Thứ 4, 24/07/2024, 00:35[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2014) Nhớ người chỉ huy 2 trận đánh lịch sử trước ngày toàn thắng

Thứ 2, 22/12/2014 | 09:01:42
3,744 lượt xem
Sau khi giải phóng Ðà Nẵng, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 củng cố lại lực lượng, Nguyễn Ánh Dương (quê xã Hồng Việt, huyện Ðông Hưng) được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 1.

Bộ đội đánh chiếm Tòa hành chính - cơ quan đầu não ngụy quyền Ninh Thuận lúc 9 giờ 30 phút, ngày 16/4/1975. Ảnh tư liệu

Trên đường tiến quân của Sư đoàn, các đơn vị được quán triệt nhiệm vụ rất sâu sắc, các chiến sĩ chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào khi được cùng đoàn quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”. Khi đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào Phan Rang, Sư đoàn trưởng, Ðảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 101 đã chọn Tiểu đoàn 1 do đồng chí Nguyễn Ánh Dương làm Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy mũi đột kích chính diện. Tôi nhớ mãi hình ảnh người Tiểu đoàn trưởng vóc dáng nhỏ bé nhưng có đôi mắt sáng, màu da rắn chắc và có cái đầu của người từng trải trận mạc, luôn thể hiện quyết tâm sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

5 giờ 30 phút ngày 16/4/1975, sau trận pháo kích của Sư đoàn, 4 chiếc xe tăng của Ðại đội 1, Tiểu đoàn 1 xuất kích đánh thẳng vào các mục tiêu đã định trước rất chính xác, rất kịp thời. Các chiến sĩ của ta rất gan góc, táo bạo, chia thành nhiều mũi tiến công. Bị tấn công bất ngờ nên quân địch rất hốt hoảng, chúng huy động máy bay oanh tạc dữ dội, kết hợp pháo binh liên tục dội đạn xuống dọc đường tiến công của ta. Khi ấy, đội hình của Tiểu đoàn 1 đã cách xa đội hình của Trung đoàn nên không còn được pháo cao xạ bảo vệ nữa, vì thế máy bay địch càng hoành hành dữ dội.

Tiểu đoàn trưởng Dương báo cáo xin cho Tiểu đoàn đánh thẳng vào trung tâm, Ðại đội 1 được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào sở chỉ huy của Chi khu, Ninh Thuận, mũi đồng chí Dương đánh thẳng vào dinh tỉnh trưởng và đến khoảng 7 giờ sáng chúng ta đã làm chủ thị xã. Toàn bộ quân địch ở đây đã tan rã, tên cố vấn Mỹ, trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng toàn bộ sĩ quan ngụy bị quân ta bắt vào tối 16/4/1975 khi chúng đang lẩn trốn trong dân.

Trận chiến ở Phan Rang trên đường hành tiến của quân ta bằng sức mạnh tổng hợp của hiệp đồng binh chủng, bằng sự lãnh đạo sáng suốt, bằng ý chí thép gang, bằng lòng dũng cảm vô song của bộ đội ta như một cơn lốc cuốn sạch “Bụi Phan Rang”.

Thắng lợi ở Phan Rang đã ghi dấu son vào lịch sử chiến tranh của quân đội và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Trung đoàn 101 nói chung và của Tiểu đoàn 1 nói riêng. Trong chiến công ấy có sự đóng góp rất to lớn của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương – một người chỉ huy rất quả cảm, tài giỏi, sáng suốt, táo bạo, biết phát huy sức mạnh của tập thể, biết lắng nghe, biết động viên chiến sĩ, biết khiêm tốn học hỏi, biết vận dụng thực tế, biết quyết đoán và biết chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước thời đại.

...17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tiến công của cánh quân do Trung đoàn 101 đảm nhiệm được bắt đầu bằng một trận bão lửa của pháo binh ta giáng xuống căn cứ Nước Trong và Long Thành. Ngay trong giờ đầu nổ súng, Tiểu đoàn 1 đã chiếm gọn ngã ba đường 10 và đường 15, đi sau Tiểu đoàn 1 là Tiểu đoàn 3 (Tiểu đoàn 2 là thê đội dự bị của Trung đoàn).

Sau Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 đánh sâu vào quận lỵ Long Thành thì địch ở đây đã trấn tĩnh lại và ngoan cố chống đỡ. Do đêm tối, lại không thuộc địa hình, địa vật nên quân ta rất khó khăn trong vận động. Ở đây, hệ thống phòng thủ của địch vững chắc hơn, địa hình phức tạp hơn, lại đánh trong đêm tối nữa nên càng khó khăn hơn. Từ tình hình đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Giảng quyết định tung Tiểu đoàn 2 vào trận, sau đó Sư đoàn cũng chỉ thị cho Trung đoàn 46 tổ chức lực lượng đánh vào ấp Thái Lạc để hỗ trợ cho Trung đoàn 101. Ðến rạng sáng ngày 27/4, đồng chí Nguyễn Ánh Dương chỉ huy một mũi đánh vào ấp Thái Lạc và đã anh dũng hy sinh tại đây cùng đồng chí Thạm mưu trưởng Tiểu đoàn 1.

Sau 2 ngày chiến đấu liên tục, ngoan cường và cực kỳ gan góc, dũng cảm của bộ đội ta, đến 16 giờ 30 phút ngày 27/4 chúng ta mới làm chủ được khu vực Long Thành, tiêu diệt hơn 600 tên, bắt sống 500 tên. Một lần nữa Trung đoàn 101 lại được Tư lệnh Quân đoàn 2 và mặt trận biểu dương khen ngợi.

Trong 2 trận đánh lịch sử, tôi được bên cạnh chỉ huy Trung đoàn, được chứng kiến những giây phút cam go, ác liệt, được chứng kiến những ứng xử, nhận xét của chỉ huy với Tiểu đoàn 1, tập thể ban chỉ huy Tiểu đoàn nói chung, cá nhân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ánh Dương nói riêng. Anh đã anh dũng hy sinh trước mũi súng của quân thù chỉ cách anh chưa đầy chục mét. Anh ngã xuống cho đồng đội xông lên. Chỉ tiếc rằng, giờ phút lịch sử của ngày 30/4/1975 anh không được chứng kiến cùng chúng tôi. Nhưng đối với chúng tôi, những người chiến sĩ của Trung đoàn 101 thì anh vẫn còn sống mãi.

Tiểu đoàn trưởng

Nguyễn Ánh Dương

Em đã có 2 cháu gái ngoan ngoãn, vợ em rất đảm đang... Gái Thái Bình mà. Gia đình em cũng khá khó khăn nhưng em vẫn hiểu nhiệm vụ của em là ở phía trước. Chỉ một sơ suất nhỏ của em cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cả Tiểu đoàn và tất nhiên ảnh hưởng đến Trung đoàn. Do vậy, trách nhiệm của người chỉ huy không thể không đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết.

Trịnh Xuân Tính

Cựu chiến binh Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (Hà Bình, Hà Trung, Thanh Hóa)

  • Từ khóa