Thứ 3, 23/07/2024, 14:28[GMT+7]

Ngành Giao thông vận tải Chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão

Thứ 5, 19/06/2014 | 08:25:56
2,702 lượt xem
Cùng với việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường bộ, các lực lượng chức năng cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát nhằm bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt là tại các bến khách ngang sông. Qua đó góp phần nâng cao ý thức của các chủ đò trong việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão. Trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra

Thanh Tra Sở GTVT kiểm tra bến khách ngang sông tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ).

Thái Bình là tỉnh có mạng lưới giao thông đường thủy tương đối phức tạp với nhiều hệ thống sông ngòi dày đặc, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng chục bến khách ngang sông đang hoạt động, bình quân mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông qua đây. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn trên 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải biển, trong đó có 160 doanh nghiệp hiện đang hoạt động. Tổng số tàu hiện có là 203 tàu với tổng trọng tải hơn 802.000 tấn. Giao thông trên tuyến đường thủy luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ, đáng tiếc, đặc biệt là vào mùa mưa bão bởi lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng lên rất cao, nhiều luồng lạch nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.

Ðể bảo đảm ATGT cho các phương tiện vận tải thủy trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm 2014, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra kỹ thuật an toàn cho từng phương tiện; các chủ phương tiện cần sớm kiện toàn hệ thống thông tin tín hiệu. Theo dõi chặt chẽ hành trình hoạt động của các phương tiện, thường xuyên theo dõi thông tin về mưa bão để thông tin kịp thời cho các phương tiện biết tìm nơi trú ẩn. Mỗi đơn vị vận tải thủy cần phải khảo sát, tìm nơi trú ẩn cho các phương tiện, hàng hóa. Khi có lũ báo động số 2 trở lên, các phương tiện phải tạm ngừng hoạt động. Riêng bến phà Tịnh Xuyên phải xem xét cụ thể độ an toàn, cần thiết mới cho chạy phà.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn công trình. Nhanh chóng phát hiện những hư hỏng mất an toàn cho đường, cầu, cống, đôn đốc nhắc nhở Công ty TNHH MTV Quản lý đường bộ Thái Bình sửa chữa kịp thời. Thường xuyên phối hợp liên ngành với các lực lượng chức năng khác thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện thủy không neo đậu tàu thuyền vào kết cấu cầu. Xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả các phương tiện thủy, các bến khách ngang sông nhằm bảo đảm cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây, nhất là trước và trong mùa mưa bão. Tất cả các phương tiện khi vận chuyển hành khách và hàng hóa phải đủ điều kiện an toàn kỹ thuật như giấy đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn giá trị lưu hành, thiết bị an toàn và phao cứu sinh đầy đủ. Người điều khiển phương tiện cần có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho phương tiện tàu, bè và các bến đò ngang trong mùa mưa lũ, lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Bên cạnh việc tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát giao thông đường thủy còn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến bãi, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy; chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống lũ bão. Tập trung xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Ngoài các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy, ngành GTVT đã xây dựng kế hoạch chủ động trong việc phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra. Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch huy động các phương tiện vận tải, thiết bị vật tư phục vụ cho công tác ứng cứu khắc phục hậu quả lụt bão xảy ra khi có yêu cầu điều động của UBND tỉnh và của Bộ GTVT.

Ngoài ra, Sở GTVT còn chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với phòng công thương các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra các tuyến đường lên đê, phát hiện và sửa chữa kịp thời những hư hỏng đường, cầu, cống phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão. Phòng Công thương tham mưu cho UBND các huyện, thành phố có phương án tổ chức các lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thường trực phòng chống lụt bão khi có bão đổ bộ vào tỉnh ta. Các đơn vị thuộc ngành GTVT phải xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa cây cối, chướng ngại vật trên đường giao thông do lũ bão gây ra trong thời gian ngắn nhất nhằm bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Phạm Hưng

  • Từ khóa