Thứ 2, 29/07/2024, 21:18[GMT+7]

Hoàng Sa, Trường Sa: Chủ quyền của Việt Nam

Thứ 2, 30/05/2016 | 08:45:33
4,008 lượt xem
Trong hành trình đi biển đợt này với các cán bộ, chiến sĩ Hải quân và các đoàn công tác bạn, tôi đã được chứng kiến các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh gác vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, bất chợt nhớ đến một trổ hát chèo theo điệu Quân tử vu dịch trong bài hát chèo “Khúc tâm tình trên đảo” của Trịnh Trung Thông: “Đêm nay trên đảo, anh đang đứng gác, nghe sóng reo vui, dào dạt trong lòng, mà như có nghĩa tình thôn xóm, đẹp ngàn sao sáng, bao đêm trắng thức cùng anh canh giữ

Theo Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Trường Ðại học Quốc gia Hà Nội thì - kể từ thời Hùng Vương lãnh thổ nước Việt Nam ta đã được các sự kiện ghi lại khá rõ ràng.

Ở thời kỳ dựng nước có 3 nền văn hóa chứng minh rất rõ điều đó, đó là Văn hóa Ðông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa tiền Óc eo và Óc eo ở Nam Bộ.

Văn hóa Ðông Sơn hội được các nền văn hóa khu vực phía Bắc. Thời sơ kỳ, nhà nước Văn Lang là trung tâm, là sự kết hợp hài hòa nguồn lực nội địa - biển, trong đó yếu tố biển được biểu hiện rất rõ, thể hiện trên trống đồng là hình chiếc thuyền, mái nhà hình thuyền, cư dân biển… Khi trở về với tổ tiên thì quan tài có hình thuyền, đồ vật có hình thuyền… tất cả đã xây dựng nên nhà nước Văn Lang hùng mạnh.

Nhà giàn DK1-14.

Văn hóa Sa Huỳnh - khu vực miền Trung: biển ăn sâu vào đất liền, núi đua ra biển nên đồng bằng rất ít, do đó cư dân nơi đây lấy biển hành nghề để sinh sống, tồn tại. Họ mở rộng ra giữa Biển Ðông, như đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa… Chúng ta đã tìm được nhiều dấu tích của tổ tiên ta còn để lại khoảng 3.000 năm ở Quảng Ngãi, như hiện vật khuyên tai đầu thú mà chủ nhân là người Sa Huỳnh của Việt Nam. Nhà nước ChămPa đã được thế giới khẳng định là chủ Biển Ðông.

Trên nền văn hóa tiền Óc eo và Óc eo ở Nam Bộ, được nuôi dưỡng bởi phù sa sông Hậu thì Hà Tiên là điểm đón các tàu thuyền qua lại, là trung tâm trao đổi của thế giới đông - tây; Óc eo là cảng quốc tế, là trung tâm mua bán gạo lớn của thế giới. Dấu ấn là các dấu tích còn để lại, như Huân chương, đồng tiền… Văn hóa Óc eo là thành tựu, vương quốc Phù Nam ra đời (sau là đế quốc Phù Nam), phát triển nội địa và ngoại nhập bằng đường biển.

Ðoàn đại biểu tỉnh ta gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa.

Rồi đến thời Lý - Lý Anh Tông có chiến lược khai thác biển rất rõ. Thời nhà Trần, do biết khai phá sông biển, khoét sâu vào sở đoản của giặc, kéo chúng ra biển, nên đã làm nên chiến thắng 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông khi chúng đang "làm cỏ" thế giới. Thời Lê cũng giành thắng lợi nhờ Nam tiến, là giai đoạn phát triển mới của Lê Thánh Tông qua đường biển. Thời nhà Mạc cũng biết khai thác thế mạnh từ biển.

Nhà nước phong kiến Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, trải qua 3 triều đại khác nhau đều thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ quốc gia nào trong khu vực có được. Nhà nước Ðại Việt thời chúa Nguyễn: Theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho lập ra đội Hoàng Sa, về sau lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản - một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình đang làm nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan A, B,C.

Ðến thời Tây Sơn, năm 1786, hoàng đế Nguyễn Nhạc đã ra quyết định sai phái Hội Ðức hầu, cai đội Hoàng Sa chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Ðại Mạo, Hai Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trên Biển Ðông. Tháng 7 năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa, lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa (theo Ðại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12). Tháng giêng năm Ất Hợi (1815), vua Gia Long quyết định: "sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình..." (Ðại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 50, tờ 6a). Ðến đời vua Minh Mạng đẩy mạnh hơn nữa, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tàu thuyền ra vào biển, việc đo đạc thủy triều chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện. Năm 1833, 1834, 1836, Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền; đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ... mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, "Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc...". Như vậy, suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như: tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp... hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước.

Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng để chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ, khi là trấn: "Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa" (toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư); " Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh" (phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 30/3/1938, vua Bảo Ðại ký Dụ số 10 sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên thay vì Nam Ngãi trước đây.

Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Ðông Dương Jules Brevie ký Nghị định 156-S-V thành lập đơn vị hành chính cho quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 14/10/1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Ðại.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Ðiều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi (Ðiều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam. Tháng 4/1956 khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Ðông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam - về sau là Việt Nam Cộng hòa đã ra tiếp quản nhóm phía Tây đảo Hoàng Sa. Ngày 13/7/1961 Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 21/10/1969 bằng Nghị định số 709-BNV-HCÐP-26 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Ðịnh Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 11/12/1982, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định số 194-HÐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng. Ngày 1/1/1997, Ðà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Ðà Nẵng.

Ðồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh gặp gỡ thiếu tá Phạm Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ, quê thị trấn Quỳnh Côi.

Ngày 21/12/1933, Thống đốc Nam kỳ J.Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 20/10/1956, bằng sắc lệnh số 143/VN, Việt Nam Cộng hòa đã đặt quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Phước Tuy. Năm 1973 được sáp nhập vào xã Phước Hải, quận Ðất Ðỏ, tỉnh Phước Tuy. Ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 193-HÐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Ðồng Nai. Ngày 28/12/1982, Nghị quyết của Quốc hội khóa VII sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Khánh được tách ra thành hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Năm 1909, Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam bằng sự kiện Ðô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được chính quyền Pháp, đại diện cho nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này theo Hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884.

Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Ðông quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa dân quốc bị đuổi khỏi lục địa Hoa lục, họ phải rút quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Ðông Dương theo Hiệp định Giơ-ne-vơ và trong khi chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Ðông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.

Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Phi-lip-pin tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao và dư luận, ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa "luôn luôn là một phần của Việt Nam" và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 12/5/1977, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 28/9/1979, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách trắng: Chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 12/1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam.

Chùa Trường Sa.

Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn và một số đối tượng địa lý khác nhau. Khu vực quần đảo nằm trên một vùng biển rộng khoảng 30.000m2, chia làm hai nhóm: nhóm phía Ðông và nhóm phía Tây. Trên đảo còn có một trạm khí tượng được chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng và hoạt động từ năm 1938, đến năm 1947 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WVO) công nhận và đặt số hiệu 48860 trong mạng lưới khí tượng quốc tế. Nhiệt độ không khí ở đây thay đổi. Chế độ gió mùa phức tạp và thể hiện ảnh hưởng của địa hình lục địa Việt Nam và Trung Quốc. Hải sản ở quần đảo Hoàng Sa có nhiều loại quý, như tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, vích, ốc tai voi... và loại rau câu quý hiếm, rất có giá trị trên thị trường thế giới.

Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Ðông về phía Ðông Nam nước ta; phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Ðông giáp biển Phi-lip-pin, phía Nam giáp biển Ma-lai-xi-a, Bru-nây và In-đô-nê-xi-a. Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm. Một năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 - 20 ngày gió mạnh. Tháng 4 và 5 là ít gió nhất; từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam. Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Ðộ Dương và Ðại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Ðông với Trung Quốc, Nhật bản, các nước Ðông Nam Á và Ðông Bắc Á - một tuyến huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Ðịa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 - 300 tàu biển các loại đi qua Biển Ðông, trong đó có 15 - 20% tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có cư dân sinh sống, có đèn biển và luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh giông bão. Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao. Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực, dự kiến khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Ðông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó Biển Ðông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò to lớn trong thương mại quốc tế.

Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Ðông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài.

Hôm nay hành trình trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, càng trân trọng và biết ơn các thế hệ cha ông đã xây đắp nên lãnh thổ Việt Nam. Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) đã nói: "Biển Ðông vạn dặm giang tay giữ, đất Việt muôn năm vững trị bình". Trong lần thứ hai đến thăm Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 15/3/1961, Bác Hồ đã căn dặn: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Và lúc này, câu hát chèo: "...Giữ cho biển đẹp câu hò, thuyền ai no gió, cá về đầy khoang" cứ văng vẳng bên tai tôi.

Thanh Thưởng

  • Từ khóa