Chủ nhật, 25/05/2025, 09:30[GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (KỲ 10: VỮNG VÀNG TRƯỜNG SA ĐÔNG)

Thứ 4, 30/03/2016 | 08:35:08
2,295 lượt xem
Cách cụm đảo chìm Đá Tây 6 hải lý về hướng Đông Bắc và cách đảo Đá Đông khoảng 12 hải lý về hướng Tây Bắc, đảo Trường Sa Đông là một bãi cát nổi nằm trên phần phía Đông của một bãi san hô ngập nước. Cũng giống như thị trấn Trường Sa, đảo Trường Sa Đông hôm nay cũng được phủ kín bởi màu xanh của cây cối như khẳng định sức sống mãnh liệt, ý chí vững vàng của những con người nơi đây.

Con đường rợp bóng cây tra, cây bàng vuông dẫn vào trung tâm đảo Trường Sa Đông.

Đơn vị quyết thắng

Trường Sa Đông gây ấn tượng với những người đến thăm bằng con đường rợp bóng cây tra, bàng vuông dẫn vào trung tâm đảo. Trên mỗi thân cây đều ghim một biển xanh đề tên loại cây và đánh số giống như chứng minh nhân dân. Vậy mới biết cây xanh trên đảo quý đến nhường nào. Đã qua nhiều đảo, thăm nhiều vườn rau của cán bộ, chiến sĩ nhưng phải khẳng định vườn rau ở Trường Sa Đông là tốt nhất. Cho đến bây giờ tôi vẫn không khỏi thắc mắc tại sao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nước ngọt hạn chế, các chiến sĩ lại trồng được những cây rau mồng tơi có lá to hơn cả hai bàn tay xòe ra như vậy. Ngay cả trong đất liền tôi cũng chưa từng nhìn thấy chiếc lá mồng tơi nào to như thế. Các loại rau khác như cải, muống cũng đua nhau mọc lên tươi tốt, dày kín, che phủ cả lối đi. Nhìn thoáng qua thôi cũng có thể hiểu được các chiến sĩ đã phải đổ bao tâm huyết với nơi này. Cạnh vườn rau là chuồng nuôi lợn rộng hơn 70m2 và một chuồng nuôi gà rộng 30m2. Cả hai chuồng đều mới được đưa vào sử dụng trong năm 2015 nhưng đã có một số lượng lớn lợn, gà. Thượng úy Trần Văn Tiến, Trung đội Thông tin cho biết: Để có được vườn rau xanh tốt, các chiến sĩ phải luôn bảo đảm rau có đủ nước và môi trường thuận lợi để phát triển. Anh cũng cho biết thêm: Ngoài trồng rau và tập trung chăn nuôi lợn, gà để tăng gia, việc chăm sóc cây xanh trên đảo được chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đặc biệt coi trọng bởi chăm sóc cây cũng chính là bảo vệ môi trường sống trên đảo. Việc chăm sóc cây xanh được chỉ huy đảo giao nhiệm vụ xuống từng đơn vị. Mỗi đơn vị sẽ phụ trách chăm sóc cây xanh ở một khu, nhờ vậy khuôn viên của đảo mới được như ngày hôm nay. Qua trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông, chúng tôi được biết: Trong năm 2015, nhờ tích cực tăng gia sản xuất, đảo đã thu được 7.665kg rau xanh các loại; 1.440kg thịt và 3.113kg cá tươi, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần để đảo đạt danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" do Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng. Cùng với việc làm tốt công tác tăng gia sản xuất, đơn vị thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban, trực chiến. Tổ chức canh gác, quan sát, phát hiện hàng trăm lượt mục tiêu trên không, trên biển, xử lý đúng đối sách, không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị của chỉ huy các cấp về trực sẵn sàng chiến đấu trong các ngày lễ, tết, các đợt trực cao điểm. Tổ chức huấn luyện bảo đảm 100% nội dung, thời gian và quân số… Trong thời gian lưu lại, chúng tôi có dịp được chứng kiến một buổi diễn tập chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông. Sau khi nhận lệnh của chỉ huy, tất cả mọi người đều nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Mọi thao tác đều nhanh, gọn, dứt khoát, chứng tỏ đã qua tổ chức huấn luyện rất bài bản. Cùng với danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng", năm 2015, đảo Trường Sa Đông còn được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm "70 ngày hành động kiểu mẫu, dân chủ, trí tuệ, đổi mới, sáng tạo, an toàn".

Nghĩa tình đồng đội

Trên đảo Trường Sa Đông, chúng tôi cùng Đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó quân sự Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác đến thắp hương tại phần mộ Thiếu úy Ngô Quyết Thắng, sinh năm 1988, quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, mất tại đảo Đá Tây A tháng 4/2014. Do Đá Tây A là đảo chìm nên thi hài Thiếu úy Ngô Quyết Thắng được đưa sang đảo Trường Sa Đông an táng. Trước phần mộ người chiến sĩ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, ai cùng bùi ngùi xót thương. Cũng tại đây, tôi được đồng nghiệp kể cho nghe một câu chuyện xúc động về tình đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ Trường Sa. Trong Đoàn công tác của chúng tôi có Thiếu úy Lê Nghiêm Nam, quê ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa), là cán bộ quản lý của Lữ đoàn 146. Nam có vóc người nhỏ nhắn và rất nhanh nhẹn. Tôi biết Nam khá rõ vì phòng tôi có nhiều người say sóng, không xuống nhà ăn được; là cán bộ quản lý, Nam thường xuyên lên thăm hỏi chị em rồi bố trí nhà bếp nấu cháo hoặc mang cơm lên tận phòng. Thỉnh thoảng, khi xuống phụ nhà bếp chuẩn bị bữa ăn tôi cũng hay gặp Nam ở đây. Chiều hôm vào đảo Trường Sa Đông, tôi tình cờ gặp Nam ở phòng Chỉ huy trưởng đảo. Tôi nghĩ chắc là Nam tới xác nhận lại với chỉ huy lượng hàng hóa chuyển lên đảo vì điều này nằm trong chức trách của anh. Sau này, qua lời kể của đồng nghiệp tôi mới biết Nam lên đảo là để tới thắp hương, viếng mộ bạn - Thiếu úy Ngô Quyết Thắng. Thắng và Nam tuy khác quê nhưng nhập ngũ cùng một ngày, rồi cùng theo học tại Học viện Hải quân. Sau khi tốt nghiệp, cả hai cùng tình nguyện ra công tác tại Trường Sa. Thắng nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử còn Nam được điều đến đảo Nam Yết nhưng tình bạn của hai người không vì thế mà gián đoạn. Rồi tình cờ hai người đều được đơn vị cử đi học quản lý tại Học viện Tài chính, tình bạn đã thân lại càng thân hơn. Trở lại Trường Sa, Ngô Quyết Thắng nhận công tác trên đảo chìm Đá Tây A. Ngày 28/4/2014, Thắng mất vì một cơn đột quỵ trong khi làm nhiệm vụ. Từ ngày Thắng mất, mỗi chuyến công tác ngang qua Trường Sa Đông, Nam đều xin thủ trưởng lên đảo thắp hương viếng mộ bạn. Viếng bạn, ngoài hoa tươi, Nam còn mua cho bạn gói bánh đậu xanh, đặc sản Hải Dương - quê Thắng. Cũng từ ngày bạn mất, mỗi dịp đi công tác miền Bắc, Nam đều tới thăm bố mẹ Thắng, mà trong thâm tâm cũng đã coi như bố mẹ mình.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông cùng nhau tham gia các hoạt động thể thao, giải trí.

Trên đảo Trường Sa Đông, ghi dấu ấn đậm nét trong tôi không chỉ có những chiếc lá mồng tơi to đầy sức sống, câu chuyện nghĩa tình đồng đội đầy cảm động mà còn có điều kỳ diệu mang tên "máy lọc nước". Trên hầu hết các đảo nổi, đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, nước ngọt cực kỳ khan hiếm, chủ yếu tích trữ từ "giếng trời". Nước ngọt ở trên đảo vì thế vẫn được ví như vàng. Nhưng máy lọc nước được lắp đặt ở đảo Trường Sa Đông đã làm được điều kỳ diệu, đó là biến nước biển thành nước ngọt, góp phần nâng cao đời sống, năng lực công tác của cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

(Còn nữa)

Đào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày