Thứ 5, 21/11/2024, 20:33[GMT+7]

Hướng dẫn thoát nạn khi gặp sự cố tại các khu vực, cơ sở tập trung đông người

Thứ 3, 17/09/2024 | 15:56:13
12,986 lượt xem
Để bảo đảm an toàn khi gặp các sự cố tại các khu vực tập trung đông người, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân kỹ năng thoát nạn như sau:

Ảnh minh họa.

1. Khi lần đầu tiên đến các cơ sở, khu vực tập trung đông người, phải nắm kỹ các lối ra, vào và hệ thống chỉ dẫn thoát nạn (các chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn thoát nạn, vị trí của mình đứng và vị trí cửa thoát nạn gần nhất, cầu thang thoát nạn, hướng di chuyển xuống cầu thang bộ từ các tầng, vị trí ban công hoặc lô gia, lối lên trên sân thượng hoặc lên mái.

Cần nhận biết địa hình đang đứng và nhận biết bầu không khí chung của sự kiện, cảnh hỗn loạn thường có thể được dự báo trước. Nếu bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nên xem xét rời ngay khỏi đó.

2. Khi bị kẹt trong đám đông hỗn loạn, hãy cố gắng xác định vị trí thoát hiểm, các điểm cao như một bức tường nhảy lên đứng trong trường hợp bị đám đông chèn ép, một cái cây, bệ cửa sổ, ban công tầng thấp cũng là một điểm cao tốt có thể nhảy lên để trú ẩn. Nếu bị chèn ép trong đám đông, hãy để hai tay trước ngực để bảo vệ phổi và lồng ngực. Nếu bị ngã hãy cuộn người lại như tư thế thai nhi nằm trong bụng mẹ, tránh nằm sấp hoặc ngửa. Di chuyển thuận chiều theo dòng người, tuyệt đối không di chuyển ngược chiều đám đông.

3. Khi xảy ra sự cố cháy, nổ phải bình tĩnh, không hoảng loạn, xô đẩy và nhanh chóng di chuyển ra ngoài thông qua các lối ra, theo hệ thống đèn chỉ dẫn thoát nạn, nếu cửa chính hoặc lối thoát nạn bị khói, lửa chặn, hãy tìm lối thoát khác như ban công hoặc cửa sổ.

4. Trường hợp bị kẹt trong đám cháy, khi phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng chống khói khí độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt, khom lưng, men theo bờ tường để tìm đến các lối thoát nạn; sử dụng mặt nạ phòng chống khói khí độc hoặc khăn ướt để bịt mũi trong quá trình thoát nạn.

Nếu nhiệt độ quá nóng thì không được thoát nạn qua cửa đó mà phải chèn bịt kín cửa đó lại bằng vải, quần áo ướt hoặc băng dính,… sau đó di chuyển ra các khu vực thoáng như cửa sổ, ban công và gọi điện thoại 114 thông báo hoặc sử dụng khăn, áo vải vẫy kết hợp với hô to để mọi người biết vị trí của mình.

5. Trong quá trình di chuyển thoát nạn chú ý quan sát các khu vực có nguy cơ sập đổ cấu kiện xây dựng để tránh và tìm được lối thoát nạn khác. Không chạy vào trong phòng tắm, nhà vệ sinh, khu vực kín để trú.

6. Thông báo cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ biết những người còn bị kẹt trong đám cháy và khu vực có khả năng còn người bị kẹt để lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm, cứu nạn.

Theo congan.thaibinh.gov.vn