Thứ 7, 23/11/2024, 18:54[GMT+7]

Quân khu 3 Lịch sử và những chiến công

Thứ 6, 29/10/2010 | 09:01:33
3,645 lượt xem
Theo quyết định của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ngày 31 tháng 10 năm 1945, các chiến khu được thành lập; trong đó có chiến khu 2, chiến khu 3 gồm hầu hết các tỉnh, thành trực thuộc Quân khu 3.

Lễ giao nhận quân huyện Vũ Thư năm 2010. Ảnh Ngọc Trâm

Ngày 31/10/1945 được xác định là ngày thành lập Quân khu 3. Hiện nay, Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hoà Bình. Là địa bàn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 4; Quân khu 3 có trên 13 triệu dân với 30 dân tộc anh em, có bờ biển dài 425 km, trên 3.000 đảo lớn nhỏ và nối liền với hải phận quốc tế, có đường biên giới dài 132,8 km tiếp giáp với Trung Quốc. Là địa bàn có nhiều công trình văn hoá, du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Cố đô Hoa Lư, Côn Sơn, Kiếp Bạc,  nhất là vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới.

Từ vị trí chiến lược rất quan trọng của Quân khu 3, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Quân khu 3, Quân khu đồng bằng, án ngữ Thủ đô, dựa vào Tây Bắc và Việt Bắc, nối liền đất Thanh, Nghệ, miền Trung, lại nhìn ra biển cả, giầu tài nguyên và quan trọng về chiến lược. Thời bình đây là một trong những vùng đất căn bản để xây dựng và phát triển, là cửa ngõ giao lưu của đất nước. Thời chiến đây là hậu phương quốc gia, đồng thời là mặt trận chống xâm lược; nhiều tên làng, tên đất, tên sông đã trở thành tên gọi của những chiến công hiển hách” (tạp chí lịch sử quân sự tháng 6/1992)

Gần 2/3 thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu cùng với sự ra đời, trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của QĐND Việt Nam, quân và dân Quân khu 3 đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, làm nên những chiến công hiển hách, vang dội. 65 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành quân và dân Quân khu 3 đã làm nên truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh và chiến thắng”.

Cách mạng tháng 8 thành công, nước Việt Namon> dân chủ cộng hoà ra đời (2/9/1945). Để bảo vệ chính quyền cách mạng, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng chế độ xã hội mới, vấn đề củng cố phát triển LLVT tập trung (bộ đội chủ lực) được đặc biệt coi trọng. Cùng với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích và lực lượng tự vệ, đến cuối năm 1945 trên địa bàn Quân khu từ các lực lượng chi đội vệ quốc đoàn đã phát triển thành 7 trung đoàn (41, 44, 50, 35, 37, 39, 33). Bộ đội địa phương ở các tỉnh có 1 đại đội, huyện 1 trung đội; ở các xã có dân quân du kích, khu phố (phường) có tự vệ. Cấp huyện, thị xã có lực lượng tự vệ tập trung từ trung đội đến đại đội.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân khu 3 là một trong những chiến trường nóng bỏng, là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Với tinh thần tự lực, tự cường, chiến đấu anh dũng, quân và dân Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh địch với nhiều chiến dịch lớn (đánh hơn 78.600 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 ngàn tên địch, phá hủy và thu hơn 42.000 súng các loại, hàng trăm ngàn phương tiện chiến tranh). Địa bàn Quân khu 3 cũng là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh du kích điển hình của cả nước; mỗi làng, xã thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sỹ chiến đấu kiên cường ngay trong lòng địch, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Nhiều tên làng, tên đất gắn liền với những chiến công oanh liệt, điển hình như: Nguyên Xá (Thái Bình), Yên Bắc (Hà Nam), Liên Minh (Nam Định), Hùng Thắng (Hải Phòng), Lai Vu (Hải Dương), Phú Lâm (Hoà Bình), Tam Nông (Hưng Yên)... cùng với “Sấm đường 5”, “Cát Bi rực lửa”, “Đường 10 quật khởi”, đã mãi mãi đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, là niềm tự hào của quân-dân Quân khu 3 và cả nước. Không những chiến đấu giỏi, quân và dân Quân khu 3 còn tích cực đóng góp sức người, sức của, góp phần to lớn cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn Quân khu 3 vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến đồng thời là trọng điểm diễn ra các trận đánh phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. LLVT Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, anh dũng chiến đấu đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc; bắn cháy, bắn chìm 75 tàu chiến Mỹ.

Với tinh thần và ý chí quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” 1,7 triệu thanh niên, nhiều sư đoàn, hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn, hàng chục vạn thanh niên xung phong, hàng ngàn cán bộ các ngành đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Cam pu chia; đồng thời đón và nuôi dưỡng hàng chục ngàn bộ đội, thương bệnh binh, gia đình cán bộ, con em miền Nam tập kết, đào tạo trở thành cán bộ, chiến sỹ phục vụ sự nghiệp cách mạng, góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (đón 45 chuyến tàu với tổng số 80 ngàn người gồm 43.346 bộ đội, 1.775 thương, bệnh binh; 5.992 học sinh, 1.433 gia đình cán bộ; nuôi dưỡng hàng chục ngàn bộ đội, 30 vạn thương, bệnh binh...).

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT Quân khu 3 đã đào luyện nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ dày dạn kinh nghiệm, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Trong những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc,  những người con của Quân khu 3 luôn có mặt, trở thành niềm tự hào của dân tộc, điển hình như  Đại tá Tạ Quốc Luật bắt tướng Đờ-cát ở Điện Biên Phủ; Đại tá Bùi Quang Thận cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975; Anh hùng LLVT Phạm Tuân người phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52 của giặc Mỹ, cũng là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ...). Những cá nhân tiêu biểu đó đã góp phần cùng quân dân Quân khu 3 và quân dân cả nước làm nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, toàn Quân khu đã có 217.161 liệt sỹ, 97.618 thương binh.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, quân và dân Quân khu 3 cùng cả nước ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.;Quân khu đã trở thành cái nôi của “Làm giàu đánh thắng” trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược. Quyết tâm xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại” để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

Gần 2/3 thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành với những trang sử vẻ vang hào hùng và oanh liệt trên các mặt trận chiến đấu và lao động sản xuất, quân và dân Quân khu 3 đã được Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đánh giá, ghi nhận với những phần thưởng cao quý như:

- 01 Huân chương Sao Vàng, 03 Huân chương Hồ Chí Minh, 05 Huân chương độc lập hạng Nhất, hạng Nhì.

- 635 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (trong đó có 8 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới).

- 232 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 7.109 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu mẹ Việt Namon> anh hùng.

- Nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng tặng lẵng hoa và gửi thư khen ngợi; hàng ngàn lượt tập thể đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại...

Không ngừng phát huy truyền thống, quân và dân Quân khu 3 đoàn kết một lòng tập trung đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua quyết thắng và phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ, lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân khu 3 (1945-2010), 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Quyết tâm xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh toàn diện, theo hướng “Chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”. Góp phần cùng cả nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trần Hữu Nội

(Bộ chỉ huy quân sự tỉnh)

 

  • Từ khóa