Thứ 3, 21/05/2024, 01:17[GMT+7]

Người chiến sĩ mang hai màu áo

Thứ 5, 16/01/2014 | 08:49:40
1,896 lượt xem
Nhắc đến bộ đội biên phòng (BĐBP) chắc hẳn mỗi chúng ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh những người chiến sĩ mang quân hàm xanh đang ngày ngày chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng với người dân vùng biên thì hình ảnh BĐBP còn gắn với chiếc áo blouse dài, trắng tinh khôi. Họ không chỉ là những người lính mà còn là người thầy thuốc hết lòng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Điều trị cho bệnh nhân tại Phòng khám Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Trà Lý.

Vinh quang khi được khoác trên mình 2 màu áo (màu xanh của áo lính và màu áo trắng của nghề y), nhiệm vụ của các chiến sĩ biên phòng công tác tại các phòng khám quân dân y kết hợp theo đó cũng rất đỗi nặng nề. Tuy nhiên, với nhiệt huyết cùng lòng quyết tâm, các anh luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần củng cố vững chắc thế trận lòng dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, đóng góp hiệu quả vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền khu vực biên giới biển.

Về thăm Phòng khám Quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Trà Lý, chúng tôi được làm quen với Trung tá Đặng Hữu Phước. Là người phụ trách phòng khám từ năm 2007 đến nay, hình ảnh Trung tá Phước với 2 màu áo đã trở nên quen thuộc và thân thương với người dân xã Thái Đô (Thái Thụy). Gần 7 năm qua, người dân trong xã mỗi khi có vấn đề về sức khỏe đều tìm đến anh để được tư vấn, khám và chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Năng, ở xóm 2, thôn Tân Bồi, người đến khám bệnh tại phòng khám cho biết: “Mỗi khi trái gió trở trời, sức khỏe có vấn đề tôi thường đến phòng khám để nhờ anh Phước điều trị. Đối với tất cả bà con đến khám anh đều rất nhiệt tình, trách nhiệm. Nhiều người bệnh nặng hoặc già cả không thể đến phòng khám, anh Phước đến tận nhà thăm bệnh”.

Nghe Trung tá Phước tâm sự, chúng tôi được biết anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ven biển của huyện Tiền Hải. Năm 1984, anh nhập ngũ và sau đó theo học tại Trường Quân Y 1 của Bộ Quốc phòng. Sau khi ra trường (1987) anh về công tác tại tỉnh nhà. Trải qua nhiều năm công tác, bí quyết thành công đồng thời cũng là điều anh Phước tâm đắc nhất đó là phải có tình yêu và tấm lòng tâm huyết với nghề. Anh kể lại: “Nhiều hôm nửa đêm mưa gió, trời lạnh cắt da cắt thịt, nếu có người nhà bệnh nhân đến tìm, tôi vẫn sẵn sàng khoác áo lên đường. Khổ nhất là khi người nhà cuống quýt, tôi hỏi mãi mà họ không nói rõ được triệu chứng của bệnh nhân nên khó mang theo dụng cụ, thuốc thang cho phù hợp. Nhiều lúc mang đi nhưng không đúng, tôi lại phải quay về lấy thuốc khác. Vòng đi vòng lại, sau khi cấp cứu xong trời cũng vừa gần sáng. Do vậy, muốn gắn bó với nghề thì phải có lòng tâm huyết, đồng thời phải kiên trì, nhẫn nại và kiên quyết không bỏ cuộc.

Trung tá Tống Thanh Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trà Lý cho biết: “Phòng khám Quân dân y kết hợp không chỉ là nơi chăm lo sức khỏe cho anh em chiến sĩ và người dân mà đây còn là “đầu mối”, là “kênh” quan trọng để đơn vị nắm bắt tư tưởng của quần chúng nhân dân. Trong năm 2013, phòng khám đã tổ chức khám và điều trị cho khoảng 500 lượt người, tư vấn chuyển viện cho 79 lượt bệnh nhân, phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho 37 đối tượng chính sách trên địa bàn góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa đơn vị, chính quyền và nhân dân địa phương, bồi đắp thêm thế trận lòng dân vững chắc”.

Cùng nằm trên tuyến biên phòng của tỉnh, Phòng khám Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Cửa Lân hàng ngày vẫn tiếp đón hàng chục lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Đứng chân trên địa bàn xã Nam Thịnh (Tiền Hải), nhiều năm qua, phòng khám luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều người dân địa phương. Cụ Nguyễn Thị Na, 83 tuổi ở thôn Quang Thịnh là bệnh nhân thường xuyên đến khám tại đây cho biết: “Do tuổi cao, sức khỏe không được ổn định nên tôi thường xuyên đến phòng khám để điều trị. Các y, bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, chu đáo. Vào các ngày lễ, tết các anh vẫn trực thường xuyên, chỉ cần có người gọi, dù xa hay gần, các anh đều sẵn sàng lên đường để cứu chữa cho bệnh nhân. Bà con nhân dân cảm ơn các chiến sĩ BĐBP rất nhiều!”.

Chỉ trong năm 2013, phòng khám đã khám, tiếp nhận điều trị cho hơn 1.500 lượt người, bảo đảm tốt công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới. Qua trao đổi, Đại úy Phạm Văn Đệ, cán bộ tại phòng khám cho biết thêm: “Ngoài việc khám, chữa bệnh cho người dân, cán bộ của phòng khám còn làm tốt công tác tuyên truyền như: phòng chống dịch bệnh; kế hoạch hóa gia đình; phòng chống HIV/AIDS... Tuy chỉ là tuyên truyền tại chỗ song cũng góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của người dân nơi đây”.

Tuy số lượng không nhiều, song bằng tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết, các chiến sĩ của Phòng khám Quân dân y kết hợp đã và đang đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, để màu áo xanh hòa cùng màu áo trắng mãi đẹp và thân thương trong mắt người dân biển.

Đào Quyên

  • Từ khóa