Thứ 2, 20/05/2024, 23:19[GMT+7]

Màn trời, chiếu đất vì “tín dụng đen”

Thứ 6, 20/12/2013 | 08:32:42
2,835 lượt xem
“Tín dụng đen” là cụm từ hay được dùng để chỉ các hoạt động cho vay dân sự không qua hệ thống ngân hàng chính thức. Thời gian gần đây, các vụ vỡ nợ do “tín dụng đen” liên tiếp xảy ra tại một số địa phương trong tỉnh, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, kinh tế kiệt quệ, mất hết gia tài, kéo theo đó là các vụ bắt nợ, xiết nợ, đánh chửi nhau… làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Bà Tạ Thị Mỳ suy sụp khi biết bà Nga đã bỏ trốn, mang theo số tiền 418 triệu đồng của mình.

 

Ðã len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, âm ỉ từ rất lâu nhưng gần đây “tín dụng đen” mới vỡ lở và diễn biến phức tạp. Sở dĩ có điều đó là do việc thắt chặt tín dụng cộng với suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp rơi vào cảnh "sức cùng lực kiệt". Ðể cứu vãn tình thế tạm thời, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận việc huy động vốn với lãi suất cao, từ 5 - 15%/tháng, dẫn đến mất khả năng thanh toán bởi trên thực tế không có ngành kinh doanh nào có thể bảo đảm lợi nhuận để có thể chi trả cho những khoản vay với lãi suất "cắt cổ" như vậy.

 

Khi lòng tin bị đặt nhầm chỗ

 

Ðầu tháng 11/2013 người dân Thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) xôn xao về vụ việc bà Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1964, trú tại khu phố Tiểu Hoàng (Thị trấn Tiền Hải) là Trưởng phòng Kế hoạch - Truyền thông của Trung tâm Y tế huyện bỏ trốn cùng số tiền nhiều tỷ đồng huy động từ bà con khu phố, họ hàng và cả đồng nghiệp. Theo những người dân ở khu phố Tiểu Hoàng cho biết: Bà Nga là cán bộ, lại có cửa hàng buôn bán thuốc tây rất lớn tại thị trấn.

 

Ðầu năm 2013 bà Nga đã đứng lên vay khoảng 15 người ở khu phố Tiểu Hoàng với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng và một số đồng nghiệp tại cơ quan khoảng trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 10 vừa qua, bà Nga không còn xuất hiện tại địa phương, không đi làm, nhiều người tá hỏa gọi điện thì không liên lạc được. Sau một thời gian chờ đợi nhưng bà Nga vẫn bặt tin, cực chẳng đã họ đành làm đơn tố cáo lên Công an huyện Tiền Hải. Người cho bà Nga vay nhiều nhất là chị Hoàng Thị Lương (trú tại số nhà 53 khu phố Tiểu Hoàng) với tổng số tiền 610 triệu đồng. Ðau lòng nhất là trường hợp bà Ðặng Thị Út (khu 3, Thị trấn Tiền Hải). Dù biết bà Út hoàn cảnh nghèo khó nhưng bà Nga vẫn ngon ngọt thuyết phục để bà Út cho vay 20 triệu đồng, đây là số tiền bà Út dành dụm để chữa bệnh xơ gan cho chồng.

 

Những nạn nhân cho bà Nga vay tiền cho biết, lý do được bà Nga đưa ra để vay tiền của mọi người là nhằm ủ thuốc sợ lên giá, đáo hạn ngân hàng, chạy việc cho con, mua nhà tại Hà Nội... Hàng ngày bà Nga không ăn diện, chơi bời, hơn nữa bà Nga lại là trưởng phòng của Trung tâm Y tế dự phòng huyện, chồng là lái xe của UBND huyện, gia đình có cửa hàng kinh doanh thuốc tây 4 tầng tại thị trấn. Ngoài những người trong khu phố, bà Nga còn vay tiền của nhiều đồng nghiệp cùng cơ quan khoảng hơn 2 tỷ đồng.

 

Bà Tạ Thị Mỳ (sinh năm 1960, cán bộ Trạm Y tế Thị trấn Tiền Hải) vừa khóc vừa nói: Bà Nga vừa là đồng nghiệp, vừa là cấp trên nên tôi tin tưởng tuyệt đối, tôi đã đưa cho bà Nga vay 418 triệu đồng, đây là số tiền của người em làm ở Liên bang Nga gửi về giữ hộ. Công an huyện Tiền Hải đã nhận đơn tố cáo của những người cho bà Nga vay, đồng thời tổ chức thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu bà Nga đến trụ sở công an làm việc trong vòng 15 ngày kể từ ngày 21/11, nếu không thì coi như bỏ trốn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, chưa hết 15 ngày, người nhà bà Nga đến cơ quan công an trình báo hiện bà Nga “đang điều trị bệnh” tại miền Nam...

 

Khoảng 2 tháng trở lại đây, tại Thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) chỗ nào cũng thấy bàn tán xôn xao về vụ vỡ nợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Ðiều đáng nói trong vụ vỡ nợ này lại bắt nguồn từ cô gái còn rất trẻ, vừa là nạn nhân vừa là con nợ. Với dáng vẻ tiều tụy già hơn so với tuổi 30, Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1984, trú tại Thị trấn An Bài - người đang treo trên đầu món nợ khổng lồ hơn 10 tỷ đồng, chỉ biết khóc khi nhìn khuôn mặt thẫn thờ của bố mẹ, chồng con và những người thân quen đã trót cho cô vay tiền. Bản thân là cô gái xinh đẹp, con một trong gia đình gia giáo, bố là cán bộ quân đội nghỉ hưu, mẹ có tiếng là người hoạt bát, Xuân xây dựng gia đình nhưng do không có việc làm nên hàng ngày cô đều đến nhà mẹ đẻ để phụ giúp công việc buôn bán hoa quả.

 

Thời gian khoảng cuối năm 2010, trong quá trình làm ăn buôn bán, Xuân quen với Phạm Thị Vinh Hoa, sinh năm 1984, trú tại phường Bồ Xuyên (Thành phố Thái Bình), lấy chồng tại Thị trấn An Bài. Thấy Hoa ăn diện, đi xe sang trọng, Hoa lại nói với Xuân là đang đầu tư nhiều dự án lớn như bệnh viện, khách sạn, khu resort tại Thành phố Ðà Nẵng, làm ăn phát đạt lắm, sau những chuyến đi “công tác” về Hoa đều tặng cho Xuân những món đồ hàng hiệu nên đầu năm 2013, khi Hoa nói là đang thiếu vốn kinh doanh, nếu Xuân có tiền cho vay thì Hoa sẽ trả lãi cao, Xuân đã lấy “sổ đỏ” ngôi nhà của bố mẹ đẻ cầm cố ngân hàng lấy 1,5 tỷ đồng đưa cho Hoa vay.

 

Những tháng đầu Hoa trả lãi đầy đủ. Thấy kiếm tiền dễ, Xuân lại tiếp tục đứng lên huy động của nhiều người với số tiền hơn 10 tỷ đồng đưa cho Hoa. Một thời gian ngắn sau, Hoa thông báo do làm ăn thua lỗ nên hiện tại không có khả năng trả nợ, đồng thời bỏ đi Hà Nội để lại cho Xuân đống nợ chồng chất... “Con dại cái mang”, cực chẳng đã bố mẹ Xuân đã phải rao bán căn nhà của mình để trang trải một phần nợ nần cho con.

 

Vừa qua, một ngân hàng thương mại làm thủ tục phát mại ngôi nhà của vợ chồng ông T. và bà M., nguyên là cán bộ y tế nghỉ hưu, tại phường Quang Trung (Thành phố Thái Bình), khiến ông bà rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất” khi tuổi đã xế chiều. Nguyên do vốn là chỗ quen biết lâu năm với một người bạn là chủ tiệm vàng, nghe lời dỗ ngon ngọt, ông bà đã đồng ý cho mượn “sổ đỏ” để thế chấp ngân hàng, đổi lại mỗi tháng ông bà được nhận một khoản chênh lệch. Thế nhưng, chỉ đến tháng thứ 3 thì “bạn vàng” vỡ nợ lên tới vài chục tỷ đồng, không có khả năng chi trả. Ông T. và bà M. đã ngậm ngùi mất trắng ngôi nhà mà cả đời công tác hai vợ chồng mới dành dụm có được.

 

Làm gì để loại bỏ “tín dụng đen”?

 

Theo thống kê của ngành Công an, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản..., số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất nhiều người đã và đang trở thành nạn nhân của những “con bạch tuộc” “tín dụng đen” do ham lãi suất cao. Có nhiều nguyên dẫn khiến họ rơi vào “vòng xoáy” của “tín dụng đen” như hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế, các quy định liên quan đến hoạt động vay, cho vay trong khi đó phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo người dân; các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn còn thiếu sự kiểm soát trong hoạt động này. Nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng này, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan bảo vệ pháp luật thì quan trọng hơn cả là ý thức cảnh giác của người dân. Ðừng hám lợi mà rơi vào cảnh “khuynh gia, bại sản”, “màn trời, chiếu đất” do “tín dụng đen” gây ra.

Nguyễn Tùng

 

  • Từ khóa