Thứ 3, 21/05/2024, 04:42[GMT+7]

Chuyện những anh nuôi trên tàu HQ 936

Thứ 6, 10/01/2014 | 08:45:46
907 lượt xem
Hình ảnh người anh nuôi lấy dây buộc mình vào boong tàu rửa rau, vo gạo, thái thịt để khỏi bị sóng dữ đánh rớt xuống biển, những bát cháo đỗ xanh thơm mát được đưa đến tận tay những tân binh đang say mềm vì sóng và lời động viên “em cố ăn đi cho đỡ mệt” thật khó quên đối với chúng tôi trong chuyến hải trình trên tàu HQ 936 vượt trùng khơi đến Trường Sa mùa gió chướng. Nhóm phóng viên Báo Thái Bình đã có dịp ghi lại những công việc tưởng chừng bình thường nhưng lại vô cùng khó khăn của

Anh em tổ hậu cần vui vẻ cùng nhau làm việc.

Tổ hậu cần phục vụ trên tàu như một “gánh xiếc” biểu diễn những trò chơi mạo hiểm. Đạo cụ của các anh đơn giản là những con dao, đôi đũa hay những chiếc xoong, chảo nấu ăn... Vượt qua những khó khăn, họ biểu diễn bằng niềm đam mê nấu nướng. Trong căn bếp, tất cả các dụng cụ phục vụ nấu nướng đều được chằng chống cố định bằng dây thép để tránh xê dịch gây đổ vỡ. Trung úy Trần Trọng Lâm, bếp trưởng - người trực tiếp điều hành việc nấu ăn cho biết: Đối với những chuyến tàu, ra khơi mùa biển động là vất vả nhất. Thời gian này, gió giật cấp 7, cấp 8, có những con sóng cao tới 5 - 6m trùm lên cả boong tàu khiến việc nấu nướng càng khó khăn. Anh em, chiến sĩ hậu cần phải chống chọi với bão táp, phong ba, mưa nắng để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều khi đang nấu ăn, tàu gặp sóng dữ chao đảo. Nếu không chú ý và linh hoạt sẽ rất nguy hiểm bởi đồ đạc, xoong nồi bị xô đẩy rơi vỡ. Nhiều trường hợp còn nguy hiểm tới tính mạng con người, còn chuyện đứt tay, đứt chân hay bị bỏng là chuyện thường ngày…

Trung úy Lê Văn Tới, trợ lý hậu cần trên tàu HQ 936 là người đồng hương với chúng tôi. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy. Những năm tháng làm việc trên tàu, anh có nhiều kỷ niệm, anh tâm sự: “Thật vinh dự cho tôi khi được giao nhiệm vụ là trợ lý hậu cần trên những chuyến tàu ra với Trường Sa, phục vụ rất nhiều đoàn Trung ương và địa phương. Nấu ăn là một nghệ thuật nhưng nấu ăn trên tàu lại cần có những kỹ thuật khéo léo và linh hoạt”.

Anh em hậu cần chuẩn bị bữa cơm trưa

Để trải nghiệm sự vất vả và phức tạp khi nấu ăn trên tàu, chúng tôi đã thử vào vai “anh nuôi”. Lần đầu tiên làm một công việc mà thường ngày những chiến sĩ hậu cần vẫn làm, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn và nguy hiểm trong công việc nấu ăn khi con tàu bồng bềnh, lắc lư theo sóng nước.  Tổ hậu cần có 10 thành viên, mỗi thành viên phụ trách một công việc  khác nhau liên quan đến bếp núc như bếp trưởng, trợ lý hậu cần, phục vụ… Trung úy Trần Trọng Lâm cho biết thêm: “Tùy vào từng chuyến đi, có những đoàn chỉ hơn 100 người nhưng có nhiều đoàn vài trăm người. Để cân đối được nguồn thực phẩm dự trữ cho những chuyến đi dài ngày trên biển, chúng tôi phải tính toán chính xác. Khẩu phần mỗi bữa ăn cũng được cân đối đúng theo quy định, có đầy đủ thịt, rau xanh, bảo đảm đủ kalo/người và một yêu cầu nữa là trong một ngày các món ăn không được trùng lặp nhau”.

Từ những công việc đơn giản như lựa chọn nguyên liệu đến những quy trình phức tạp như bảo quản nguyên liệu, chế biến món ăn đều rất quan trọng. Đối với việc lựa chọn rau củ quả để sử dụng cho cả một hành trình dài trên biển đòi hỏi những kinh nghiệm đúc rút qua những lần ra khơi. Trợ lý hậu cần Lê Văn Tới giải thích: “Riêng những chuyến công tác dài ngày, việc lựa chọn rau quả phải được tính toán kỹ lưỡng, mỗi một loại rau có một thời gian sử dụng khác nhau. Rau củ nào để được ít ngày thì sử dụng ngay ở những tuần đầu. Còn những rau củ để được lâu như: bầu bí, khoai tây, hành tây, cải bắp, đậu đũa… dự trữ nhiều hơn và sử dụng lâu hơn. Đối với các loại rau bị héo do thời tiết thì xử lý bằng cách muối dưa, để tiết kiệm chi phí bảo quản”. 

Một ngày 3 bữa ăn, thời gian làm việc của tổ hậu cần bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ đêm. Từ việc chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn sáng đến việc nấu nướng làm sao cho kịp 6 giờ là phải hoàn tất. Đã là quy định thì thời gian biểu không được sai lệch. Bữa sáng xong xuôi, anh em trong tổ hậu cần lại tất bật cho bữa cơm trưa và cơm chiều. Với các anh, niềm vui và hạnh phúc là khi mỗi bữa cơm đều mang đến một sự khác lạ để những đồng đội của mình ngon miệng, lấy sức bám đảo, bám biển bảo vệ cột mốc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

    Nguyễn Tùng - Tất Đạt
      (Gửi từ Trường Sa)

  • Từ khóa