Thứ 7, 27/07/2024, 02:20[GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (KỲ 4: NHỮNG CÔNG TRÌNH VĂN HÓA TÂM LINH TRÊN ĐẢO)

Thứ 5, 24/03/2016 | 09:11:47
918 lượt xem
Cùng với cột mốc chủ quyền, những công trình văn hóa tâm linh trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã và đang góp phần khẳng định và củng cố vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa. Ảnh: Hoàng Minh

 

Ngay sau khi đặt chân lên đảo Trường Sa, như đã thành thông lệ, chúng tôi cùng Đoàn công tác được các đồng chí trong Ban Chỉ huy đảo bố trí đến thăm viếng các công trình văn hóa tâm linh. Địa điểm đầu tiên là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa. Trong sắc xanh của biển trời, Đài tưởng niệm hiện ra uy nghiêm, sừng sững. Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo cho biết: Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 và khánh thành sau đó đúng 1 năm. Vật liệu chính để xây dựng Đài tưởng niệm là đá xanh. Công trình mang ý nghĩa, giá trị to lớn, vừa thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Thắp nén nhang với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc nhất, tưởng nhớ về các anh - những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, nhiều người trong Đoàn công tác không kìm được xúc động đã bật khóc. Trong số các anh, có biết bao người cả linh hồn và thể xác đã vĩnh viễn hòa vào biển cả. Trường Sa một ngày biển lặng hiếm hoi giữa mùa gió chướng nhưng trong lòng người lại trào dâng những đợt sóng cảm xúc mãnh liệt, nghẹn ngào.

 

Nằm kế bên Đài tưởng niệm là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn Đoàn công tác đi tham quan xung quanh khu nhà, Đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó quân sự Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác cho biết: Đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An xây tặng huyện đảo Trường Sa. Nhà tưởng niệm mang dáng dấp của một ngôi đền truyền thống. Công trình gồm một nhà chính đặt ban thờ tưởng niệm Bác Hồ và hai nhà phụ, trong đó bên phải đặt gác chuông, bên trái đặt bia ghi lại những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Bác. Đây là nơi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo tưởng nhớ công lao vĩ đại của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cũng là nơi giáo dục đạo đức cách mạng cho các thế hệ quân dân trên đảo.

 

Đối diện với Nhà tưởng niệm ở phía bên kia của đường băng là chùa Trường Sa mà mọi người vẫn thường hay gọi là chùa Trường Sa Lớn. Tên gọi là vậy song trong số 6 chùa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì chùa lớn nhất lại là chùa Song Tử Tây tọa lạc trên đảo Song Tử Tây. Nằm dưới những tán bàng vuông xanh mát, chùa Trường Sa có kiến trúc giống hệt với các ngôi chùa trong đất liền với cổng tam quan, phía trên có gác chuông lợp ngói đỏ; nhà thờ chính có một gian giữa, hai chái, mái cong có đao đình. Trong không gian thanh tịnh, nghe tiếng chuông chùa ngân vang, chúng tôi ngỡ như mình đang ở vùng quê thanh bình nào đó mà quên mất rằng mình đang ở giữa biển khơi mênh mông cách đất liền hàng trăm hải lý. Theo Đại đức Thích Nhuận Tựu, trụ trì chùa Trường Sa: Vào các ngày lễ, tết, mùng một hay ngày rằm hàng tháng, quân dân trên đảo thường lên chùa dâng hương cầu nguyện. Các ngư dân đánh bắt cá ở khu vực xung quanh mỗi lần lên đảo cũng đều vào chùa thắp hương, lễ Phật, cầu an, mong một chuyến đi biển gặp nhiều may mắn. Mỗi khi trong đất liền có người thân mất hay giỗ bố, giỗ mẹ (mà cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo vì điều kiện công tác không về được), họ đều đến chùa thắp hương và nhờ thầy làm lễ cầu siêu cho người đã khuất được siêu thoát. Chị Lê Thị Hoa, cư dân trên đảo cho biết: Vì có chùa là điểm tựa tâm linh vững chắc nên quân dân trên đảo ai nấy đều yên tâm lao động, công tác. Khoảng cách giữa đảo và đất liền cũng nhờ đó mà được kéo lại gần hơn.

 

 

Thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

 

Theo Đại tá Bùi Đình Dương thì chùa Trường Sa trên quần đảo Trường Sa không chỉ là không gian tâm linh mà còn là dấu mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đảo Trường Sa đã có tự bao đời. Trên các đảo giữa biển Đông của Việt Nam, từ xa xưa đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên từ những lần ra khơi, bám biển mưu sinh. Giữa muôn trùng biển khơi, họ cần một niềm tin để bám biển vì vậy họ lập ra các am thờ để cầu trời, khấn Phật phù hộ cho những chuyến đi biển bình yên, tôm cá bội thu. Trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh truyền thống này, chùa Trường Sa cùng một số ngôi chùa khác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngày nay đều được tôn tạo lại từ các am thờ xưa của ngư dân. Đây là những minh chứng cho thấy chủ quyền của dân tộc Việt Nam với vùng biển, đảo Trường Sa đã có từ bao đời nay. Cũng trong chuyến hải trình, khi đặt chân lên điểm A đảo Đá Tây, chúng tôi được Đại úy Lâm Thế Phong, Chỉ huy trưởng điểm đảo đưa đến thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt. Theo anh cho biết thì đền thờ cũng được hình thành từ một am thờ của ngư dân. Phiến đá khắc ghi bài thơ thần - được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam được ngư dân thờ tự bao đời hiện vẫn còn nguyên vẹn. Bốn câu thơ: “Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển, đảo Trường Sa, ngày ngày vẫn đang tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển và cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ biển trời của Tổ quốc. Trong các chuyến ra khơi những người lính biển và bà con ngư dân đều ghé đảo Đá Tây A, vào thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt để cầu mong một hải trình bình an, đồng thời khẳng định “Biển này là của ta, đảo này là của ta”, chẳng một thế lực ngoại bang nào có thể xâm phạm được!

 

(Còn nữa)

Đào Quyên

  • Từ khóa