Thứ 3, 21/05/2024, 01:59[GMT+7]

Phan Vinh Đảo ngọc giữa trùng khơi

Thứ 5, 16/01/2014 | 09:27:25
1,977 lượt xem
Từ xa nhìn vào, đảo Phan Vinh giống như một viên ngọc xanh khổng lồ ngâm mình trong dải san hô đủ màu sắc. Những đợt sóng trắng xóa được ánh bình minh buổi sớm chiếu vào làm hòn đảo thêm huyền ảo. Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh bia chủ quyền phấp phới tung bay trong sắc vàng của ngày mới uy nghi khẳng định một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột mốc chủ quyền sừng sững trước biển khơi.

Trong các đảo ở quần đảo Trường Sa - Phan Vinh được xác định là điểm đảo khó tiếp cận nhất bởi đảo nằm ở vùng biển rất sâu, chỉ ra ngoài mép san hô là độ sâu lên tới vài trăm mét. Mặc dù trời yên, biển lặng thì nơi đây sóng lúc nào cũng cao từ 1 đến 2 mét.

Trong chuyến công tác của Vùng 4 Hải quân thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ công tác trên các điểm đảo tuyến giữa quần đảo Trường Sa, thì đảo Phan Vinh là hành trình cuối. Nhưng khi đến đảo Núi Le, thời tiết thuận lợi, đoàn công tác quyết định đi ngược hành trình đến đảo Phan Vinh trước. Sau một đêm, tàu đã đến đảo. Tuy gió cấp 5 nhưng càng tiến gần đảo, sóng biển lại trở nên dữ dội. Từng đợt sóng cuồn cuộn nhào tới như muốn nuốt chửng con tàu. Tàu chồm lên, ngụp xuống, lắc lư, chao đảo. Thuyền trưởng chỉ đạo tổ neo đo độ sâu nhưng nhiều vị trí dây neo không tới. Đến gần cửa luồng vào đảo ở độ sâu 150m dây neo được thả nhưng chưa đầy 5 phút thì một đợi sóng cao đã đẩy mạnh, xô con tàu làm dứt phăng dây neo. Thủy thủ đoàn ai nấy đều hoảng: “Đến Phan Vinh là thế, biển dữ dằn lắm”.

Con tàu chỉ còn một neo nên thuyền trưởng không chỉ đạo neo tiếp mà cho tàu thả trôi, đồng thời hạ xuồng đưa đoàn công tác vào bờ. Từ tàu vào cầu cảng chỉ dài hơn 100 mét nhưng chiếc xuồng máy tốc độ cao phải đợi đến 30 phút mới bắt được cơ hội tăng tốc cắt sóng, kéo xuồng chuyển tải đưa đoàn công tác vào bờ. Bước lên cầu cảng, ai nấy đều ướt sũng, cánh báo chí bị một phen hú vía. Vừa bước lên, Đoàn trưởng Thượng tá Ngô Duy Đỗ nói: chưa năm nào vào đảo dễ dàng thế, chắc anh Phan Vinh phù hộ đoàn công tác bởi như Tết năm Quý Tỵ 2013, tàu phải đợi 8 ngày và hơn chục lần hạ xuồng mới vào được đảo...

Cột mốc đảo Phan Vinh.

Từ xa nhìn vào, đảo Phan Vinh giống như một viên ngọc xanh khổng lồ ngâm mình trong dải san hô đủ màu sắc. Những đợt sóng trắng xóa được ánh bình minh buổi sớm chiếu vào làm hòn đảo thêm huyền ảo. Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh bia chủ quyền phấp phới tung bay trong sắc vàng của ngày mới uy nghi khẳng định một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo Phan Vinh nằm ở tọa độ 80 58’ Vĩ độ Bắc - 1130  41’ 30” kinh độ Đông, đảo có chiều dài trên 10km nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Với hướng đảo như vậy thì quanh năm sóng vỗ 4 mặt. Trước đây, đảo Phan Vinh có tên là hòn Đá Sập. Năm 1990, đảo được lấy tên người Anh hùng Nguyễn Phan Vinh gọi là đảo Phan Vinh.

Phan Vinh hôm nay như một thành phố thu nhỏ, vững chãi giữa muôn trùng sóng vỗ. Tết Giáp Ngọ này, đảo đưa vào sử dụng 3 công trình lớn là khu nhà văn hóa đa năng, khu nhà đón tiếp ngư dân và ngôi phật tự  uy nghi... Để xứng danh với người anh hùng mang tên đảo, trong những năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo luôn nêu cao tinh thần truyền thống của ông cha đi trước, khắc phục khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, rèn luyện bản lĩnh, ý chí, tư tưởng, vững vàng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ngay từ ngày đầu đặt chân lên đảo đều được giáo dục truyền thống yêu quý và gìn giữ giá trị thiêng liêng vùng chủ quyền mà ông cha đã dày công vun đắp, bảo vệ. Bên cạnh đó, do điều kiện trên đảo còn khó khăn, xa đất liền nên cán bộ, chiến sĩ luôn chủ động tăng gia cải thiện đời sống. Trung bình mỗi năm, đảo nuôi trên 50 con lợn, 300 con gà, 350 con vịt. Diện tích trồng rau xanh ngày càng tăng, đến nay toàn đảo có trên 300m2 diện tích đất trồng rau, đảm bảo trên 80% lượng rau bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Hệ thống cây xanh trên toàn đảo ngày càng phát triển.

Đời sống chính trị, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn được quan tâm. Các phong trào văn hóa, thể dục thể thao được các đoàn viên thanh niên tích cực triển khai thực hiện. Các môn thể thao như: bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn luôn thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt đồng đội, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chia sẻ tình cảm, tạo bầu không khí dân chủ, vui tươi, lành mạnh, qua đó đã tạo thành sức mạnh tổng hợp để mỗi cán bộ, chiến sĩ hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Phan Vinh được đánh giá là vùng biển rất giàu có về số lượng và trữ hải sản với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá mực, cá thu, cá chim... Với lợi thế đó, hàng năm, vùng biển nơi đây đã đón hàng nghìn lượt tàu thuyền khai thác thủy sản của bà con ngư dân khắp mọi miền Tổ quốc. Đến Phan Vinh, chúng tôi được ăn toàn món “cây nhà lá vườn” mà anh em bộ đội nói: “Cứ ra biển là có”. Nhiều loài cá lần đầu tiên chúng tôi nghe tên như cá bò sừng, bò bọc thép, cá hải quân... Những loại đặc sản này ở đất liền chỉ có những quán hạng sang mới được phục vụ.

Giờ phút thảnh thơi dưới tán bàng vuông trên đảo Phan Vinh.

Thú vị nhất là buổi tối được ngồi dưới tán lá xum xuê của hàng cây bàng vuông, ngửi mùi hương thoảng bay của loài hoa mang biểu tượng Trường Sa và thưởng thức món ốc nhảy béo ngậy, ốc tai tượng giòn tan, ốc đuôi công ngọt lịm, ốc trinh nữ...  Nghe anh quân y chơi bản nhạc “Gần lắm Trường Sa”, tiếng sóng vỗ rì rào cùng hòa với tiếng đàn  Guita thánh thót đã làm chúng tôi gần nhau hơn. 

Chia tay với hòn đảo mang tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh khi một mùa xuân mới đang về. Các chiến sĩ ra tận cầu cảng tiễn chúng tôi làm lòng người đi chùng xuống xao xuyến. Siết chặt tay chúng tôi, Thiếu tá Vũ Hồng Quảng tâm sự: “Tết đối với những người lính canh giữ Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió rất đơn giản. Hạnh phúc của chúng tôi là khi từng đảo nhỏ tiền tiêu yên bình”.

Nguyễn Tùng - Tất Đạt

 

  • Từ khóa