Thứ 2, 29/07/2024, 05:18[GMT+7]

Ngăn chặn vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên

Thứ 6, 01/08/2014 | 21:18:11
1,417 lượt xem
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính từ năm 2010 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra gần 3.000 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật. Trong đó 2.500 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông; số còn lại là đánh nhau gây thương tích, trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản…

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử nhóm thanh niên phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

 

Tháng 4/2013, thầy và trò Trường Trung học cơ sở Trần Lãm (thành phố Thái Bình) vô cùng bàng hoàng trước sự ra đi của em H. Từ nguyên nhân rất nhỏ do H không chịu nhặt hộ cặp của một bạn cùng lớp ngồi bàn trên, sau đó hai bên xô xát, H bị P dùng tay đấm mạnh vào mặt, làm em ngã đập đầu xuống nền gạch dẫn đến tử vong. Cùng thời điểm đó, em Ð học sinh lớp 10, trú tại xã Văn Lang (Hưng Hà), bị một số thanh niên ở xã Minh Khai dùng gạch ném vỡ đầu dẫn đến tử vong, khi điều tra thì hai bên không có thù hằn gì.

 

Ðây là 2 trong số rất nhiều vụ án đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Theo  Ðại tá Trần Minh Quang, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm Công an tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật gia tăng. Trước hết là do mặt trái của quá trình hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội, mặt trái của công nghệ thông tin đã tác động xấu đến đạo đức, lối sống, hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ngoài ra, vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự gắn kết trong công tác phối hợp giáo dục, phòng ngừa chung.

 

Nhận thức rõ những tác hại xấu của tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, những năm qua, đoàn thanh niên các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật với nhiều hình thức gắn với đặc điểm tâm, sinh lý, sở thích, nhu cầu của tuổi trẻ để tiếp cận và tổ chức hoạt động tuyên truyền phù hợp. Hàng năm, Tỉnh đoàn chủ động xây dựng chương trình kế hoạch, các văn bản hướng dẫn đoàn cơ sở thực hiện công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Phối hợp với ngành Công an triển khai Ðề án "Phòng chống ma túy trong thanh, thiếu niên" tới các cơ sở đoàn trong tỉnh. Thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 190 câu lạc bộ (CLB) phòng chống ma túy, CLB phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB tuổi trẻ với pháp luật; 230 đội tuyên truyền thanh niên cơ sở, đội thanh niên xung kích an ninh và đội kỹ năng sống. Qua các hoạt động này lồng ghép tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cộng đồng, phát tờ rơi, tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn hóa, tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo... Phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra việc tàng trữ chất cháy nổ, ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông, không vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vào các dịp đầu năm học và tết Nguyên đán.

 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (người đã nhiều năm làm công tác tư vấn pháp luật cho những bị hại, bị cáo là học sinh, sinh viên): Công tác phòng chống vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng là lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp. Bởi đối tượng và nạn nhân chủ yếu là lứa tuổi mới lớn, đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách, luôn tò mò, ham thích cái mới lạ, thích khẳng định mình nhưng lại thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm sống. Trong khi đó tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, các loại tội phạm mới xuất hiện nhiều. Ðồng chí Thủy cho biết, phần lớn những đối tượng đến tư vấn pháp luật trong thời gian qua đều có hoàn cảnh đặc biệt, như thiếu sự quan tâm của gia đình, mới lớn không làm chủ được bản thân, cá biệt có những em gái bị lợi dụng về tình dục ngay từ khi tuổi còn rất nhỏ trong nhiều năm liền mà gia đình và chính quyền địa phương không biết.

 

Từ thực trạng trên cho thấy, môi trường xã hội đang tiềm ẩn nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên thì các cấp ủy, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa đến công tác an ninh học đường. Các trường học cần xây dựng các mô hình đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong chương trình học tập chính khóa và có biện pháp phối hợp quản lý chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, địa phương. Các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nghiêm đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm gây ảnh hưởng xấu đến lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên...

Nguyễn Tùng

 

 

  • Từ khóa