Thứ 7, 11/05/2024, 02:20[GMT+7]

Bên các anh là hậu phương vững chắc

Thứ 2, 24/03/2014 | 09:03:10
1,417 lượt xem
Chuyến công tác ra huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác Vùng D Hải quân và phóng viên các cơ quan báo chí kết thúc. Chia tay những người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi, xúc động. Các anh ở lại giữ biển đảo quê hương, tôi trở về mang theo bao kỷ niệm...

Mẹ và vợ Thiếu úy Bùi Trọng Luật.

Đến thăm các gia đình, trò chuyện với những người mẹ, người vợ lính đảo xa đã giúp tôi hiểu hơn về họ. Không chỉ là ý chí xông pha nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, các chiến sĩ Trường Sa luôn đặt trọn niềm tin nơi quê nhà. Những người mẹ, người vợ chính là hậu phương vững chắc, là điểm tựa giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tôi tìm về xóm 12 xã Nam Hà (Tiền Hải) mang theo những tấm hình của Thiếu úy Bùi Trọng Luật, cán bộ thông tin đảo Đá Lớn B. Có thể nói, đây là một gia đình hết sức đặc biệt khi cả hai bố con đều đang công tác tại quần đảo Trường Sa (bố Luật là Bùi Văn Lệ đang làm nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca). Hơn 30 năm nay,  bác Vũ Thị Sợi, mẹ của Luật đã quen với cảnh xa chồng. Một mình chăm con, gánh vác công việc gia đình nhưng chưa một lần bác than vãn với ai. Cũng bởi thế, ngay từ nhỏ Luật đã ý thức được công việc thầm lặng của bố để một ngày anh theo bố ra với Trường Sa thân yêu.

Bác Sợi nhớ lại: Từ khi quen nhau đến lúc nên vợ chồng hai người chỉ gặp nhau vài lần. Những lá thư chính là cầu nối bến bờ hạnh phúc. Bác sinh Luật được 2 tháng thì bác trai ra nhận công tác ở đảo Nam Yết, biền biệt 3 năm mới về. Về nhà con không nhận bố, cứ mỗi lần bố đến gần là Luật lại khóc vì sợ. Mãi sau này khi lớn hơn một chút, Luật mới hiểu công việc của bố. Đi đến đâu Luật cũng khoe với mọi người, bố mình công tác ở Trường Sa. Hơn 30 năm có lẻ qua đi, cậu bé “không nhận bố” ngày nào nay đã trở thành một sĩ quan chững chạc với biệt danh “Luật bạch tuộc” do đơn vị đặt cho. Bác Sợi tâm sự: “Là người phụ nữ ai cũng lo lắng và vun vén cho gia đình. Vắng người đàn ông trong nhà nhiều khi cũng khó khăn nhưng nếu mình biết chia sẻ và cảm thông cho nhau thì dù xa cách bao nhiêu cũng vẫn luôn hạnh phúc. Khi Luật viết đơn tình nguyện nhập ngũ rồi ra đảo, tôi không ngăn cản mà còn động viên con cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Cầm trên tay tấm hình của chồng mới gửi về từ Trường Sa, chị Nguyễn Thị Huyền, vợ Thiếu úy Bùi Trọng Luật mừng lắm. Chị Huyền kể: “Tối nào bố Luật cũng gọi điện thoại về trò chuyện với hai mẹ con. Chồng động viên vợ, vợ động viên chồng, cả hai đều thấy vui, thấy tự hào. Mình cũng muốn có dịp được ra đảo thăm anh, thăm Trường Sa”. Mối tình của cô sinh viên sư phạm và anh lính hải quân đã đơm hoa kết trái, cô con gái giờ đã hơn 2 tuổi đang bi bô gọi bố. Niềm vui nhân lên đối với hai người phụ nữ - một người mẹ, một người vợ, cùng có chồng là lính đảo.

Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Văn Thái (phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình), ngôi nhà nhỏ của Đại úy Nguyễn Văn Toán, nhân viên hóa học đảo Sinh Tồn Đông luôn đầy ắp tiếng cười. Hai cậu con trai kháu khỉnh, thông minh chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình anh. Vợ anh - chị Đặng Thị Vân Anh, hiện là giáo viên Trường THCS xã Vũ Lễ (Kiến Xương), vẫn thường kể cho các con nghe về Trường Sa – huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi bố các cháu đang công tác.

Chị Vân Anh tâm sự: “Mình vẫn luôn động viên anh ấy, dù công tác ở đâu đi chăng nữa cũng phải luôn cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt, ở nhà mọi công việc đã có vợ và bố mẹ lo toan. Tuy xa xôi nhưng bây giờ mọi thứ đều thuận lợi, vợ chồng mình vẫn liên lạc trò chuyện bằng điện thoại thường xuyên. Hai cậu con trai cứ mỗi lần được điểm 10 lại tíu tít khoe với bố. Càng lớn các cháu càng ngoan, biết giúp đỡ mẹ những việc nhỏ hàng ngày khi bố vắng nhà”.

Tôi có dịp đến Trạm Y tế xã Quang Bình (Kiến Xương), nơi chị Nguyễn Thị Duyên, vợ Đại úy Phạm Văn Duy, bác sĩ đảo Tốc Tan A đang công tác. Cùng nghề nên chị thấu hiểu công việc của chồng. Dù vất vả nhưng chị Duyên luôn làm tốt vai trò của một người vợ, người mẹ trong gia đình để chồng yên tâm công tác. Chị Duyên cho biết: “Do yêu cầu nhiệm vụ nên 1 - 2 năm anh Duy mới nghỉ phép về thăm nhà một lần. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân, thương các con từ bé đã phải xa bố nhưng đã là nhiệm vụ thì phải thực hiện. Anh ấy đi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương thì đó cũng là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Mình thiệt thòi một chút cũng không sao vì vẫn có thể khắc phục được”. Ở xã Quang Bình, chị Duyên là người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, được bà con lối xóm yêu quý.

Còn rất nhiều gia đình những người lính đảo mà tôi đã đến. Ở họ luôn có một điểm chung, đó là sự cảm thông, chia sẻ gian lao, khó khăn với chồng, con. Những người phụ nữ ấy đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để làm nên một hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh giúp người lính đảo chắc tay súng, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tất Đạt

  • Từ khóa