Thứ 5, 09/05/2024, 11:17[GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (KỲ 5: HỒN THIÊNG TRÊN ĐẢO)

Thứ 6, 25/03/2016 | 14:44:34
1,129 lượt xem
Lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí chúng tôi suốt chuyến hải trình đến với Trường Sa là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Có lẽ, chính thời tiết khắc nghiệt càng khiến lá cờ Tổ quốc ở Trường Sa thêm rực đỏ, ánh lên ánh sáng diệu kỳ, bởi đó là kết tinh “hồn thiêng dân tộc” ở Trường Sa.

Các đơn vị trên đảo Trường Sa diễu hành qua cột cờ và cột mốc chủ quyền trong lễ chào cờ.

 

Chào cờ nơi đầu sóng

 

Buổi sáng ngày thứ hai trên đảo Trường Sa, cánh phóng viên chúng tôi không ai bảo ai đều dậy rất sớm, không phải để ngắm bình minh như những ngày còn trên tàu mà vì hồi hộp, háo hức mong chờ được dự lễ chào cờ thiêng liêng nơi đầu sóng. Đúng 7 giờ lễ chào cờ mới bắt đầu nhưng trước đó các lực lượng và nhân dân trên đảo đã tập trung và xếp hàng ngay ngắn trước cột cờ và cột mốc chủ quyền. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều mặc quân phục nghiêm trang. Còn với người dân sống trên đảo, đàn ông thì mang trang phục dân quân, phụ nữ thì mặc áo dài truyền thống. Các cháu bé cũng được bố mẹ đưa tới dự lễ chào cờ. Chị Nguyễn Thị Bích Hà, cư dân trên đảo cho biết: Mỗi lần tham dự lễ chào cờ cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi và chồng đều dẫn các con đi cùng để các con hiểu, thêm yêu và tự hào về Tổ quốc, về mảnh đất thiêng liêng mà mình đang sinh sống. Lễ chào cờ bắt đầu bằng khẩu lệnh: Nghiêm! Chào cờ… chào!”. Ngay sau đó là tiếng nhạc bài “Tiến quân ca” và tiếng hát cất lên từ trái tim, mạnh mẽ và đầy tự hào của những người lính, người dân sinh sống trên hòn đảo tuyến đầu Tổ quốc: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc/Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/Cờ in máu chiến thắng vang hồn nước…”. Cùng với tiếng hát, tất cả mọi con mắt đều hướng về lá cờ Tổ quốc đỏ thắm đang kiêu hãnh tung bay trên nền trời xanh thẳm. Thật khó để diễn tả cảm xúc của chúng tôi lúc này, những người lần đầu đến với Trường Sa, lần đầu được chứng kiến giây phút thiêng liêng nơi đầu sóng. Chỉ biết rằng, nhiều phóng viên trong Đoàn, trong đó có tôi, không thể hát trọn câu hát, nước mắt lăn dài vì xúc động. Sau này, khi có cơ hội chia sẻ cảm xúc với những người lính đảo, tôi được biết, hầu hết ai ra đến đây, được dự lễ chào cờ đều có cảm xúc như vậy. Đây cũng là động lực để các anh phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

 

Kết thúc bài “Tiến quân ca”, một đồng chí sĩ quan tiến lên ngay dưới lá cờ Tổ quốc, dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân. Những lời thề đanh thép khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Một, hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam…”. Dứt mỗi lời thề mọi người đều đồng thanh hô vang: “Xin thề!”. Nơi tuyến đầu Tổ quốc, những lời thề vang lên khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời thiêng liêng của quân và dân trên đảo. Kết thúc lễ chào cờ, các đơn vị diễu hành qua cột mốc chủ quyền trên nền nhạc bài hát “Tiến bước dưới quân kỳ”, mạnh mẽ và dứt khoát, đúng phong cách nhà binh.

 

 

Cờ Tổ quốc trên tàu tuần tra của các chiến sĩ đảo Đá Tây A.

 

Sau buổi lễ, dưới chân cột cờ, tôi tình cờ gặp lại Hạ sĩ Đỗ Tâm, 22 tuổi, quê Quảng Ngãi đi cùng tàu ra nhận công tác tại đảo Trường Sa đợt này. Nói về cảm xúc khi lần đầu tiên được tham dự lễ chào cờ trên đảo, Tâm cho biết: “Em vô cùng xúc động, vinh dự và tự hào khi được đứng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc hát vang bài hát “Tiến quân ca” và dõng dạc hô 10 lời thề danh dự của quân nhân. Đây là động lực để em phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần nhỏ bé của mình giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.

 

Món quà linh thiêng

 

Bất kỳ ai từng một lần đến với Trường Sa, dù ít hay nhiều đều cố gắng tìm và lưu giữ một vật kỷ vật của vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh những quả bàng vuông, hoa ốc (những bông hoa được làm bằng ốc biển), đá san hô… thì những lá cờ Tổ quốc đã bạc màu bởi nắng, gió là món quà ý nghĩa và được trân trọng nhất bởi đây chính kết tinh “hồn thiêng dân tộc” ở Trường Sa. Không phải ai cũng may mắn có được món quà vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng ấy. Giữa nắng gió, phong ba bão táp nơi biển cả, cờ Tổ quốc trên các đảo thường phải thay liên tục vì nhanh bị bạc màu. Mỗi lần thay cờ mới, lá cờ cũ sẽ được đảo trưởng ký tên rồi đóng dấu, sau đó được cất giữ cẩn thận để dành làm quà tặng cho cán bộ, chiến sĩ mỗi lần về đất liền hay những đoàn khách ghé thăm. “Những lá cờ gửi gắm thông điệp về sự kiên cường, đoàn kết, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa” - Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo Trường Sa chia sẻ. Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Tuấn, lễ treo và hạ cờ hàng ngày trên đảo được thực hiện trang nghiêm và là một trong những nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của những người lính đảo. Những người tham gia hoạt động này phải là những chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác. Đây cũng là một trong những cách làm để ghi nhận thành tích cũng như ý chí vươn lên của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Với các chiến sĩ, được tham gia lễ treo và hạ cờ là một vinh dự lớn lao và rất đỗi tự hào. Có như vậy mới biết cờ Tổ quốc ở Trường Sa linh thiêng nhường nào. Và người nào có được món quà linh thiêng này thực sự rất may mắn.

 

Tôi nhớ, có người từng nói với tôi rằng: Cờ Tổ quốc ở Trường Sa khác cờ Tổ quốc trong đất liền bởi có thêm vị. Tôi nghĩ chắc chắn đó là vị mặn nhưng vị mặn ấy không chỉ đến từ muối biển mà còn mặn vì mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ những người giữ biển.

 

Đào Quyên

  • Từ khóa