Thứ 3, 13/05/2025, 08:11[GMT+7]

Vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy đi cai tập trung

Thứ 6, 15/08/2014 | 08:46:15
1,457 lượt xem
Mặc dù các xã, phường, thị trấn đã quan tâm theo dõi, quản lý, giáo dục, tư vấn cho những người sau cai trở về địa phương và những người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, nhưng tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn rất cao. Từ thực tế trên, các ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, đồng nhất để sớm triển khai công tác đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Học viên tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thành phố Thái Bình.

Bà Nguyễn Thị Quý, 75 tuổi, trú tại thôn Văn Long (xã Vũ Tiến, Vũ Thư) liên tục đến UBND xã đề nghị cho con trai là Nguyễn Đình Dưỡng đi cai nghiện ma túy tập trung nhưng chưa được giải quyết. Nguyện vọng của bà Quý cũng là nguyện vọng của nhiều gia đình có con em mắc nghiện. Tuy nhiên có một thực tế việc đưa người mắc nghiện vào cơ sở cai tập trung hiện đang phát sinh những khó khăn về mặt thủ tục, chưa có hướng dẫn cụ thể khiến cho các cơ quan có thẩm quyền lúng túng trong việc giải quyết.

Trước kia, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện và tương đương. Tuy nhiên, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 20/1/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc được chuyển sang cho tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương.

Để đưa một người nghiện ma túy đi cai tập trung cần tiến hành các bước: Công an cấp xã và tương đương tiến hành thu thập tài liệu và lập hồ sơ người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định chuyển cho trưởng phòng tư pháp cấp huyện và tương đương đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và gửi cho trưởng phòng lao động - thương binh và xã hội cùng cấp. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, trưởng phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện và tương đương ra quyết định chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đại úy Nguyễn Văn Mạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an thành phố Thái Bình cho biết: Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính trước khi áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì người nghiện phải được giáo dục tại địa phương, phải có cơ sở xã hội để lưu giữ trong thời gian lập hồ sơ, chờ quyết định của tòa án nhân dân. Đối với người lang thang không nơi cư trú ổn định mắc nghiện ma túy về nguyên tắc phải thẩm tra, xác minh để xác định nơi cư trú ổn định của họ có hay không rồi mới đưa vào cơ sở cai nghiện. Trong khi chờ thẩm tra, xác minh phải giao cho cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, công tác quản lý, lưu giữ đối tượng là rất khó bởi các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ làm công tác chuyên môn như y tế để xử lý cắt cơn...

Theo đồng chí Phạm Văn Viết, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vũ Thư, thẩm quyền của phòng tư pháp là kiểm tra cơ sở pháp lý của hồ sơ người đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên đây là vấn đề rất mới, do đó vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp mới triển khai được.

Đồng chí Phạm Văn Thịnh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Việc chuyển quyết định đưa người đi cai nghiện bắt buộc sang cho tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương chính là sự bảo đảm của công lý và công bằng trong việc xử lý các vi phạm hành chính đối với hành vi có lỗi do cá nhân, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề ra một trong những nguyên tắc khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính là phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Một điểm mới khác rất quan trọng là trong quá trình tòa án nhân dân cấp huyện hoặc tương đương xem xét ra quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc là bản thân họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại quyết định của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thực tế đây là vấn đề rất mới nên Tòa án nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tòa án nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu các văn bản, bảo đảm vận dụng sắc bén để ra quyết định hành chính đúng luật. Tuy nhiên thời gian vừa qua do chưa có những hướng dẫn cụ thể nên ngành Tòa án chưa tiếp nhận hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc.

Cũng vì lý do các cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó từ đầu năm đến nay Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thành phố Thái Bình chưa nhận hồ sơ đối tượng cai nghiện mới nào vào. Trong khi đó Trung tâm đã làm thủ tục trả về địa phương trên 300 học viên do đã hoàn thành thời gian giáo dục, chữa bệnh, lao động. Tính đến thời điểm hiện tại, tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thành phố Thái Bình chỉ còn trên 50 học viên và số này sẽ được bàn giao về địa phương trong thời gian tới. Anh Trần Văn Hùng, cán bộ quản lý phân đội một tại Trung tâm cho biết, trước đây thường thì số học viên ở Trung tâm dao động từ 350 đến 400 người.

Theo đánh giá của ngành Công an, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh đang có nhiều dấu hiệu phức tạp. Nguyên nhân là do số người sau cai về cộng đồng đang tăng, số người nghiện ma túy tại cộng đồng cũng tăng do không đưa được vào cơ sở cai nghiện tập trung. Đây là vấn đề cấp thiết đang dồn áp lực lên công tác giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Theo thống kê, khoảng 70% số vụ án xâm phạm tài sản trên địa bàn tỉnh là do người nghiện ma túy gây ra. Trước kia, mỗi năm toàn tỉnh đưa hàng nghìn người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện tập trung.

Trong khi đó, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các xã, phường, thị trấn đã quan tâm theo dõi, quản lý, giáo dục, tư vấn cho những người sau cai trở về địa phương và những người cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, nhưng tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn rất cao. Từ thực tế trên, các ngành chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, đồng nhất để sớm triển khai công tác đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày