hưng Hà đã kịp thời khắc phục điện cho một số địa phương giúp người dân ổn định sinh hoạt; nhiều diện tích lúa đổ đã được nhân dân buộc dựng, một số diện tích rau màu đã được người dân thu hoạch xong.
Lực lượng vũ trang tỉnh
Ngay trong đêm ngày 7/9 và sáng ngày 8/9, các đơn vị của Bộ CHQS tỉnh đã xuống đường giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh thu dọn cây đổ để bảo đảm giao thông thông suốt. Ảnh: Tiến Đạt
Bộ CHQS tỉnh huy động gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Bộ binh 568, Đại đội Trinh sát cơ sở, lực lượng thường trực của ban CHQS các huyện, thành phố tham gia dựng cây đổ, thu gom rác thải, cắt tỉa cây đổ, giúp đỡ người dân tiêu úng cho hoa màu. Ở một số địa phương, lực lượng quân đội giúp đỡ người dân dựng lại các cây ăn quả bị ngã đổ sau bão; hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men để người dân yên tâm sinh sống.
Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh huy động trên 300 dân quân tự vệ cơ sở, 14 ô tô, nhiều vật chất như cuốc, xẻng, cọc tre... tham gia gia cố những điểm đê xung yếu trên địa bàn tỉnh, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa chữa lại nhà cửa ổn định cuộc sống sau bão.
Công an tỉnh
Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào Thái Bình và giảm cường độ, với tinh thần khẩn trương, tích cực, lực lượng công an đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ chính quyền và nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão gây ra.
Công an huyện Thái Thụy thu gom mái tôn bị tốc sau bão. Ảnh: Trịnh Cường
Công an huyện Quỳnh Phụ hỗ trợ sơ tán người dân khỏi những vị trí xung yếu. Ảnh: Trịnh CườngCông an huyện Tiền Hải phối hợp với người dân giải tỏa giao thông sau bão số 3. Ảnh: Trịnh Cường
Với phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, trong đêm 7/9, công an các huyện, thành phố đã huy động 100% quân số cùng lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở cùng gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc đại đội cơ động phòng, chống lụt bão và cứu hộ, cứu nạn của Công an tỉnh và nhiều phương tiện đặc chủng tập trung rà soát toàn bộ địa bàn cơ sở, khu dân cư, khu vực xung yếu, khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; kịp thời rà soát thống kê thiệt hại hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng lớn do bão gây ra; tham gia cưa cắt, dọn dẹp, thu gom, xử lý cây đổ, khắc phục cột điện, cổng chào đổ gãy, đường điện bị đứt bảo đảm giao thông thông suốt. Các lực lượng nghiệp vụ tăng cường tuần tra cơ động trên các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự xã hội, tụ điểm phức tạp về trật tự công cộng, địa bàn khu dân cư xung quanh các mục tiêu bảo vệ. Tại các tuyến giao thông trọng điểm, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và tích cực phối hợp với các đơn vị tại chỗ khắc phục sự cố, tổ chức phân luồng, bảo đảm giao thông. Công an các đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra ngay trong nội bộ cơ quan đơn vị để bảo đảm không bị gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ công tác.
Tỉnh đoàn Thái Bình
Với tinh thần sẵn sàng, chủ động, Tỉnh đoàn Thái Bình đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong tỉnh tăng cường các đội hình thanh niên tình nguyện, huy động hơn 12.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia khắc phục hậu quả bão số 3.
Đoàn viên, thanh niên dọn cành cây gãy tại Trường Mầm non An Ninh (Quỳnh Phụ). Ảnh: Phương Chi
Thanh niên xã Thụy Xuân (Thái Thụy) cùng các lực lượng dọn cành cây gãy sau bão số 3. Ảnh: Phương Chi
Cán bộ, đoàn viên, thanh niên phối hợp với các lực lượng thu dọn cành cây, cột điện gãy, đổ, biển quảng cáo chắn ngang đường; vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân sửa sang nhà cửa; quét dọn sân trường, phòng chức năng tại các trường học, trạm y tế bị ảnh hưởng; khơi thông dòng chảy, hỗ trợ nông dân cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; kết nối, vận động các nguồn lực để hỗ trợ người dân, thanh thiếu nhi bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Lãnh đạo Tỉnh đoàn thăm, tặng quà động viên đội thanh niên tình nguyện khắc phục hậu quả bão số 3 xã An Ninh (Quỳnh Phụ). Ảnh: Phương Chi
Trong chiều ngày 8/9, Tỉnh đoàn Thái Bình huy động hơn 100 cán bộ, đoàn viên, thanh niên các trường đại học, cao đẳng về hỗ trợ người dân huyện Hưng Hà khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Trong tối ngày 7/9 và ngày 8/9, lãnh đạo Tỉnh đoàn đã tặng quà động viên các đội hình tình nguyện và lưu ý cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 phải bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Các đơn vị y tế
Ngay sau bão số 3, sáng ngày 8/9, các đơn vị y tế trong tỉnh đã huy động nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả của bão để không ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế, tính đến sáng ngày 8/9, các đơn vị y tế trong tỉnh đã tiếp nhận gần 30 người bị tai nạn đến cấp cứu do bão số 3; không có trường hợp tử vong. Bão số 3 cũng làm bay nhiều biển hiệu, gãy đổ nhiều cây xanh, vỡ kính cửa sổ, làm hỏng một số tường bao, mái tôn và gây ngập úng một số buồng bệnh, vườn thuốc Nam, đứt dây điện, đường dây internet… tại các đơn vị y tế. Trong ngày 6 - 7/9, Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình đã thực hiện vận chuyển gần 50 chuyến cấp cứu, trong đó có 7 chuyến ngoại tỉnh.
Bệnh viện Tâm thần Thái Bình khắc phục ảnh hưởng do bão gây ra. Ảnh: Hoàng Lanh Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phổi Thái Bình vệ sinh khuôn viên sau bão. Ảnh: Hoàng Lanh
Kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão số 3, lãnh đạo Sở Y tế ghi nhận sự chủ động của các đơn vị y tế trong công tác phòng, chống bão, bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà và nhân viên y tế; đồng thời đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục những ảnh hưởng do bão gây ra, triển khai tốt các hoạt động chuyên môn, không để ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh.
Các cơ sở giáo dục
Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo, do ảnh hưởng của bão số 3, Trường THPT Bắc Kiến Xương bị tốc 600m2 mái tôn nhà hiệu bộ (xây năm 2008); Trường THPT Trần Hưng Đạo bị tốc mái tôn phòng học, sân thể dục (ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng); Trường THPT Nguyễn Trãi bị tốc 100m2 mái tôn lán xe học sinh; Trường THPT Mê Linh bị tốc mái tôn phòng bảo vệ; Trường TH, THCS và THPT Quách Đình Bảo bị lật một tấm tôn mái nhà A1; Trường THPT Hưng Nhân bị đổ 50m tường bao; Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh một lán xe học sinh bị sập; Trung tâm GDNN-GDTX Hưng Hà bị sập một trụ cổng trung tâm... Thiệt hại nặng nhất là Trường THPT Nam Đông Quan đổ 15 cây xanh, trong đó có 4 cây cổ thụ; đổ sập 15m tường bao sau trường; tốc mái tôn 2 ô nhà xe; gãy hỏng 2 bảng tin ngoài sân trường.
Gốc cây cổ thụ của Trường THPT Nam Đông Quan bật gốc làm đổ tường bao. Ảnh: Đặng Anh Trường THPT Bắc Kiến Xương khắc phục sự cố lật mái tôn dãy phòng học sau cơn bão số 3. Ảnh Đặng AnhTrường THPT Mê Linh dọn vệ sinh sau bão số 3. Ảnh: Đặng Anh
Hiện các cơ sở giáo dục đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; tiếp tục chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập; dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bảo đảm sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học vào sáng ngày 9/9.
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Công ty Nhiệt điện Thái Bình: Tập huấn và diễn tập phòng cháy, chữa cháy 28.09.2024 | 18:27 PM
- Thông báo khu vực cấm biển trong diễn tập có bắn đạn thật của Trung đoàn bộ binh 8/Sư đoàn 395/Quân khu 3 13.09.2024 | 15:57 PM
- Tăng cường công tác tuần tra, canh gác và xử lý sự cố trên tuyến đê quốc gia 12.09.2024 | 10:20 AM
- Ứng phó với bão số 3 - tuyệt đối không chủ quan, lơ là 05.09.2024 | 16:01 PM
- Kỹ năng ứng phó với thiên tai, mưa bão, lũ lụt 05.09.2024 | 16:11 PM
- Trường Đại học Y Dược Thái Bình: Tổ chức ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 16.08.2024 | 18:57 PM
- Thái Thụy: Triển khai nhiệm vụ, bồi dưỡng khung diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão mạnh, siêu bão năm 2024 28.06.2024 | 15:20 PM
- Bảo đảm an toàn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 06.06.2024 | 16:20 PM
- 12.000 người hợp luyện diễu binh trên đường phố Điện Biên 28.04.2024 | 15:37 PM
- Tiếp tục xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc 12.01.2024 | 19:39 PM
Xem tin theo ngày
- Hơn 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh