Thứ 7, 18/05/2024, 20:21[GMT+7]

Tăng cường biện pháp quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng

Thứ 3, 13/05/2014 | 08:02:36
2,127 lượt xem
Sự kiện người dân thôn Duyên Tịnh (xã Thụy Dũng, Thái Thụy) vây nhà ông Hoàng Văn Khâm đòi “xử” con trai ông là Hoàng Trung Thông - người mắc bệnh tâm thần gây ra vụ án thương tâm cướp đi sinh mạng của một cháu gái 10 tuổi và làm nguy kịch một người khác ngay tại ngõ nhà mình đã gióng lên hồi chuông về công tác quản lý người bệnh tâm thần tại cộng đồng.

Hoàng Trung Thông bị xích chân nhốt tại nhà.

Cùng anh Hoàng Văn Chương, Trưởng Công an xã Thụy Dũng, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Khâm. Căn nhà cũ kỹ nằm sâu trong con ngõ nhỏ, bên ngoài cổng vẫn còn một chỗ vỡ lớn trên tường - dấu tích của một số người quá khích đập phá đòi “xử” Thông.

Ông Khâm với dáng vẻ già nua, khắc khổ lập cập mở khóa cửa căn phòng đang nhốt Thông cho chúng tôi “tham quan”. Khi chiếc cửa sắt nặng nề mở ra, một mùi khai, hôi bốc lên. Cùng với đó là cảnh tượng rất thảm thương đập vào mặt chúng tôi: dưới gầm cầu thang chật chội, một thanh niên với vóc dáng vạm vỡ đang trùm trong cái chăn mỏng nằm bất động, hai chân bị xích chặt vào tường, xung quanh lỉnh kỉnh: chai nước, giấy vệ sinh, bô, xô chậu… Ông Khâm gọi mãi “Con ơi, dậy đi” thì người thanh niên ấy mới từ từ ngồi dậy, đưa ánh mắt hoang dại nhìn chúng tôi, mồm liên tục nói “Giết chết, đâm chết” làm tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đi cùng thấy ớn lạnh.

Ông Khâm cho biết, Thông là con út trong gia đình có 4 người con (2 trái, 2 gái). Từ lúc sinh ra, Thông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, khỏe mạnh, học khá. Tốt nghiệp THPT, Thông đi học trung cấp Cơ điện Việt - Ðức, sau đó về thực tập tại Viễn thông Thái Bình. Dù kết quả thực tập được đánh giá tốt nhưng Thông lại không kiếm được việc làm ở đâu. Trong thời gian chờ việc vào năm 2000, Thông có những biểu hiện như không chịu vệ sinh, lầm lì, hay nổi giận, hay đánh người, đánh cả bố mẹ. Gia đình đã đưa Thông lên Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị, sau đó trở về nhà điều trị nội trú. Tuy nhiên, năm 2001 bệnh của Thông lại tái phát nên tiếp tục phải đi điều trị.

Càng ngày, bệnh tình càng nặng thêm, Thông rất ghét tiếng động và tìm mọi cách ngăn cản mọi người không đi vào khu vực trước cổng nhà mình. Năm 2008, ông bà Khâm đã phải cải tạo khu gầm cầu thang thành nơi nhốt Thông để tránh việc Thông đi phá phách, đánh người. Năm 2010, Thông được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương. Tháng 12 năm 2010, sự việc đau lòng, thảm thương đã xảy ra, gây chấn động dư luận.

Chiều tối ngày 19/12/2010, sau khi ăn tối xong, Thông thủ một con dao nhọn ở trong người và ngồi tại ngõ nhà mình. Lúc này, anh Nguyễn Văn Xúy, người cùng xóm đi ăn giỗ về, chở con gái là cháu Nguyễn Thị Huyền ngồi sau. Thấy vậy, Thông đã đuổi theo và đâm vào lưng cháu Huyền. Anh Xúy biết Thông chạy theo nhưng chỉ nghĩ là Thông ném gạch nên vẫn tiếp tục chở cháu Huyền đi. Ðược khoảng vài chục mét anh bỗng thấy cháu Huyền rơi xuống đường nên giật mình dừng xe lại thì thấy lưng con mình đầy máu. Hoảng loạn, anh Xúy hô hoán mọi người đưa cháu đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng cháu Huyền đã tử vong. Ðau xót hơn, cháu Huyền là người con độc nhất của vợ chồng anh Xúy. Hai vợ chồng anh ở với nhau mãi 10 năm mới có được một mụn con vậy mà cháu đã phải rời xa cõi đời một cách oan nghiệt.

Về phần Thông, sau khi gây án xong đã bị giam trong trại tạm giam, cơ quan công an đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Kết luận của Hội đồng Giám định pháp y tâm thần tỉnh cho thấy Thông bị tâm thần phân liệt nên không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã gây ra, phải đi điều trị bắt buộc 1 năm sau đó tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Anh Hoàng Văn Chương, Trưởng Công an xã Thụy Dũng cho biết: “Từ năm 2011 đến năm 2013 đã xảy ra vài ba vụ việc liên quan đến Thông như ngày 15/5/2013 Thông ra trường THCS của xã đuổi đánh cháu Vũ Trọng Chương là học sinh lớp 7 nhưng cháu Chương chạy thoát được. Thông chạy tiếp ra đường, dùng gạch ném một người dân khiến người này phải khâu 6 mũi. Vài ngày sau, Thông lại đập tan chiếc xe đạp, đánh trọng thương hai mẹ con bà Nguyễn Thị Minh và Nguyễn Thị Phượng.

Sau vụ này, chính quyền thôn và Công an xã đã nhắc nhở ông Khâm phải nhốt Thông lại nhưng có lẽ do thương con nên gia đình ông Khâm không làm theo. Thông càng ngày càng hung hãn, tiếp tục gây tội ác. Chiều ngày 17/3/2014, khi nghe thấy tiếng anh Hoàng Văn Hoan, là anh con bác ruột, đang băm chả cá, Thông đã lên cơn cầm gốc tre to lẻn ra phía sau đập một nhát vào đầu khiến anh Hoan bị lún sọ não nặng phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Ðức (Hà Nội).

Sau khi đánh anh Hoan xong, như lần giết người trước, Thông lại chạy lên tầng hai cố thủ. Nghe được tin, người dân trong xã kéo đến nhà ông Khâm thi nhau chửi bới Thông và vợ chồng ông Khâm, cầm gạch đá ném rào rào lên khu vực tầng hai nơi Thông cố thủ. Nhiều người còn đòi đánh chết Thông để trừ hậu họa nhưng ông bà Khâm khóc lóc van xin nên họ thôi.

Theo thống kê của cơ quan công an, từ đầu năm 2013 đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 20 trường hợp người tâm thần gây án, cướp đi tính mạng của nhiều người vô tội, nhiều vụ con giết mẹ, anh giết em rất thương tâm... Theo bác sĩ Bùi Thị Hè, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh, hiện toàn tỉnh có 7.188 bệnh nhân tâm thần đang điều trị ngoại trú (đang sống ở cộng đồng) trong đó có 4.368 người bị tâm thần phân liệt. Ðây mới chỉ là con số trong danh sách quản lý, nếu tính cả những người bị tâm thần nhưng còn giấu, chưa khai báo thì số lượng còn lớn hơn nhiều. Với những trường hợp này, thuốc được chuyển về cho trạm y tế cơ sở quản lý, cấp cho người bệnh.

Nếu không quản lý, điều trị tốt, đây là mối nguy hiểm rất lớn cho an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Từ thực tế trên, các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương có người bệnh tâm thần cần tích cực phối hợp với gia đình người bệnh có phương án quản lý, điều trị, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người bệnh tâm thần gây ra những sự việc đau lòng như đã nói ở trên.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa