Thứ 4, 31/07/2024, 09:22[GMT+7]

Trường Sa vào xuân

Thứ 6, 05/02/2016 | 09:06:00
1,373 lượt xem
Năm nào cũng vậy, khi đất trời chuẩn bị vào xuân thì muôn tấm lòng hậu phương đều hướng về những người con đang ngày đêm canh giữ biên cương, biển trời của Tổ quốc. Chiều một ngày đầu năm 2016, trên quân cảng Cam Ranh, Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân tổ chức lễ xuất quân các tàu chở bộ đội, nhân dân, một số cán bộ ra làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và vận chuyển hàng tết phục vụ quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài những nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày, quà tết mang ra đảo không thể thiếu những chậu mai vàng, quất xanh, những gói hương trầm, ống giang và lá dong... Ðâu đâu cũng ríu rít lời thăm hỏi, nhắn gửi hoặc nhờ chuyển quà ra để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đón tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đầy đủ, ấm áp. Tàu chưa nhổ neo nhưng đã cảm thấy một cái tết ấm cúng của Trường Sa đang đến rất gần. Ðại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 hải quân thay mặt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa cảm ơn sự quan tâm của quân dân cả nước và khẳng định: 100% cán bộ, chiến sĩ quyết tâm bảo vệ trọn vẹn, vững chắc chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc; bảo vệ an toàn các hoạt động kinh tế trên biển, hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Nắng chiều chiếu xuống đồi cát trắng, khúc xạ vào mặt nước xanh thẫm, tiếng sóng và gió nơi quân cảng hòa vào tiếng nhạc phát trên loa phóng thanh nghe như thấm vào hồn, trở thành chiều sâu cảm xúc thiêng liêng trong mỗi người. Giờ chia tay đã đến, những bàn tay nắm chặt lấy bàn tay, những cô gái hậu phương như không muốn rời xa người lính đảo, dẫu họ lần đầu gặp mặt. Chiều quân cảng còn có nhiều phút giây xúc động khác, trước cầu tàu, những em bé bi bô vẫy bàn tay nhỏ xíu chào tạm biệt cha, người vợ lau nước mắt động viên chồng lên đường làm nhiệm vụ. Thượng úy Ðinh Văn Ích, làm nhiệm vụ ở đảo Thuyền Chài ôm riết lấy con gái 16 tháng tuổi của mình hôn mãi vào đôi má bầu bĩnh. Vợ anh, chị Ðặng Thị Thanh nhìn hai bố con cười hiền hậu, yêu thương. Nuốt nước mắt vào trong, chị Thanh cười để anh yên tâm lên đường công tác. 17 giờ ngày 4/1, 4 con tàu hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam kéo những hồi còi dài chào tạm biệt đất liền để đến với Trường Sa. Bóng những người đưa tiễn dần khuất xa, tàu cưỡi lên muôn vàn con sóng, hành tiến về phía Ðông. 4 con tàu là sợi nhớ, sợi thương mang tình hậu phương, hơi ấm đất liền truyền ra biển, đảo, đến với những người con đất Việt kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió.

Rời vịnh Cam Ranh vào cuối chiều xanh thẫm, tàu 996 như chàng trai trẻ dũng mãnh rẽ sóng đại dương. Trên con tàu này đã thấy ngời lên sức trẻ của dân tộc, ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Binh nhất Nguyễn Xuân Diệu, quê xã An Thanh (Quỳnh Phụ) là một trong số đó. Diệu tâm sự: Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em được biết đến tấm gương của những người con Thái Bình hy sinh anh dũng để bảo vệ Trường Sa. Là người con duy nhất của xã An Thanh nhập ngũ vào Quân chủng Hải quân tháng 9/2015, sau một thời gian huấn luyện, vinh dự cho Diệu khi em được nhận nhiệm vụ ngoài Trường Sa. Nguyễn Xuân Diệu sẽ có một năm làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây với niềm tin sẽ được góp sức trẻ cho công cuộc bảo vệ biển, đảo. Trên chuyến hải trình, chúng tôi đã được nghe thêm nhiều câu chuyện cảm động về sự hy sinh để giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương: đó là tấm gương Thiếu tá Lê Minh Phúc, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22, mặc dù bị thương nặng do tàu nước ngoài đâm va, anh bị đứt động mạch cánh tay, máu chảy đầm đìa nhưng ngay sau khi được đồng đội sơ cứu bằng 15 mũi khâu, người vẫn đang bị choáng do mất nhiều máu, anh vẫn giữ vững vị trí chỉ huy tàu cản phá, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển của Tổ quốc; đó là câu chuyện cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Ðông, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, khi chuẩn bị đến bữa cơm tất niên thì lực lượng canh trực phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền của ta. Toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo sở chỉ huy các cấp, gác lại bữa cơm chiều 30 tết, tổ chức lực lượng theo dõi, phát hiện mọi động thái bất thường, ngang ngược của tàu nước ngoài, đồng thời hạ xuồng CV, triển khai lực lượng tuyên truyền đặc biệt, phối hợp với tàu trực cơ động tiếp cận, dùng cờ tay, loa tuyên truyền, kiên trì, kiên quyết xua đuổi buộc tàu nước ngoài phải rời khỏi khu vực.

Trường Sa cách đất liền hơn 300 hải lý. Sau 3 ngày 2 đêm vượt sóng, tàu 996 chở bộ đội, người dân cùng hàng hóa phục vụ tết cho quân dân huyện đảo đã đến đảo Song Tử Tây, là một trong ba đảo lớn nhất của Trường Sa. Cùng với đảo Ðá Nam, Song Tử Tây được ví là "cửa ngõ" phía Bắc. Gần đến đảo, những cánh hải âu bất chợt lướt lên từ sóng như người hoa tiêu dẫn đường trước mũi tàu. Ngày xưa người ta vẫn bảo chim hải âu là bạn với ngư dân là vậy. Biển, đảo bình minh diễm lệ đến lạ kỳ. Sóng xanh xô nhau đánh tung lên những đám bọt trắng được ánh mặt trời chiếu vào tạo nên muôn sắc cầu vồng. Tiết xuân đã về nơi cực đông của Tổ quốc. Trong không khí rạo rực giao hòa của đất trời và biển cả, phong ba - loài cây biểu tượng cho tinh thần bất khuất kiên cường ở Trường Sa cũng đang đâm chồi nảy lộc. Trong nắng gió mặn mòi vị biển, những chiếc lá non mơn mởn, gần gũi và thân thương đến lạ kỳ, vỏ cây sần sùi, bạc màu sương gió nhưng tràn đầy màu xanh sự sống.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Ðá Thị trang trí chuẩn bị đón tết.

Tàu buông neo, những chiếc xuồng máy chuyển tải người và quà tết lên đảo Song Tử Tây. Xuồng cập âu tàu, những nụ cười tươi thắm, cái ôm thật chặt của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo chào đón chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp lại. Trong bộ quân phục uy nghiêm, làn da sẫm màu bởi nắng, sóng và gió, những người lính trên đảo Song Tử Tây sao thân thương, đáng yêu đến thế! Ðược tham dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ ở Trường Sa là một kỷ niệm khó quên: Lễ chào cờ có tất cả quân, dân, nhà sư tu hành trên đảo. Bé Ðoàn Phúc Vi Sa, 16 tháng tuổi (bé gái thứ hai được sinh ra trên đảo Song Tử Tây) theo mẹ cùng tham gia. Ðôi mắt trẻ thơ nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay, trong sáng đến vô ngần. Tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây, dưới quốc kỳ vinh quang, bài quốc ca hùng tráng cất lên tưởng như vỡ òa trong lồng ngực, nghe âm vang 10 lời thề sắt son của Quân đội nhân dân Việt Nam từ những chiến sĩ ngày đêm giữ đảo như tạc vào đất trời, sóng nước Trường Sa. Ðón nhận những tình cảm nồng ấm của muôn triệu trái tim từ đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, Trung tá Trương Sỹ Nam, Ðảo trưởng đảo Song Tử Tây chia sẻ: Mặc dù hân hoan đón tết, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc vẫn luôn vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Tết đến ngoài việc tổ chức các hoạt động, giao lưu văn hóa văn nghệ, đảo còn tổ chức các trò chơi dân gian trong suốt 3 ngày; ngoài ra còn tổ chức dâng hương tại Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Ðạo Vương, đi lễ chùa. Nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước cùng nhân dân trong đất liền, những năm vừa qua, tết cổ truyền của quân và dân ở Trường Sa rất đầy đủ và ấm cúng. Dù thời khắc giao thừa chưa sang nhưng với những người lính đảo, chỉ cần thấy tàu từ đất liền ra thì tết đã đến Trường Sa. Trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, đêm giao lưu văn nghệ đón chào xuân Bính Thân, chào đón tân binh, chia tay những người vừa hoàn thành nhiệm vụ diễn ra ngay trên cột mốc chủ quyền. Tất cả quân dân trên đảo đã cùng nắm tay nhau say sưa hát, những câu hát cất lên giữa muôn trùng sóng gió trên lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc tạo nên không khí thân tình, vui vẻ, sáng một niềm tin yêu vào tương lai khiến cho mọi người rưng rưng xúc động.

Cùng đoàn công tác ra Trường Sa đợt này, phóng viên chúng tôi được vượt qua những con sóng lừng nằm giữa lằn ranh bãi san hô và biển sâu. San hô đủ sắc màu khiến vùng nước xung quanh các đảo chìm Ðá Nam, Ðá Thị lấp lánh, lung linh. Ðảo tuy nhỏ nhưng ngoài những điểm tựa sẵn sàng chiến đấu còn có những vườn rau nho nhỏ, có bể chứa nước lớn và cả khu chăn nuôi gia cầm. Ðược biết, những năm gần đây, không riêng gì ở những đảo nổi mà còn ở hầu hết các đảo chìm, phong trào tăng gia sản xuất được thực hiện rất hiệu quả nên rau xanh và thịt gia cầm đều tự túc được tại chỗ, đó là một kỳ tích nơi đầu sóng ngọn gió. Quà tết từ tàu 996 mang vào có cả những nhành mai, lá dong, gạo nếp, lợn và gà… Các chiến sĩ nhận quà vui lắm, đâu đó, người chiến sĩ đang nắm chắc tay súng có một chút lắng lòng, một chút da diết nhớ người thân khi mùa sum họp lại về. Tuy nhiên, những cảm xúc đó nhanh chóng được giấu chặt trong lòng bởi các anh hiểu rất rõ nhiệm vụ và trọng trách của mình đối với Tổ quốc và các anh cũng cảm nhận được nhiều hơn những tình cảm sâu đậm của đất liền, của gia đình, người thân, luôn dõi theo, sát cánh bên mình. Tình cảm đó sẽ làm ấm lòng cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng biển Trường Sa của Tổ quốc. Trung úy Trần Xuân Hoàng, quê xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình công tác tại đảo Ðá Thị đã gửi lời về hậu phương: Năm mới, lính đảo chúng tôi xin chúc bà con ở quê hương sức khỏe, hạnh phúc. Chúng tôi luôn sẵn sàng hy sinh cuộc sống riêng tư, những phút giây đoàn tụ bên người thân để bám trụ nơi biển đảo để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc. Ðất liền hãy tin vào chúng tôi.

Quà tặng đất liền là những con ốc nhảy vừa được bắt trên bãi cạn.

Song Tử Tây, Ðá Nam, Ðá Thị, Sơn Ca, Nam Yết…, những đảo nổi, đảo chìm nơi chúng tôi đi qua đang cùng đất trời vào xuân như đang bừng lên sức sống. Máu, mồ hôi, tuổi thanh xuân của bao lớp cha ông và những người lính đã và đang góp phần làm nên những đổi thay đó để giữ sự bình yên cho biển đảo Tổ quốc hôm nay. Lướt trên sóng cả biển Ðông, những con tàu đến với Trường Sa như mạch máu chuyển tải muôn tiếng lòng, triệu triệu niềm tin yêu mang hơi ấm đất liền cho trái tim lớn Trường Sa vào xuân.

Trịnh Cường

  • Từ khóa