Thứ 4, 04/12/2024, 01:00[GMT+7]

Quỳnh Lâm: Căng mình chống lũ

Thứ 5, 12/09/2024 | 17:04:56
16,127 lượt xem
Xã Quỳnh Lâm được coi là “rốn lũ” của huyện Quỳnh Phụ với 1 mặt giáp đê chính, 3 mặt giáp đê bối. Từ ngày 11/9, khi mực nước trên sông Luộc báo động số III, một số đoạn đê bối bao quanh xã có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp tính mạng và tài sản của người dân. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cùng với địa phương đã huy động nhân lực, phương tiện căng mình ứng phó với mưa lũ.

Nhân dân Quỳnh Lâm chống lũ.

Video: 120924-_Quynh_Lam_cang_minh_chong_lu.mp4?_t=1726149265

 

Kịp thời xử lý sự cố sạt lở

4 giờ sáng ngày 12/9, phát hiện đoạn đê bối qua thôn Phú Khê dài 200m có hiện tượng sạt lở, khoảng 200 cán bộ, lực lượng công an, quân đội, dân quân cùng người dân khẩn trương gia cố tuyến đê. Với phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng ứng trực, các phương tiện xe tải, máy xúc, xe rùa... được huy động khẩn trương vận chuyển đất, cát, bao tải, cọc tre... để xử lý sự cố.

Biết tin đê bối trong thôn có nguy cơ sạt lở, ông Nguyễn Đình Dậu, thôn Phú Khê, 69 tuổi có mặt từ 5 giờ sáng cùng với người dân mang xe rùa, cuốc, xẻng của gia đình ra đê chống lũ. Ông Dậu cho biết: Bão lũ về tâm trạng ai cũng lo lắng nhưng không hoang mang. Khi có thông tin tuyến đê bối qua thôn có nguy cơ bị sạt lở, tuy tuổi cao nhưng tôi cũng cùng người dân trong thôn ai có gì đều mang ra khắc phục lũ. Dù mưa to, gió rét nhưng mọi người cùng bảo nhau quyết tâm bảo vệ an toàn cho tuyến đê.

Khi tuyến đê bối thôn Phú Khê còn đang tập trung gia cố, tuyến đê bối dài 1km bao bọc thôn Nghi Phú lại tiếp tục xuất hiện các mạch sủi có khả năng làm sạt lở 800m đê. Để bảo đảm an toàn cho từng đoạn đê, huyện chỉ đạo địa phương tập trung lực lượng khoảng 300 người, cắt tre, ép cọc, đóng bao tải đất gia cố cho từng vị trí.

Xã Quỳnh Lâm huy động máy múc ép cọc xử lý mạch sủi tại một số tuyến đê bối của xã.

Ông Lưu Bá Trãi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lâm cho biết: Trong 2 ngày 11-12/9, trên địa bàn xã hiện xuất hiện nhiều điểm xung yếu; các mạch đùn, mạch sủi đã làm sạt lở một số tuyến đê bối. Ngay sau khi phát hiện sự cố, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, địa phương huy động lực lượng “4 tại chỗ” bố trí nhân lực, phương tiện tập trung gia cố đê. Hàng nghìn cọc tre, hàng chục nghìn bao tải cát đã được người dân tập trung gia cố cho đê.

Quyết tâm bảo vệ đê không bị sạt lở, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Phụ cùng lực lượng dân quân tự vệ của xã đã tập kết tại các điểm xung yếu kịp thời xử lý sự cố.

Trung tá Đỗ Thành Trung, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Phụ cho biết: Trước tình hình lũ lụt dâng cao, tại xã Quỳnh Lâm, Ban Chỉ huy Quân sự huyện huy động khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện xuồng, áo phao... ứng phó. Trường hợp diễn biến lũ nguy cơ gây ngập lụt hoặc tràn, vỡ đê, Ban Chỉ huy Quân sự huyện sẽ huy động hàng trăm cán bộ chiến cùng lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh và các đơn vị trong tỉnh có thể xây dựng kế hoạch hiệp đồng cùng phối hợp với nhân dân khắc phục lũ.

Lực lượng công an, quân đội cùng người dân tham gia xử lý sự cố sạt lở tại tuyến đê bối tại thôn Phú Khê, xã Quỳnh Lâm.  

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân

Xã Quỳnh Lâm có 1.211 hộ dân với 3.680 nhân khẩu thuộc 4 thôn: Nghi Phú, Ngọc Tiến, Phú Khê và Đồng Mỹ. Ngay khi lũ trên sông Luộc báo động số III, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, địa phương tổ chức rà soát người già cả, neo đơn, trẻ em để di chuyển vào nơi an toàn.

Ông Đỗ Kim Tưởng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: Đến ngày 10/9, toàn bộ 127 hộ gia đình khó khăn, già cả, neo đơn, trẻ em và gia đình nhà có nguy cơ sập đổ do lũ, địa phương đã tổ đưa người về tránh trú tại các trường học, trạm y tế để bảo đảm an toàn.

Bà Lưu Thị Bích Phê, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Quỳnh Lâm cho biết: Nhà trường huy động 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên xuống các thôn hướng dẫn, hỗ trợ người dân đến trường tránh trú, sắp xếp chỗ ăn, chỗ ở cho 20 người dân là người già, trẻ em.

Người già, trẻ em được di chuyển đến Trường Mầm non xã Quỳnh Lâm.

Bà Nguyễn Thị Năm, thôn Ngọc Tiến, 87 tuổi chia sẻ: Lũ dâng cao, tôi và con cháu trong gia đình rất lo lắng. Tuổi cao nên ngay trong đêm ngày 10/9, địa phương cử người đưa đến tránh trú tại trường mầm non của xã. 3 ngày ở đây, tôi được chăm sóc rất chu đáo, thường xuyên thông tin diễn biến lũ bão. Tôi cũng mong lũ rút để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường.

Để bảo đảm an toàn cho tuyến đê bối xã Quỳnh Lâm, ngay trong ngày 12/9, huyện Quỳnh Phụ có công văn điều động lực lượng, vật tư hỗ trợ xã Quỳnh Lâm chống lũ.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Quyết tâm bảo vệ an toàn cho các tuyến đê xã Quỳnh Lâm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn mỗi xã điều động 30 người, 2.000 bao tải, 30 xẻng, 5 xe rùa... tập trung hỗ trợ cho xã Quỳnh Lâm chống lũ.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và địa phương; đặc biệt sự tham gia góp sức người, sức của nhân dân trong huyện, đến chiều ngày 12/9 các sự cố mạch sủi và sạt lở đều đã được xử lý kịp thời.

Nguyễn Cường