Thứ 3, 30/07/2024, 09:21[GMT+7]

Không lơ là, chủ quan với “giặc lửa”

Thứ 3, 04/10/2016 | 09:44:30
2,148 lượt xem
Những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đã xảy ra một số vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 158 vụ cháy, 10 vụ nổ làm chết 10 người, bị thương 32 người, thiệt hại về tài sản hơn 30 tỷ đồng (so với 5 năm trước, tình hình cháy, nổ gia tăng cả về số vụ và mức độ thiệt hại).

Thực hành phương án chữa cháy tại trạm điện trung gian Nguyên Xá (Đông Hưng).

 

Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ được xác định chủ yếu là do nhận thức và ý thức của một số người dân và người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn hạn chế; chủ quan, bất cẩn trong sử dụng hệ thống điện và các thiết bị tiêu thụ điện, thiết bị chứa chất nguy hiểm về cháy, nổ; công tác tự kiểm tra tại các cơ sở cũng chưa được thường xuyên, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác PCCC; vẫn còn tình trạng chưa nghiêm túc tuân thủ các quy định, quy trình bảo đảm an toàn PCCC.

 

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Hàng năm, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp có tính chất nguy hiểm về cháy, nổ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

 

Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC, 5 năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương mở 575 lớp tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC cho hơn 78.000 người tham gia và ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; hướng dẫn các cơ sở, các ngành củng cố 1.500 phương án chữa cháy tại chỗ; phối hợp với lực lượng cơ sở tổ chức thực tập 129 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với hơn 8.600 lượt người tham gia; trực tiếp hướng dẫn cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thành lập các mô hình “Cơ quan - doanh nghiệp an toàn”, “Khu dân cư an toàn” về PCCC, duy trì hoạt động hiệu quả.

 

Cùng với tăng cường tuyên truyền về PCCC, Công an tỉnh cùng lực lượng chức năng còn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra  theo chuyên ngành, chuyên đề; phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành tổng kiểm tra đối với các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. 5 năm qua, Công an tỉnh đã tham gia và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan từ tỉnh đến các huyện, thành phố thành lập 21 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại các cụm công nghiệp, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các chợ đầu mối, các cơ sở lưu trú... Chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng tổ chức kiểm tra theo chuyên ngành, chuyên đề, kiểm tra, phúc tra định kỳ tại 16.420 lượt cơ sở; kiến nghị chủ cơ sở, doanh nghiệp khắc phục kịp thời 21.086 sơ hở, thiếu sót về PCCC; cảnh cáo, khiển trách, nhắc nhở 23 trường hợp, xử phạt hành chính 177 trường hợp số tiền hơn 300 triệu đồng; đình chỉ hoạt động nhiều trường hợp cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn PCCC.

 

 

Kiểm tra thiết bị chữa cháy tại nhà máy gạch men Mikado (Khu công nghiệp Tiền Hải).

 

Là lực lượng mũi nhọn trong công tác PCCC, những năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu; tổ chức duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, xe và máy bơm chữa cháy bảo đảm sẵn sàng ứng cứu, chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại do cháy, nổ gây ra. 5 năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tham gia cứu chữa kịp thời nhiều vụ cháy, nổ, cứu được khối lượng lớn tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng; điều tra, làm rõ nguyên nhân 82% số vụ cháy, nổ, xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan, tạo sự tin tưởng trong cán bộ và nhân dân. Lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng đã phát huy tốt vai trò trong công tác PCCC tại cơ sở, tích cực tự kiểm tra công tác PCCC; chủ động tham mưu cho người đứng đầu cơ sở các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC hiệu quả, phù hợp với tình hình cơ sở. Tích cực tổ chức chữa cháy ban đầu và phối hợp với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tổ chức chữa cháy, làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. 5 năm qua, lực lượng chữa cháy cơ sở đã tự tổ chức chữa cháy 66 vụ tại cơ sở khi đám cháy vừa mới phát sinh, ngăn chặn không để phát sinh thành cháy, nổ lớn.

 

Đại tá Hoàng Đức Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: Thời điểm này bắt đầu bước vào mùa hanh khô nên tình hình cháy, nổ sẽ diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để cháy, nổ xảy ra, tổ chức chữa cháy kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp niêm yết đầy đủ nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ về cháy, nổ và có sơ đồ, đèn chiếu sáng, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn chung cho cả công trình, cho từng khu vực. Trong nhà xưởng sản xuất không được tồn chứa nhiều nguyên liệu, thành phẩm. Phải trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ theo tiêu chuẩn PCCC như: hệ thống báo cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà; bình bột, bình khí chữa cháy xách tay và loại có bánh xe… Ngoài ra, các phân xưởng sản xuất, bao gói, phân loại, bảo quản hàng hóa dễ cháy phải trang bị tối thiểu 500m2 sàn có một thùng phuy đựng nước loại 200 - 500 lít và hai xô múc nước chữa cháy. Định kỳ hàng tháng phải kiểm tra chất lượng và khả năng hoạt động của hệ thống, phương tiện PCCC; hàng năm phải bảo dưỡng toàn bộ hệ thống, phương tiện PCCC theo quy định để bảo đảm chất lượng, thường trực sẵn sàng chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. Bố trí đủ nguồn nước dự trữ chữa cháy và có đường cho xe ô tô chữa cháy vào lấy nước. Trong kho chứa hàng hóa không sử dụng vật liệu dễ cháy như nhựa, xốp làm mái, trần nhà, vách ngăn; trong kho phải sắp xếp hàng hóa theo đúng quy định về an toàn PCCC theo từng lô, từng ô để dễ kiểm tra và thuận tiện cho việc di chuyển khi có cháy xảy ra.

 

 

Ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Gạch men sứ Long Hầu

 

Là đơn vị sử dụng nhiều nguyên liệu dễ cháy, nổ như khí, gas, than, do đó bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là phòng, chống cháy, nổ là nhiệm vụ rất quan trọng. Để chủ động làm tốt công tác PCCC, Công ty đã đầu tư mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC tại các kho, cơ sở sản xuất; phát động toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động có ý thức phòng ngừa và chủ động làm tốt công tác PCCC. Bên cạnh đó, Công ty còn thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra dụng cụ, phương tiện PCCC; bố trí lực lượng thường trực, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi tình huống xấu xảy ra.

 

Thiếu tá Phạm Duy Diên, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh)

 

Khu công nghiệp là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp với số lượng lao động lên đến hàng nghìn người nên công tác PCCC luôn được chú trọng hàng đầu, đặc biệt là vào mùa nắng nóng, hanh khô. Hàng năm, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác PCCC tại các doanh nghiệp. Qua mỗi đợt kiểm tra, chúng tôi luôn nhắc nhở các doanh nghiệp phải chú trọng công tác PCCC với phương châm phòng hơn chống; trang bị đầy đủ trang thiết bị và hệ thống chữa cháy tại chỗ; thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng phó và xử lý các tình huống cho người lao động để nếu có cháy, nổ xảy ra thì bản thân doanh nghiệp chủ động chữa cháy, cứu hộ trước mắt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

 

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa