Thứ 2, 06/01/2025, 18:52[GMT+7]

Mùa huấn luyện dân quân tự vệ huyện Thái Thụy Trên hết vẫn là trách nhiệm

Thứ 4, 30/03/2011 | 07:37:57
2,293 lượt xem
Mới sáng sớm tinh mơ, anh Nguyễn Đức Thanh – xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, đã áo mũ chỉnh tề. Trong trang phục màu xanh truyền thống của chiến sỹ dân quân, anh như trẻ ra mấy tuổi. Tiễn chồng ra cửa, vợ anh chị Phạm Thị Năm dặn dò: “Bố thằng tẹo hôm nay đi huấn luyện dân quân tập trung phải nhớ ăn uống đầy đủ đấy nhé, quần áo nếu bẩn cứ để đấy em giặt cho...”. Nói rồi chị khẽ đấm vào lưng anh một cái. Ánh cười hiền dắt xe ra cửa. Cùng lúc, chiếc đồng hồ trong nhà điểm 6 tiếng chuông.

Dân quân 34 đầu mối của huyện Quỳnh Phụ luyện tập võ thuật.

Anh Nguyễn Đức Thanh là một trong 60 chiến sỹ dân quân thuộc 34 đầu mối đơn vị của huyện Quỳnh Phụ hôm nay tham gia huấn luyện dân quân trinh sát tập trung. Không ồn ào băng cờ khẩu hiệu. Không quản ngại thời tiết nồm ẩm khó chịu. Chỉ có tình yêu quê hương, lòng nhiệt tình và tinh thần học hỏi đang dâng lên thành cao trào khi các chiến sỹ dân quân trinh sát làm quen với những thế tấn công, phòng thủ đầu tiên.

Cách đó chừng 5 km, anh chị em dân quân xã An Vũ cũng có quyết tâm rất cao. Những bài học về tháo lắp binh khí, ném lựu đạn xa trúng đích, 5 kỹ thuật băng bó cứu thương... được anh chị em dân quân thay nhau luyện tập. Mặc dù đã nắm chắc lý thuyết, đã vững về thực hành, nhưng trong giờ học tập chúng tôi cảm nhận được rất rõ ý thức trách nhiệm và tinh thần ham học hỏi của từng người.

Phút giải lao hiếm hoi tôi được hòa mình trong những câu chuyện thôn quê, nhưng có lẽ rôm rả nhất vẫn là chuyện “cơm áo gạo tiền” của các chị em dân quân. Chị Nguyễn Thị Liên – chiến sỹ dân quân năm thứ 2 thôn Vọng Lỗ xã An Vũ hiện đang làm việc tại Công ty Shengly (Cầu Nghìn) nói vui, vì trách nhiệm với quê hương, vì màu cờ sắc áo của địa phương nên tôi xin phép công ty cho nghỉ một tuần để tham gia huấn luyện, chứ mỗi một ngày luyện tập thế này địa phương trợ cấp cho chúng tôi có 58 nghìn đồng, chỉ bằng một phần ba so với lương của nhà máy thôi.

Vẫn biết rằng những năm qua, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở và trong đó phải kể đến tinh thần trách nhiệm của các chiến sỹ dân quân tự vệ nên Quỳnh Phụ luôn là địa phương đi đầu của cả tỉnh về công tác quốc phòng địa phương nói chung, công tác huấn luyện dân quân tự vệ nói riêng.

Nhưng tôi vẫn đem câu chuyện nghe được trao đổi với thượng tá Nguyễn Văn Đỗ - Chỉ huy trưởng và thượng tá Đặng Anh Thơ – Chính trị viên Ban CHQS huyện và được các anh cho biết: Luật DQTV vừa mới ban hành quy định, trợ cấp ngày công lao động cho dân quân tự vệ là 58.400 đồng/ người/ ngày. Có thể đặt phép tính thử như sau, nếu một xã 8 nghìn dân thì quân số tham gia huấn luyện khoảng 75 người. Thời gian huấn luyện dài nhất là 15 ngày, ngắn nhất là 10 ngày,  Sơ sơ vậy thôi địa phương cũng phải chi trả riêng cho công tác huấn luyện khoảng 45 triệu đồng. Trong khi đó ngân sách địa phương và quỹ quốc phòng một năm xã nào cao nhất mới được 20 triệu. Như vậy mới chỉ đáp ứng được 1/2 kinh phí cho công tác huấn luyện. Cũng phải kể thêm rằng, ngân sách quốc phòng địa phương không chỉ riêng có huấn luyện, mà bao gồm các hoạt động khác như tuyển quân, hội thi, hội thao và công tác chính sách hậu phương quân đội..vv...

Tìm hiểu thêm về công tác này tôi được biết, dẫu gặp nhiều khó khăn, song Ban CHQS huyện luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bàn các giải pháp tháo gỡ. Công tác huấn luyện được vận dụng linh hoạt. Vào mùa huấn luyện, cán bộ Ban CHQS huyện có mặt 24/24 giờ tại cơ sở để kiểm tra, đôn đốc các đầu mối đơn vị. Sau mỗi ngày huấn luyện, cán bộ Ban CHQS sẽ lập biên bản ghi rõ nội dung, thời gian, quân số, vũ khí trang bị và cả tác phong của từng cán bộ chiến sỹ dân quân tự vệ khi tham gia huấn luyện. Sau đó đề nghị lãnh đạo địa phương và cán bộ ban quân sự xã ký biên bản xác nhận. Biên bản này là cơ sở để Ban CHQS sẽ tổ chức chấm điểm bình xét phong trào thi đua quyết thắng của từng địa phương vào dịp cuối năm. Do biết vận dụng sáng tạo và luôn đổi mới phương pháp làm việc nên Ban CHQS huyện đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác quân sự quốc phòng địa phương nói chung, công tác huấn luyện DQTV nói riêng.

Chia tay Quỳnh Phụ khi khói bếp đã lan tỏa sau những rặng tre làng. Một ngày thực tế kết thúc bằng cảm giác ấm áp như đang dâng lên trong lòng tôi khi nghĩ về những con người luôn nhiệt tình, trách nhiệm mà tôi đã gặp nơi đây. Tin rằng, những con người ấy đã, đang và sẽ cùng nhau xây đắp nên một quê hương Quỳnh Phụ giàu mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh.

Bài, ảnh: Thành Đô

(Bộ CHQS tỉnh Thái Bình)

  • Từ khóa