Chủ nhật, 28/07/2024, 01:31[GMT+7]

Tiền Hải và nỗi lo thiếu quân

Thứ 6, 16/12/2011 | 10:35:57
1,941 lượt xem
Đã gần kết thúc khám tuyển nghĩa vụ quân sự mà tỷ lệ thanh niên của huyện Tiền Hải lên trạm mới chỉ đạt khoảng 50% so với chỉ tiêu được giao.

Thực trạng qua 2 ngày khám tuyển tập trung
Cơn mưa mùa đông sụt sùi kéo theo cái lạnh thấu xương làm cho khung cảnh làng quê thêm vắng lặng. Ngồi lặng lẽ trong căn phòng nhỏ cuối cùng của hành lang, Thượng tá Đinh Hoàng Hải – Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tiền Hải nói nhỏ với tôi. Đấy chú xem, khám tuyển nghĩa vụ quân sự đã sang ngày thứ 2 rồi mà thanh niên các địa phương trong diện nhập ngũ vẫn chưa lên trạm đầy đủ. Chúng tôi đã xuống lệnh điều khám tại xã gần 1 nghìn 300 thanh niên mà số lên trạm chỉ được có 506. Trong số 506 thanh niên khám tại xã ấy thì chỉ có 429 thanh niên đủ điều kiện khám tuyển tại huyện. Nói rồi anh đưa cho tôi bản danh sách các nam công dân trong độ tuổi các địa phương trong huyện, lướt nhanh một dạo thì thấy tỷ lệ xã có thanh niên lên trạm dưới 30% là 15 xã như Phương Công, Bắc Hải, Nam Thanh, An Ninh… Sỗ xã dưới 50% là 12 xã, còn số xã đạt được xấp xỉ 70% chỉ có 2 xã là Đông Phong và Đông Long.

Trò truyện một hồi, anh dẫn chúng tôi đi thăm quan một lượt các phòng khám. Vì không có thanh niên đến khám tuyển nên các bác sĩ trong đoàn khám người thì nói chuyện điện thoại, người tranh thủ ghi chép nhật trình chuyên môn được đảm nhiệm. Họa lắm, mới có một vài thanh niên được xã đội trưởng đưa lên trạm.

Điều dưỡng viên Cao Thị Giang – Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải than thở: Khổ lắm anh ạ, các thanh niên khi lên khám tuyển người thì uống rượu, bia, người thì uống các loại chất kích thích khác như cố tình làm sai lệch kết quả khám. Chúng em phải trao đổi với trưởng đoàn khám và cán bộ Ban CHQS huyện có biện pháp xử lý và kiên quyết giữ các thanh niên đến khi hết hơi rượu, hơi thuốc mới cho vào khám, như vậy mới bảo đảm được kết quả chính xác.

Ông Nguyễn Văn Hán – Trưởng đoàn khám số 2 huyện Tiền Hải cũng khẳng định, tỷ lệ thanh niên lên trạm khám tuyển thấp hơn so với mọi năm, số được sức khỏe cũng không khá hơn là bao. Còn ông Tô Xuân Thức – Phó Chủ tịch UBND huyện thì nói vui rằng “Nhìn vào khu vực khám tập trung của huyện chỉ thấy cán bộ Ban CHQS huyện, các thành viên trong đoàn khám và cấp ủy, chính quyền địa phương. Số này còn đông hơn thanh niên đến khám tuyển”.

Nhiệm vụ không chỉ của ngành quân sự
Nhớ lại mùa tuyển quân năm 2009, khi ấy, huyện được giao chỉ tiêu là 415 thanh niên. Đã điều khám 1.600 thanh niên. Được sức khỏe và xuống lệnh gọi nhập ngũ là 840, nhưng đến khi giao quân vẫn thiếu 4 thanh niên vì các lý do khác nhau. Cũng may, Ban CHQS huyện đã dự phòng và đã giao đủ số quân theo quy định. Còn năm nay, chỉ tiêu của huyện là 430 thanh niên. So sánh với số thanh niên được sức khỏe của năm nay và năm 2009 thì nguy cơ thiếu quân là rất có thể xảy ra.

Trở lại với những khó khăn đang hiện hữu trước mắt, Thượng tá Trương Công Trường – Chính trị viên Ban CHQS Tiền Hải lắc đầu ngao ngán: Ngay sau giao quân năm 2011, chúng tôi đã nhìn thấy một loạt những khó khăn nên từ rất sớm đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện kịp thời có các giải pháp tháo gỡ. Theo đó, chúng tôi đã phối kết hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tổ chức thực hiện quy trình các bước tuyển chọn, đặc biệt là bước tổ chức sơ, khám tuyển sức khoẻ. Cơ quan quân sự đã gắn trách nhiệm của cán bộ làm công tác thâm nhập làm tiêu chí để bình xét cán bộ cuối năm.

Đặc biệt, trước khi cử cán bộ về cơ sở, Ban CHQS huyện đã tổ chức tập huấn một cách bài bản, qua đó giúp cán bộ hiểu sâu thêm về cách thức tiến hành thâm nhập, hiểu thêm về những chính sách mới đối với quân nhân tại ngũ để tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân và con em trong độ tuổi hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau mỗi ngày trực tiếp thâm nhập, từng cán bộ đều phản ánh, liên lạc thông qua chuyên môn, báo cáo kịp thời cho chỉ huy nắm bắt và giải quyết ngay những vấn đề khó khăn phát sinh chứ không để tồn đọng.

Ông Ngô Xuân Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn này. Cũng theo lời ông Chiến, từ nay đến tết, huyện vẫn sẽ duy trì đoàn khám để khám vét số thanh niên đi làm ăn xa về sau. Ngoài ra, huyện cũng sẽ trích kinh phí và trực tiếp trao thưởng cho địa phương nào hoàn thành và vượt chỉ tiêu giao quân. Riêng đối với các đơn vị không hoàn thành, không những không được tham gia bình xét khen thưởng mà đ/c chủ tịch và bí thư địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện.

Nghị quyết và chỉ thị là vậy, song qua thâm nhập cơ sở, chúng tôi thấy nhiều địa phương trong huyện chưa thực sự vào cuộc, chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyển quân. “Trên không tùng, dưới làm sao cắc?!” người đứng đầu chẳng có động thái thì các ban, ngành, đoàn thể dưới quyền của mình không làm tốt chức năng là điều dễ hiểu. Địa phương thiếu quân thì đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho Luật Nghĩa vụ quân sự chậm đổi mới.

Vì vậy, để làm tốt công tác tuyển giao quân, ngay từ bây giờ cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần vào cuộc một cách tích cực. Song song với đó cần làm tốt hơn nữa, sâu và rộng hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi thanh niên hiểu biết, nắm bắt được quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có như vậy, Tiền Hải mới mong giải được bài toán tuyển quân năm 2012. Và cũng hy vọng rằng sẽ không có tập thể hay cá nhân nào phải giải trình, phải chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, UBND huyện vì thiếu quân.

Thành Đô
(Bộ CHQS tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa