Thứ 3, 30/07/2024, 21:14[GMT+7]

Tết sớm trên đảo Sơn Ca

Chủ nhật, 03/01/2016 | 16:13:53
1,209 lượt xem
Những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, chúng tôi có chuyến công tác cùng Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến thăm, tặng quà và mang hàng tết tới các điểm đảo phía Bắc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Trong chuyến công tác này, tôi may mắn được đón tết sớm cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca. Dù mọi thứ không thể đủ đầy như trong đất liền nhưng ở nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sĩ vẫn khắc phục khó khăn, đón tết cổ truyền ấm tình đồng chí, đồng đội. Dù đã được ng

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca thi gói bánh chưng mừng xuân Ất Mùi.

Nằm cách đất liền hơn 300 hải lý nhưng không vì thế mà không khí đón tết trên đảo Sơn Ca bớt đi hương vị cổ truyền. Điều đặc biệt là tại mảnh đất tiền tiêu này, các chiến sĩ gói bánh chưng bằng lá bàng vuông, thứ lá "độc quyền" của Trường Sa. Bánh chưng là món ăn không thể thiếu mỗi khi tết đến, xuân về được các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca chuẩn bị vô cùng độc đáo. Dưới bàn tay khéo léo của các chiến sĩ trẻ, từng xấp lá dong, lá bàng vuông được lựa chọn, cắt và xếp gọn gàng.

Đồng chí Vũ Ngọc Lực, chiến sĩ đảo Sơn Ca tâm sự: Đây là năm thứ hai tôi đón tết ở Trường Sa nên cũng thạo việc gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Dù ở đảo xa nhưng mâm cơm tất niên tại đảo năm nào cũng có đủ các món truyền thống như bánh chưng, giò, dưa muối. Bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông không hề mất đi hương vị truyền thống mà ngược lại vẫn xanh và rất thơm. Muốn có lá bàng vuông đạt yêu cầu khi gói bánh, lính đảo phải lựa chọn những lá bánh tẻ, không được già quá hoặc quá non. Lá bàng vuông sù sì và có nhiều gân nên lính đảo nhúng qua nước ấm hoặc hơ trên lửa để lá mềm và dai. Tất cả hòa quyện vào nhau đem lại cho bánh một hương vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi.

Không khí đón tết trên đảo Sơn Ca còn trở nên ấm cúng, thân thiết hơn khi tiếng í ới gọi nhau mổ lợn, mổ gà, kê nồi đặt bếp đun bánh hay sắp mâm ngũ quả trên bàn thờ Tổ quốc. Những cành mai, cành đào được những người lính khéo tay làm từ cành cây mù u, còn hoa được cắt dán từ những túi ni lông hay mảnh giấy màu được gửi ra từ đất liền. Mặc dù không được đẹp nhưng những cành đào, cành mai tự làm cũng đem lại không khí tết cho lính đảo, giúp các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Sau khi hoàn thành, những cành đào, cành mai tràn đầy sắc xuân được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong hội trường.

Trên đảo xa, bữa cơm tất niên được tổ chức sớm trong không khí thật đầm ấm và gần gũi. Nhiều năm đón tết tại Trường Sa, Thiếu tá Văn Minh Tài, Phó Chỉ huy trưởng Cụm chiến đấu 1, đảo Sơn Ca tâm sự: Đây là lần thứ 2 tôi đón tết trên đảo Sơn Ca và là lần thứ sáu tôi đón tết xa nhà cùng đồng đội nơi đầu sóng ngọn gió. Bộ đội trên đảo rất đa tài, chúng tôi có thể tự chế biến được hầu như tất cả các món ăn tết như trong đất liền. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng bộ đội ở Trường Sa đón tết cũng vui không kém. Cùng với thi gói bánh chưng, chúng tôi còn tổ chức thi làm cơm tất niên và chuẩn bị mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ giữa các cụm chiến đấu...

Dù khó khăn, vất vả song những người lính hải quân vẫn luôn lạc quan, yêu đời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tết ở Trường Sa không có không khí hội tụ của gia đình nhưng lại rất ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Mùa xuân dường như đang về sớm hơn trên những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Chia tay các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi, chúng tôi mang theo về đất liền tình cảm dạt dào nơi biển cả bao la và niềm tin vào một mùa xuân mới.

Phạm Hưng

  • Từ khóa