Chủ nhật, 28/07/2024, 11:34[GMT+7]

Cảnh sát đường thủy - Công an Thái Bình Xử lý triệt để sai phạm đường thủy nội địa 

Thứ 6, 26/08/2011 | 09:13:27
2,563 lượt xem
Xác định công tác bảo đảm TTATGT đường thủy là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông và công tác tuyên truyền phải “đi trước một bước”; Phòng PC68 đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức thực hiện thường xuyên và liên tục công tác thanh tra kiểm sát.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa ở Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Lê Sơn (TTX)

Thực trạng giao thông đường thủy

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 1700 phương tiện tham gia giao thông đường thủy các loại, trong đó có hàng trăm bến khách ngang sông với gần 120 phương tiện chở khách và 415 bến bãi kinh doanh ven sông trên 254km ở các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý và sông Hóa.

Giao thông đường thủy phải chịu nhiều tác động từ tự nhiên như thời tiết, khí hậu, thủy triều, lũ lụt, mưa bão… Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định và mức độ ATGT của tuyến luồng, phương tiện. Thêm vào đó là tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, cùng với các phương tiện thô sơ, không  đăng ký đăng kiểm kỹ thuật, an toàn, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, bến bãi kinh doanh ven sông không có giấy phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đã làm cho vấn đề giao thông đường thủy ngày càng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn GTĐT nội địa.

Đồng chí Đại tá Đặng Ngọc Thức  Phó trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (PC68)cho biết “Trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát đen trên địa bàn tỉnh Thái Bình diễn biến hết sức phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường thủy, nhất là vào mùa mưa bão”. Chỉ tính hơn 1 tháng ra quân mở đợt cao điểm thanh tra kiểm sát, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã xử lý trên 60 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 400 triệu đồng.

Một nguyên nhân chủ quan nữa làm cho giao thông đường thủy tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, đó là tình trạng vi phạm về tải trọng tại một số bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tập trung ở những bến thường xuyên có mật độ người và phương tiện qua lại đông.

Theo quan sát của chúng tôi ở Bến khách An Khê trên tuyến sông Luộc, thuộc xã An Khê, huyện Quỳnh phụ, tiếp giáp với địa phận thị trấn Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thường xuyên diễn ra tình trạng vi phạm về trọng tải. Được biết, giấy phép đăng kiểm phương tiện chở khách tại đây chỉ được phép chở 40 người và 12 tấn hàng. Mặc khác, phà chở người, hàng hóa ở đây là phà mi ni được thiết kế máy đẩy trên phương tiện, có một cửa lên xuống, vì vậy phương tiện này không được phép chở phương tiện cơ giới đường bộ loại 4 bánh. Thế nhưng chủ phương tiện của bến khách này vẫn tự ý chở ô tô cùng với người và hàng hóa qua sông.

Qua điều tra chúng tôi được biết lực lượng CSGT đường thủy đã nhiều lần nhắc nhở, giáo dục thậm chí lập biên bản xử lý phạt với mức cao, song vì lợi nhuận, chủ phương tiện này vẫn tái vi phạm nghiêm trọng qui định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nói trên.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng trên Đại tá Đặng Ngọc Thức cho biết từ đầu năm tới nay lực lượng cảnh sát đường thủy đã phát hiện, xử lý trên 50 trường hợp vi phạm về chở quá số người và hàng hóa so với quy định. Thái độ xử lý của cảnh sát đường thủy “Đối với các trường hợp tái vi phạm, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc theo Nghị định 09 của Chính phủ, hoặc tạm giữ phương tiện. Những phương tiện không có đầy đủ các giấy tờ theo đúng quy định của luật giao thông đường thủy thì chúng tôi kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phương tiện, hóa giá, xung quỹ Nhà nước. Như vậy sẽ góp phần giải quyết cơ bản và triệt để tình trạng trên.”

Thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt

Xác định công tác bảo đảm TTATGT đường thủy là trách nhiệm của toàn xã hội, của chính quyền các cấp, của các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc trực tiếp tham gia giao thông và công tác tuyên truyền phải “đi trước một bước”.

Do đó Phòng PC68 đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật giao thông đường thủy nội địa với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Đã mở 3 lớp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện luật giao thông đường thủy nội địa cho Chủ tịch xã, trưởng Công an 85 xã, thị trấn, trên 50 chủ bến khách ngang sông và gần 200 chủ bến, bãi kinh doanh ven sông ở các huyện Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Kiến Xương và Đông Hưng. Đồng thời hướng dẫn 1335 lượt hộ kinh doanh bến bãi, 857 lượt chủ bến khách ngang sông và trên 2000 lượt chủ phương tiện thủy ký cam kết thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, phòng PC68 cũng tập trung lực lượng, phương tiện tổ chức thực hiện thường xuyên và liên tục công tác thanh tra kiểm sát. Theo Đại tá Nguyễn Xuân Cẩn, Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Thái Bình, từ đầu năm tới nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã mở nhiều đợt kiểm tra an toàn các bến khách với hàng trăm phương tiện chở khách ngang sông, kiểm tra đột xuất trên 300 lượt phương tiện. Qua đó đã phát hiện, xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy, phạt tiền gần 700 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của 3 bến thuộc các tuyến sông nội đồng…

Đại tá Nguyễn Xuân Cẩn cũng nhấn mạnh “việc kiểm tra và xử lý vi phạm đã và đang được chúng tôi thực hiện một cách quyết liệt và triệt để. Đồng thời chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp mạnh có tính răn đe, giáo dục, đặc biệt là đối với những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông thủy, không để trường hợp đáng tiếc xảy ra…”

Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tình hình an toàn giao thông đường thủy nội địa ở Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh không có trường hợp nào về tai nạn giao thông đường thủy. Tình hình trật tự xã hội trên đường thủy nội địa được đảm bảo tốt, không có các vụ trọng án hay các loại tội phạm về cướp, cưỡng đoạt và trộm cắp tài sản lớn./

Nguyễn Dung

(Công an Thái Bình)
 

  • Từ khóa