Chủ nhật, 04/08/2024, 09:13[GMT+7]

Kỷ niệm ngày truyền thống Công an nhân dân, ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc 19/8 Lực lượng Công an Thái Bình xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân

Thứ 3, 19/08/2014 | 08:43:28
2,944 lượt xem
Phát huy truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các lực lượng Công an Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, cuộc vận động: "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ", xây dựng hình ảnh đẹp người cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân để luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, là c

Ảnh: Ngọc Linh

Tháng 8/1945, cùng với lực lượng Công an nhân dân cả nước, Công an Thái Bình được thành lập với tên gọi Ty Liêm phóng; đầu năm 1946 đổi tên thành Ty Công an. Ngay sau khi thành lập, Công an Thái Bình đã trấn áp mạnh những tên đầu sỏ cầm đầu các tổ chức mật vụ, đảng phái phản động ở Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thái Ninh, Thư Trì; phá tan tổ chức phản động Việt Nam quốc dân đảng ở Thái Bình, bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (tháng 1/1946) và 2 lần Bác Hồ về thăm Thái Bình đầu năm 1946.

Từ tháng 12/1946 đến tháng 2/1950, Công an Thái Bình vừa tập trung củng cố, xây dựng tổ chức vừa chuẩn bị sẵn sàng cùng quân và dân trong tỉnh chống thực dân Pháp xâm lược. Khám phá 3 vụ gián điệp, 7 vụ nhen nhóm phản cách mạng, bắt 58 tên cầm đầu nguy hiểm, bóc gỡ các tổ chức phản động, làm trong sạch địa bàn ở 12 phủ, huyện, triệt tiêu chỗ dựa của quân Pháp trước khi chúng đặt chân lên đất Thái Bình.

Ngày 8/2/1950, Pháp đánh chiếm Thái Bình, đóng gần 200 đồn bốt, lập hệ thống ngụy quyền từ tỉnh đến xã. Lực lượng Công an Thái Bình đã chuyển hướng tổ chức và nhiệm vụ, luồn sâu vào vùng địch xây dựng cơ sở, tổ chức mạng lưới điệp báo, phản gián; phối hợp với bộ đội địa phương, du kích đánh trả quyết liệt các cuộc tấn công của địch. Đồng thời đẩy mạnh tấn công, trấn áp bọn phản cách mạng, gián điệp, phá âm mưu chia rẽ lương - giáo, tham gia diệt ác, phá tề. Tháng 4/1950, Đội Thái Hùng ra đời làm nòng cốt cho phong trào phá tề, trừ gian. Ty Công an có 3 đội, mỗi huyện, thị xã có một đội. Sau hơn một năm kể từ ngày thành lập, Đội Thái Hùng đã phá 183 ban tề, bắt cảnh cáo 415 tên, bắt đi cải tạo 174 tên, trừ khử hàng trăm tên nguy hiểm có nhiều nợ máu với nhân dân.

Để bảo đảm an ninh trật tự vùng giải phóng, Công an Thái Bình đã truy quét, bắt 457 tên việt gian đầu sỏ, bóc gỡ 13 cơ sở gián điệp chỉ điểm, xử lý 10 tên có nhiều tội ác; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại các hoạt động tình báo, gián điệp; tuyển chọn người để cài cắm, bố trí vào một số trung tâm chỉ huy của địch, góp phần cùng quân và dân trong tỉnh chống càn, trong đó có nhiều trận càn lớn như trận càn Trái Quýt, Trâu Lồng, Con Cóc...

Ngày 30/6/1954, thị xã Thái Bình, lực lượng Công an nhanh chóng tiếp quản Thị xã và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. Ngày 2/7/1954, Ty Công an chuyển về Thị xã, tuyển dụng thêm nhân viên; thành lập Đồn Công an Thị xã, Trạm Công an Tân Đệ... Sau khi ổn định tổ chức, hoạt động của lực lượng Công an đi vào nền nếp, chất lượng hơn.

Bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Công an Thái Bình đã làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện và lập hồ sơ, kết hợp phát động quần chúng đấu tranh giáo dục, cải tạo hàng nghìn đối tượng tề ngụy, gián điệp, đảng phái phản động. Liên tiếp mở các đợt "khoanh vùng trấn phản" triệt phá 7 tổ chức chính trị phản động, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Công an Thái Bình đã nắm chắc tình hình, đấu tranh chống các hoạt động gián điệp, chiến tranh tâm lý, phản động; thu hủy hàng trăm ki-lô-gam truyền đơn, bạc giả, xét duyệt hàng vạn lý lịch quân sự, bảo vệ các đợt giao quân; điều tra, xử lý nghiêm tội phạm kinh tế, hình sự; bảo đảm an toàn giao thông, vận tải, các chiến dịch hành quân, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thuốc men, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam và bảo vệ an toàn cho nhân dân đi sơ tán đồng thời tích cực chi viện cho an ninh miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong 15 năm (1961 - 1975) có trên 300 cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình tình nguyện vào Nam chiến đấu và đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu là đồng chí Phan Văn Viêm, Trưởng Công an huyện Thụy Anh đã tình nguyện vào Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Đồng chí đã anh dũng hy sinh, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Gặp mặt truyền thống cán bộ Công an tỉnh Thái Bình chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: Nguyễn Tùng

Sau ngày 30/4/1975, đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, Công an Thái Bình tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chi viện 264 cán bộ, chiến sĩ cho Công an các tỉnh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Tuy nhiên, vào những năm 1997 - 1999, do những sai lầm, khuyết điểm trong công tác quản lý kinh tế ở cơ sở, đã xảy ra khiếu kiện phức tạp, gây mất ổn định, nhiều nơi trở thành "điểm nóng". Lực lượng Công an đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền những chủ trương, giải pháp và cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống các xã tham gia giải quyết ổn định tình hình và khôi phục phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngay từ cơ sở, đóng góp quan trọng vào chính sách dân vận của Đảng cũng như việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong thời kỳ mới.

Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Công an Thái Bình đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, sự phối hợp hiệp đồng của các lực lượng vũ trang thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... Với phương châm "Tích cực phòng ngừa, chủ động tiến công", lực lượng Công an đã liên tục mở các đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm; điều tra, xử lý hàng nghìn vụ án kinh tế, thu hồi tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng. Tỷ lệ điều tra, khám phá án hình sự, ma túy đạt từ 70 - 75%, trọng án đạt 100%. Tập trung đánh mạnh, đánh trúng nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động lưu động, có vũ khí gây án nghiêm trọng. Giải quyết cơ bản các địa bàn trọng điểm, tụ điểm phức tạp; kiềm chế và làm giảm tội phạm, không để hình thành các ổ nhóm hoạt động công khai, lộng hành.

Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Công an Thái Bình vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; năm 2006 được Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”; liên tục từ năm 1999 đến năm 2013 được Bộ Công an tặng Cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc"; 5 tập thể, 2 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2.043 tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại; 215 lượt tập thể được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc.

Phát huy truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các lực lượng Công an Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, cuộc vận động: "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ", xây dựng hình ảnh đẹp người cán bộ, chiến sĩ Công an Thái Bình trong lòng nhân dân để luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, là con em yêu quý của nhân dân.

Thiếu tướng Lê Đình Nhường
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh)

  • Từ khóa