Chủ nhật, 12/05/2024, 06:54[GMT+7]

Lính Quân y trên tuyến đảo tiền tiêu

Thứ 5, 27/02/2014 | 08:12:18
1,824 lượt xem
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống, những người lính quân y công tác trên quần đảo Trường Sa vẫn không ngừng trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ tay nghề, xứng đáng là những người chiến sĩ mang hai màu áo, cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Cán bộ quân y hướng dẫn cho chiến sĩ sử dụng thuốc sau khi khám bệnh tại bệnh xá đảo Phan Vinh.

Người lính mang hai màu áo
Tại đảo Đá Lớn B, điểm đảo đầu tiên trong chuyến hành trình mang tết ra với quân dân huyện đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiếu úy, y sĩ Nguyễn Văn Tiến. Năm nay là năm thứ 3 anh công tác tại quần đảo Trường Sa. Thiếu úy Tiến tâm sự: “Là một y sĩ công tác trong quân đội, chúng tôi luôn ý thức được nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền của đất nước. Được phân công công tác tại Trường Sa đó là niềm may mắn đối với tôi và cả những người lính quân y trên tuyến đảo Trường Sa này. Tuy điều kiện làm việc, trang thiết bị trên đảo còn khó khăn thiếu thốn song tinh thần trách nhiệm hết lòng vì đồng chí, đồng đội đã giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Những người lính quân y trên tàu HQ.936 và trên mỗi đảo chúng tôi đến đều mang trong mình phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ. Chính sự khắc nghiệt và vất vả nơi đầu sóng ngọn gió đã làm nên phẩm chất của những lương y khoác trên mình hai màu áo, sống và làm việc bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn là khám, chữa bệnh và chăm lo sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trên đảo thì nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên khu vực quần đảo Trường Sa cũng được các chiến sĩ quân y coi trọng.

Theo Thượng úy Phạm Văn Duy, bác sĩ trên đảo Tốc Tan A, có nhiều trường hợp ngư dân trên ngư trường quần đảo Trường Sa gặp tai nạn rủi ro, ốm đau trong quá trình đánh bắt cá cần đến sự giúp đỡ của đội ngũ quân y trên đảo. Thông thường bà con ngư dân trực tiếp vào bệnh xá hoặc phòng khám trên đảo, nhưng cũng có nhiều trường hợp do điều kiện không đi lại được, các bác sĩ, y sĩ phải trực tiếp ra tàu của ngư dân để thăm khám bệnh. Trên tinh thần nhanh chóng, an toàn, trách nhiệm với người bệnh, trong những năm qua nhiều đảo trên quần đảo Trường Sa đã xử lý thành công nhiều ca bệnh phức tạp cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển, trở thành địa chỉ tin cậy tiếp sức cho ngư dân bám biển.

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Nhớ lại những lần cả kíp quân y trên đảo “toát mồ hôi” với những ca phẫu thuật khó, bác sĩ Lê Văn Huy, Đại úy, Trạm trưởng Trạm quân y đảo Phan Vinh vẫn còn xúc động. Cả trạm chỉ 4 người, trong đó có 1 bác sĩ đa khoa, 1 y sĩ gây mê hồi sức, 1 bác sĩ kỹ thuật thận nhân tạo và 1 y sĩ chuyên khoa mắt. Trong năm 2013, Trạm quân y đảo Phan Vinh đã đón 160 lượt ngư dân, công nhân xây dựng đến khám và điều trị, tổ chức hàng trăm lượt thăm khám định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ, nhiều trường hợp khó chẩn đoán và điều trị như gẫy xương khuỷu tay, viêm ruột thừa, viêm túi mật, chấn thương…

Cán bộ quân y đảo Phan Vinh khám cho bệnh nhân.

Nhớ lại lần đầu tiên thực hiện ca mổ viêm túi mật trên đảo, Đại úy Lê Văn Huy kể: “Đó là ca phẫu thuật phức tạp cho một chiến sĩ. Ngay từ khi tiếp nhận, qua việc tích cực theo dõi, chẩn đoán, bằng kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi đã phát hiện ra triệu chứng ban đầu. Sau khi họp kíp mổ, lập hồ sơ bệnh án, chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực với trang thiết bị y tế hiện đại được cấp trên đầu tư để phẫu thuật. Ca mổ thành công là nguồn cổ vũ, động viên củng cố và tăng cường niềm tin với cán bộ, chiến sĩ và ngư dân”.

Mấy năm trở lại đây, các phòng khám, bệnh xá quân y ở các đảo trên quần đảo Trường Sa được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng trang bị đầy đủ cơ số thuốc cùng nhiều thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, điện tim, nội soi… phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho quân và dân. Nhiều đảo như Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Phan Vinh, Sinh Tồn… đã được đầu tư xây dựng phòng khám, phòng mổ, phòng phục hồi chức năng với đội ngũ cán bộ quân y giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu. Để gắn kết tình quân dân, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển, giữ vững ổn định trên biển, mọi hoạt động khám chữa bệnh cho người dân đều miễn phí. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ quân y phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cơ động trên đảo sẵn sàng ứng cứu mọi tình huống xảy ra, giúp bà con ngư dân yên tâm làm ăn.

Bằng lương tâm và trách nhiệm với nghề nghiệp, cán bộ, chiến sĩ quân y trên tuyến đảo Trường Sa đã nỗ lực bám biển, bám đảo, coi đảo là nhà, biển cả là quê hương, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống, những người lính quân y công tác trên quần đảo Trường Sa vẫn không ngừng trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ tay nghề, xứng đáng là những người chiến sĩ mang hai màu áo, cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tất Đạt

  • Từ khóa