Thứ 6, 02/08/2024, 01:27[GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (KỲ 3: TRƯỜNG SA - XANH MÃI MUÔN ĐỜI)

Thứ 4, 23/03/2016 | 09:31:52
926 lượt xem
Trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, người sinh sống trên đảo đã khó, trồng cây phủ xanh đảo lại càng khó hơn. Nhưng dưới bàn tay của người lính biển, những mầm xanh vẫn ngày ngày bật lên trên cát đá san hô với sức sống mãnh liệt để hôm nay, trên mỗi đảo, điểm đảo đều có sự hiện diện của màu xanh cây lá.

Cán bộ, chiến sĩ trồng cây trên đảo.

 

Mặc dù còn cách đảo Trường Sa vài hải lý song từ trên mạn tàu chúng tôi đã thấy đảo hiện ra sừng sững, hiên ngang giữa biển khơi bao la. Khác với tưởng tượng về một hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió với những rặng san hô và cát trắng, đảo Trường Sa hiện ra êm đềm, gần gũi như một làng quê Việt với màu xanh ngập tràn của cây cối. Chính vì vậy, khi lần đầu đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, song song với niềm xúc động nghẹn ngào, mỗi thành viên trong Đoàn công tác đều có cảm giác như được trở về với quê nhà. Dạo quanh đảo Trường Sa, chúng tôi bắt gặp hàng hàng lớp lớp những cây phong ba, bão táp, cây bàng vuông, cây tra to khỏe, tán lớn xòe ra đan xen tạo thành những “bức tường xanh” vững chắc quanh năm che chắn cho quân dân trên đảo khỏi bão gió và cái nắng cháy da cháy thịt vốn là “đặc sản” của vùng biển cực đông Tổ quốc. Rất may mắn khi tình cờ chúng tôi được gặp và trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Quốc Dũng, nguyên Bệnh xá trưởng Bệnh xá thị trấn Trường Sa trong lần hiếm hoi anh trở lại thăm đảo. Anh vui vẻ tâm sự: Đến Trường Sa lần này tôi thật sự xúc động và ngỡ ngàng trước những đổi thay của đảo. Trường Sa bây giờ đẹp lắm! Toàn đảo được phủ xanh bởi rất nhiều loài cây từ bão táp, phong ba (vốn là cây thổ địa của đảo) đến những loài cây vẫn được “gắn mác” đất liền như dừa, mù u, đu đủ… Khuôn viên đẹp và hoành tráng thế này, nếu là ngày trước thì chỉ có trong mơ. Trong ký ức của anh mười sáu năm về trước khi anh ra công tác tại đảo, Trường Sa khi đó vắng bóng cây xanh và trơ cát sỏi. Vào mùa gió chướng, mỗi cơn gió thổi qua dựng những con sóng khô trên đảo cuộn theo cát trắng bụi mù. Ngày ấy, công việc trồng cây được anh em cán bộ, chiến sĩ đặc biệt coi trọng. Anh nhớ lại: Hồi ấy, đồng chí Thân Ngọc Hướng, khi đó là Chỉ huy trưởng đảo đã phát động phong trào trồng cây xanh với ý tưởng “phủ xanh đảo”. Khi đó thiếu cây giống, xung quanh đảo chỉ có cây bão táp nên mỗi khi có mưa tất cả anh em cán bộ, chiến sĩ đều tập trung bẻ cành cây bão táp cắm xuống đất để nhân giống. Cứ cắm mười cây thì khả năng sống sót được hai cây. Khó khăn là vậy nhưng các chiến sĩ vẫn không nản lòng, kiên trì trồng và chắt chiu từng giọt nước ngọt quý hiếm tưới cho cây để đảo mỗi ngày thêm xanh.

 

Chọn lá bàng vuông để gói bánh chưng ngày tết.

 

Cũng trong những ngày nghỉ lại trên đảo, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Thượng tá Phạm Văn Hòa, nguyên Chỉ huy trưởng đảo, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa. Anh cho biết: Khi còn là chỉ huy đảo, hàng năm vào mùa xuân, chúng tôi đều phát động tết trồng cây. Mỗi chiến sĩ tự tay trồng một cây và chăm sóc cây đó đến khi nào cây xanh tốt, cán bộ tới nghiệm thu mới được công nhận là trồng được một cây. Trồng và chăm sóc cây đối với chiến sĩ là nhiệm vụ chính bên cạnh các nhiệm vụ khác như huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất… Hầu hết các chiến sĩ ai cũng có tâm nguyện có một cây kỷ niệm do chính tay mình trồng ở trên đảo nên rất trách nhiệm, chăm sóc cây kỹ lưỡng, vì vậy, đảo từ bãi cát trắng thuở ban đầu đã trở thành vườn cây xanh tốt như hôm nay.

 

Trong thế giới cây xanh ở Trường Sa, nếu nói về sức chịu mặn tốt thì phong ba là cây được xếp đầu bảng, sau đó mới tới bàng, bàng vuông và tra… Nhưng cây bàng vuông mới được xem là biểu tượng, linh hồn của đảo. Không chỉ ngày đêm che chắn cho quân dân trên đảo, lá bàng vuông còn góp phần tạo nên hương vị riêng món bánh cổ truyền ngày tết - bánh chưng. Lính đảo khéo tay nên lá dong từ đất liền nếu có bị rách, bị khô héo, mất màu sắc sẽ được thay thế bằng lá bàng vuông. Những chiếc lá bàng to, xanh mướt được lính đảo lựa chọn kỹ càng để gói bánh hoặc bọc bánh cho xanh sau khi đã luộc. Chiếc bánh chưng vì vậy mang đậm nét riêng của Trường Sa. Đến Trường Sa, bất kỳ ai cũng sẽ bị chinh phục bởi vẻ đẹp của hoa bàng vuông. Chỉ nở vào đêm muộn giống như hoa quỳnh, hoa bàng vuông có mùi thơm nhẹ, thanh tao với vẻ ngoài mong manh nhưng không kém phần rực rỡ. Vẻ đẹp của hoa đến từ sự kết hợp tinh tế giữa cấu trúc và màu sắc. Hoa có năm cánh màu trắng với phần nhị gồm hàng trăm sợi kéo dài. Từ chân nhị đến giữa thân khoe sắc trắng, phần trên nhị hoa ngả sang màu hồng. Đầu mỗi sợi nhị được bao phủ bởi một bao phấn vàng. Khi nở, hàng trăm sợi nhị bung xòe như pháo hoa rực rỡ trong đêm. Hoa bàng vuông nhìn mong manh là vậy nhưng lại cứng cáp lạ thường, vì vậy mới chịu được sức gió giữa biển khơi. Được ngắm hoa bàng vuông nở trong đêm trên đảo Trường Sa là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ. Dù phải đứng phơi sương dưới gốc bàng cả tiếng đồng hồ song ai nấy đều vô cùng nhẫn nại. Chỉ cần thấy từng bông hoa bàng vuông bung nở trong đêm là tất cả mệt mỏi dường như đều tan biến. Qua đêm, hoa bàng vuông lại khép cánh ngủ ngày chờ tới đêm lại “tái sinh” dẫu không đẹp như lần đầu bung nở. Hoa nở về đêm khiến cho những buổi gác của các chiến sĩ thêm thi vị. Hoa và người lính như những người bạn tâm giao, cùng thức và canh gác cho biển trời của Tổ quốc.

 

 

Nhiều hoạt động trên đảo diễn ra dưới tán cây xanh mát.

 

Trải qua thời gian, từ hòn đảo chỉ toàn trơ cát trắng, dưới bàn tay và tâm huyết của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Trường Sa hôm nay đã trở thành “đại ngàn” giữa trùng khơi. Cây như những người lính nơi đây hiên ngang chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để Trường Sa xanh mãi muôn đời.

 

(Còn nữa)

Đào Quyên

 

  • Từ khóa