Thứ 7, 23/11/2024, 18:41[GMT+7]

Quản lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp Thái Bình

Thứ 4, 24/11/2010 | 07:36:33
4,946 lượt xem
Hiện nay, tại các đô thị ở tỉnh Thái Bình, khối lượng chất thải rắn phát sinh có tới 60 - 70% là chất thải rắn sinh hoạt. Theo điều tra năm 2009, lượng chất thải rắn sinh hoạt bình quân khoảng từ 0,5 -0,6 kg/người/ngày. Cùng với xu thế đô thị hoá, nguồn rác thải này gia tăng mạnh theo từng năm.

Nông dân xã Thụy Quỳnh tham gia làm vệ sinh môi trường xã Tụy Quỳnh. Ảnh: Ngọc Linh.

Thành phần chất thải rắn bao gồm chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại; trong đó, chủ yếu là chất thải rắn thông thường vô cơ và hữu cơ. Chất thải rắn hữu cơ chiếm tỷ lệ 40% gồm: rau, thực phẩm... chứa các thành phần dễ phân huỷ.

 

Chất thải rắn vô cơ chiếm tỷ lệ 60% gồm cao su, nhựa, giấy, kim loại, đất, đá.... Tỷ lệ phần trăm các chất có trong rác thải không ổn định, biến động theo mỗi địa điểm thu gom rác, khu vực sinh sống và sản xuất. Cùng với chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ sản xuất công nghiệp cũng đang ngày một nhiều chủ yếu tập trung ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp  phân tán trong đô thị.

 

So với lượng chất thải rắn sinh hoạt, lượng chất thải rắn công nghiệp ít hơn như KCN Phúc Khánh trên 13,8 tấn/năm; KCN Nguyễn Đức Cảnh 12,6 tấn/năm; KCN Tiền Hải 12,8 tấn/năm...

 

Chất thải rắn công nghiệp cũng bao gồm chất thải công nghiệp không nguy hại và chất thải rắn nguy hại. Lượng chất thải rắn nguy hại chiếm khoảng 20% nhưng được coi là nguồn thải đáng lưu ý do chúng có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ và môi trường rất cao. Thành phần chất thải rắn công nghiệp cũng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào loại hình sản xuất của mỗi cơ sở sản xuất.

 

Lượng chất thải đô thị, công nghiệp ngày càng tăng, tính độc hại và thành phần cũng biến đổi ngày càng phức tạp. Lượng chất thải này sau khi được phát sinh có thể thâm nhập vào môi trường không khí dưới dạng bụi hay các chất khí được phân huỷ như H2S, NH3... rồi theo đường hô hấp đi vào cơ thể con người hay sinh vật.

 

Một bộ phận khác, đặc biệt là các chất hữu cơ, vô cơ thâm nhập vào nguồn nước hay môi trường đất rồi đi vào cơ thể con người qua thức ăn, nước uống. Mặt khác, nếu chất thải rắn không được thu gom xử lý hợp vệ sinh sẽ vừa làm mất mỹ quan lại vừa gây nên mầm bệnh. Chất ô nhiễm dạng rắn có thể chuyển thành các chất ô nhiễm dạng khí hay dạng lỏng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người và sinh vật.

 

Tác hại của chất thải rắn đã thấy rõ, song việc thu gom và xử lý lại là một vấn đề nan giải. Tại Thành phố Thái Bình, tỷ lệ thu gom rác thải ở các phường nội thành đã đạt tỷ lệ 90%. Còn tại các thị trấn, thuộc các huyện tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 67 - 74%.  Do ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao nên vẫn xảy ra tình trạng rác không được thu gom gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

 

Thành phố đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại cụm công nghiệp Phong Phú. Nhà máy này xử lý được khoảng 95% khối lượng rác sinh hoạt của các phường nội thành, công suất lò đốt rác hiện nay chỉ đáp ứng được 50% lượng rác cứng, khối lượng rác khó phân huỷ hiện đang tồn đọng tại nhà máy là khá lớn. Tại khu vực thị trấn, thị tứ, mật độ dân cư cao, quỹ đất hạn hẹp nên rất khó khăn khi quy hoạch bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh.

 

Bên cạnh đó, công tác  thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém. Đối với chất thải rắn công nghiệp nguy hại mới được bắt đầu quan tâm ở các nhà máy có quy mô lớn còn ở các cơ sở vừa và nhỏ thì vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

 

Việc tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp đang là vấn đề khó giải quyết, đặc biệt là rác thải. Nhìn chung các khu công nghiệp đều chưa bố trí khu vực tập kết rác thải và tỉnh chưa có bãi chôn lấp. Việc thu gom và  xử lý chất thải rắn công nghiệp chưa đáp ứng  được yêu cầu phát triển công nghiệp của địa phương.

 

Tỉnh ta đang có những bước tiến trong phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hoá. Cùng với đó lượng chất thải rắn hàng năm thải ra từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, công nghiệp, thương mại, dịch vụ là rất lớn và phần đa lượng chất thải này không phân huỷ được. Do đó, vấn đề thu gom và xử lý rác thải rắn cần có sự vào cuộc và quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh để kinh tế - xã hội    địa phương được phát triển trên nền tảng bền vững.

 

Ngọc Mai

  • Từ khóa