Thứ 5, 22/05/2025, 05:39[GMT+7]

Người Thái Bình trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/14

Thứ 2, 09/05/2016 | 18:19:38
1,920 lượt xem
Trong chuyến hành trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 lần này, Ðoàn công tác của tỉnh được gặp và trò chuyện với nhiều người quê ở Thái Bình đang làm nhiệm vụ trên đảo. Ðiều cảm nhận đầu tiên là ai cũng mạnh khỏe, dù trên cương vị công tác nào cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.

Trao ấn phẩm Báo Thái Bình tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

 

Trên con tàu quân y mang số hiệu 561 đưa Đoàn công tác ra thăm các đảo có nhiều người quê Thái Bình, trong đó có những người mà Báo Thái Bình đã giới thiệu trong loạt bài “Trường Sa - không xa” của tác giả Đào Quyên trong chuyến công tác đầu năm 2016 đưa quà từ đất liền ra đảo phục vụ các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) chuẩn bị đón tết Nguyên đán Bính Thân. Cũng từ con tàu 561 này, chúng tôi đã được thông tin thêm về những người con của quê lúa đang công tác trên các đảo.

 

 

Binh nhất Phan Đức Việt.

 

Đảo đầu tiên mà Đoàn công tác đến thăm là đảo Đá Lát. Người Thái Bình đầu tiên mà chúng tôi được gặp là binh nhất Phan Đức Việt, quê xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy khi anh đang làm nhiệm vụ. Việt mới nhập ngũ và ra làm nhiệm vụ tại đảo Đá Lát được vài tháng. Khi được chỉ huy đảo cho phép tiếp xúc với giới báo chí, Việt hết sức bỡ ngỡ. Là cử tri lần đầu tiên được đi bầu cử, lại bầu cử ở nơi đặc biệt - sớm hơn 7 ngày so với cả nước song Việt cho biết đã được chỉ huy đơn vị quán triệt, phổ biến các Luật liên quan đến công tác bầu cử; xác định quyền và nghĩa vụ của cử tri, Việt cùng anh em trong đơn vị sẽ lựa chọn để bầu được người xứng đáng tham gia vào HĐND huyện đảo Trường Sa.

 

 

Đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân.

 

Tại quần đảo Trường Sa chiều ngày 29/4/2016, nhân kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng đảo Trường Sa (29/4/2016) và 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá Ngô Duy Đỗ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đã giành cho cánh phóng viên chúng tôi chút thời gian ngắn ngủi, nhưng hết sức thân tình. Sau khi đón nhận những ấn phẩm Báo Thái Bình của đồng chí Phó Tổng Biên tập Báo trao tặng, trong đó có 14 kỳ báo viết về các CBCS đang công tác trên quần đảo Trường Sa thời gian qua, anh cho biết đảo Trường Sa lớn có vị trí rất quan trọng. Không chỉ quan tâm đến các hoạt động của mình trên đảo, mà CBCS đảo Trường Sa còn hỗ trợ nước ngọt, khám chữa bệnh cho ngư dân, cứu chữa nhiều ca bệnh phức tạp ngay trên đảo. Quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, đơn vị luôn ngày đêm canh giữ vững chắc; Các thông tin về ứng cứu được Hải quân hỗ trợ kịp thời, bảo đảm cho ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản.

 

 

Thượng úy Đặng Đình Sáng.

 

Còn Thượng úy Đặng Đình Sáng, quê xã Thụy Liên, Thái Thụy - bếp trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết: Do thời tiết khắc nghiệt, nước ngọt thiếu nên việc tăng gia sản xuất của đơn vị gặp không ít khó khăn. Các anh đã trồng các loại rau như mồng tơi, rau muống, rau cải, rau dền, mướp, bầu, bí; tổ chức nuôi gà, ngan, vịt, lợn… trong trang trại tập trung của đơn vị để cải thiện thêm… Khi có người cùng quê ra thăm đảo cũng có lúc nhớ nhà song vì nhiệm vụ được giao các anh hứa yên tâm công tác, làm tròn nhiệm vụ được giao; gia đình và quê hương cứ yên tâm sản xuất, công tác, học tập.

 

Vui cùng lính đảo An Bang.

 

 

Thượng úy Trịnh Thế Dược.

 

Thượng úy Trịnh Thế Dược, quê xã Trà Giang, Kiến Xương - đội phó đội bảo đảm kỹ thuật sư 370 phòng không không quân làm nhiệm vụ quản lý bay, bảo đảm an toàn bay trong đội hình chiến đấu của Lữ đoàn 146 Hải quân; cùng anh em luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, xác định quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển đảo, vùng trời của Tổ quốc.

 

 

Thượng tá Phạm Văn Thường.

 

Thượng tá Phạm Văn Thường, quê xã Hồng Việt, Đông Hưng - chính trị viên đảo Phan Vinh: Luôn duy trì đảo xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đảo đã tập trung chỉ đạo, tổ chức học tập Luật Bầu cử cho CBCS, niêm yết danh sách cử tri, làm mọi công việc liên quan để công tác bầu cử ở đảo đúng luật. Đón Đoàn công tác của tỉnh ra thăm đảo, anh nhắn gửi mẹ và mọi người ở đất liền yên tâm, chúng con luôn đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

 

Binh nhất Bùi Văn Hoàng.

 

Còn binh nhất Bùi Văn Hoàng, quê xã Thụy Hà, Thái Thụy đang làm nhiệm vụ trên đảo Phan Vinh: Được xem biểu diễn văn nghệ thấy nhớ nhà, nhớ quê hương, song bản thân xin hứa càng nâng cao hơn tinh thần, trách nhiệm trong công tác.

 

 

Thiếu tá Phạm Quốc Tuấn.

 

Thiếu tá Phạm Quốc Tuấn, quê ở thị trấn Quỳnh Côi, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ một đảo chìm nằm rất xa so với đất liền: Đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cao; chú trọng  tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống cho CBCS đang công tác tại đảo. Và hôm nay đảo lại được xây dựng công trình văn hóa đa năng, sẽ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CBCS trong thời gian tới.

 

 

Trung úy Phạm Văn Phi.

 

Trung úy Phạm Văn Phi, nhân viên thông tin đảo Thuyền Chài - quê xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy, ra đảo công tác được 6 tháng, anh cho biết: Trên đảo được chia làm hai mùa rõ rệt, điều kiện khó khăn, phải lựa theo chiều gió để bố trí công việc cho phù hợp. Công tác bầu cử ở đảo đã sẵn sàng.

 

 

Đại úy Phạm Văn Thạo.

 

Đại úy Phạm Văn Thạo, Phó Chỉ huy trưởng đảo An Bang, quê xã An Vinh, Quỳnh Phụ: Đảo đã chủ động được việc tích trữ nước mưa. Đảo hay gặp sóng to, gió lớn, anh đã cùng anh em nghiên cứu địa hình, luồng lạch ra vào, làm ghế để bước từ xuồng xuống mà không phải lội nước như trước đây. Trên đảo An Bang có 6 người quê Thái Bình, trong đó thượng úy Nguyễn Phú Tế là nhân viên báo vụ tại đảo, hồi cuối tháng 3/2016, bố anh 85 tuổi ở quê mất đột ngột mà anh không thể về chịu tang cha được; anh em trên đảo đến phúng viếng như phong tục địa phương, thật cảm động. Sau đó anh vẫn yên tâm công tác tại đảo.

 

 

Đại úy Trần Huy Phụng.

 

Đại úy Trần Huy Phụng, quê xã Trà Giang, Kiến Xương - chính trị viên đảo Tốc Tan A: Được đón Đoàn công tác của tỉnh ra thăm đảo trong anh cảm xúc dâng trào, đó là nguồn cổ vũ, động viên lớn giúp CBCS trên đảo ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

 

Thượng úy Phạm Văn Thái.

 

Tại nhà giàn DK1/14 thuộc Lữ đoàn 171, vùng 2 Hải quân, có thượng úy Phạm Văn Thái, (quê xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) là nhân viên thông tin: Dù còn có những khó khăn, thiếu thốn song anh em trên nhà giàn vẫn yên tâm công tác, góp phần bảo đảm vững chắc vùng biển đảo của quê hương.

 

Trên đây mới chỉ là số ít trong số những CBCS quê ở Thái Bình đang ngày đêm làm nhiệm vụ thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/14 mà trong chuyến công tác cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua Đoàn công tác của tỉnh được tiếp xúc. Vì khuôn khổ của tờ báo có hạn, không thể nêu hết tên CBCS mà chúng tôi đã gặp trên các đảo, điểm đảo, rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ các anh; quê hương vẫn luôn theo dõi tình hình trên biển Đông, luôn song hành cùng các anh trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin chúc các anh luôn mạnh khỏe, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc vùng lãnh thổ thiêng liêng của đất nước Việt Nam ta.

 

Lê Thanh Thưởng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày