Chủ nhật, 24/11/2024, 17:57[GMT+7]

Để có những "mùa vàng” tuyển quân (Kỳ III)

Thứ 6, 28/12/2018 | 18:10:18
1,357 lượt xem
Nhiều thanh niên bị loại do sức khỏe tăng cao, nhiều thanh niên lấy lý do đi làm ăn xa không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe NVQS, một số thanh niên bị loại trả sau nhập ngũ... là những bất cập trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ ở các huyện, thành phố trong tỉnh những năm qua.

Công tác khám tuyển được thực hiện chặt chẽ, tuy nhiên vẫn có một số thanh niên không đủ tiêu chuẩn lọt vào Quân đội và bị loại trả.


Kỳ III: Bất cập trong công tác tuyển quân

Qua số liệu thống kê từ Bộ CHQS tỉnh từ năm 2016 đến năm 2018 cho thấy: số lượng thanh niên đủ điều kiện nhập ngũ đạt sức khỏe loại 1 rất thấp, chủ yếu là sức khỏe loại 2 và loại 3. Cụ thể, năm 2016, sức khỏe loại 1 có 414/2.900 tân binh, đạt 14,2% so với chỉ tiêu giao quân; năm 2017, có 318/2.650 tân binh, đạt 12%; năm 2018, có 226/2.650 tân binh, đạt 8,5%. Mặc dù theo đánh giá của các bác sĩ tham gia đoàn khám đều khẳng định, thể lực của thanh niên (chiều cao, cân nặng, vòng ngực) của thanh niên những năm gần đây đã cải thiện rất nhiều so với trước đây nhưng thanh niên bị loại do mắc tật khúc xạ, tim mạch tăng đột biến.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế, thành viên Hội đồng NVQS tỉnh cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ thanh niên bị loại sức khỏe là do môi trường sống hiện nay, chế độ ăn uống không bảo đảm, sử dụng chất kích thích như rượu, bia, sử dụng máy vi tính, điện thoại… Về nguyên nhân chủ quan được các đoàn khám phản ánh vẫn có trường hợp thanh niên sử dụng rượu bia, nước có ga, thậm chí là thuốc để tăng nhịp tim huyết áp nhằm trốn tránh thực hiện NVQS.

Thanh niên bị loại sức khỏe do tật khúc xạ về mắt chiếm tỷ lệ cao, nhất là đối với thành phố Thái Bình.

Năm 2019, thành phố Thái Bình là địa phương đầu tiên hoàn thành khám tuyển NVQS. Tuy nhiên, so với mọi năm, chất lượng sức khỏe thanh niên kém hơn so với năm trước, tỷ lệ thanh niên bị loại do tật khúc xạ về mắt chiếm trên 60%. Thượng tá Trần Văn Huấn, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố cho rằng: Ngoài đối tượng loại về mắt, tỷ lệ thanh niên loại về tim mạch cũng khá cao. Đối với thành phố, số lượng cao hơn so với các địa phương khác. Để bảo đảm khách quan, với những trường hợp nghi ngờ, cán bộ đoàn khám trực tiếp đưa thanh niên đến các cơ sở y tế chuyên sâu thăm khám sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng.

Cùng với nguyên nhân bệnh lý, khó khăn trong công tác vận động thanh niên đi làm ăn xa về địa phương chấp hành NVQS khiến nhiều địa phương phải "xoay sở” để bảo đảm chỉ tiêu được giao. Ông Nhâm Sĩ Tính, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đông Á (Đông Hưng) chia sẻ: Một số năm gần đây địa phương không hoàn thành chỉ tiêu giao quân do một số nguyên nhân như nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thường xin vào các công ty, xí nghiệp làm công nhân hay có việc làm ổn định ở các tỉnh, thành phố lớn; số còn lại ở địa phương rất ít, sức khỏe, trình độ không đồng đều. Khi địa phương phát lệnh gọi thì nhiều thanh niên đi làm ăn xa không về khám tuyển và sẵn sàng nộp phạt hành chính…

Các chiến sĩ mới của Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) tham gia huấn luyện nội dung võ thuật.

Theo quy định của Luật NVQS , thanh niên đạt sức khỏe từ loại 1 đến loại 3 mới đủ điều kiện xét tuyển NVQS. Tuy nhiên, theo đồng chí Giám đốc Sở Y tế: Ranh giới giữa sức khỏe loại 3 và loại 4 (không đủ điều kiện gọi nhập ngũ) rất gần, nhất là đối với một số nhóm bệnh về mắt, tim mạch, bệnh ngoại khoa. Bên cạnh đó, nguyên nhân để lọt thanh niên không đủ điều kiện sức khỏe vào quân đội là do trang thiết bị, vật tư y tế trang bị cho các đoàn khám ở một số địa phương còn thiếu, chưa đồng bộ. Một số địa phương tổ chức khám sức khỏe với thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến công tác hoàn chỉnh hồ sơ và chốt quân số. Do đó, hầu hết các địa phương trong tỉnh giao quân cho đơn vị khi phúc tra lại sức khỏe thì có một số thanh niên không bảo đảm sức khỏe phải đổi bù.

Ngoài ra, công tác chốt thực lực, xét duyệt chính trị thực hiện NVQS ở nhiều cơ sở còn sót đối tượng, chưa chặt chẽ cũng như còn để lọt thanh niên vi phạm tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nhập ngũ vào quân đội. Công tác quản lý công dân trúng tuyển ở một số địa phương chưa tốt. Nhiều địa phương chưa có biện pháp xử lý kiên quyết số công dân không chấp hành thực hiện các khâu trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Qua các năm 2016, 2017 và 2018, các địa phương có tỷ lệ thanh niên lên khám tuyển đạt thấp so với số điều khám như: Năm 2016, Vũ Thư (61%), Tiền Hải (61,4%); năm 2017, Tiền Hải (63,9%); năm 2018, Đông Hưng (48%), Hưng Hà (69,9%), Tiền Hải (71,3%), Vũ Thư (72%).

Giờ huấn luyện ngoài thao trường của chiến sĩ  mới của Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3).

Đại tá Nguyễn Huy Tuân, Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Trước đây, các đơn vị nhận quân thực hiện "3 gặp, 4 biết” nhưng từ khi thực hiện Luật NVQS (năm 2015), công tác tuyển quân được giao cho địa phương thực hiện "tròn khâu”, chỉ một số đơn vị đặc thù mới tiến hành thâm nhập trực tiếp, còn lại các đơn vị tiến hành phúc tra lại sức khỏe khi thanh niên đã nhập ngũ vào đơn vị. Do đó, khi các đơn vị nhận quân phúc tra lại sức khỏe cho thanh niên và có những trường hợp phải loại trả mà địa phương không có cơ sở để đối chiếu sai sót ở khâu nào. Riêng năm 2018, các huyện, thành phố còn 1,9% tân binh bị loại trả sau khi giao quân. Dù số lượng loại trả không nhiều nhưng điều đó phản ánh công tác khám tuyển NVQS ở cơ sở vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

Ông Đặng Văn Khương, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phú (Tiền Hải) cho rằng: Ngoài những nguyên nhân trên, việc thực hiện Luật NVQS ở cơ sở vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Đó là việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện luật còn chậm, dẫn đến các địa phương bị động, lúng túng. Ngoài ra, chế tài xử lý thanh niên vi phạm Luật NVQS còn chưa mang tính răn đe, mức xử phạt hành chính còn thấp...

(Còn nữa)
Tất Đạt