Chủ nhật, 28/07/2024, 07:25[GMT+7]

Cần lắm những chính sách mới

Thứ 5, 02/02/2012 | 14:25:49
1,890 lượt xem
Có một điều khiến tôi cứ trăn trở mãi khi được nghe những chia sẻ tâm huyết của cán bộ, sĩ quan về tổ chức thực hiện Luật Sĩ quan năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2008 tại Hội nghị tổng kết thực hiện các văn bản Luật về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Cái được thì ai cũng thấy rõ và đồng tình vì qua 12 năm thực hiện Luật đã đáp ứng yêu cầu đề ra, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ sĩ quan trong quân đội.

Kiểm tra kỹ thuật tăng thiết giáp

Nhưng nhìn chung, đa số cán bộ, sĩ quan đều nghèo, cuộc sống còn có khó khăn. Nhiều gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng nếu không có sự trợ giúp của bố mẹ thì không biết xoay sở ra sao khi mình thường xuyên vắng nhà, vợ phải thay chồng nuôi con, cáng đáng việc nhà, việc xã hội. Cuộc sống đổi thay từng giờ. Đồng lương có mức độ của cán bộ sĩ quan cũng không nằm ngoại lệ của cơn bão thị trường. Gia đình quân nhân cũng phải cân đong đo đếm từng hạt gạo, củ khoai.

Nhớ lại những lần đi cơ sở, được đến thăm nhiều gia đình sĩ quan, chứng kiến cuộc sống hạn hẹp, khó khăn mới thấy cần lắm những chính sách mới của Đảng, Nhà nước đối với các quân nhân nói chung và đội ngũ cán bộ sĩ quan nói riêng. Chị Đặng Mai Huê quê Vũ Xá (An Đồng - Quỳnh Phụ) chia sẻ: Cưới nhau được gần 1 năm, là thiếu uý sĩ quan trẻ Đỗ Xuân Diệu - chồng chị -  phải ra đảo nhận nhiệm vụ. Cũng có đôi ba lần về phép, song cũng chỉ là tranh thủ ít ngày nên niềm mong ước bấy lâu nay của vợ chồng là có được một “em bé” vẫn chưa thành hiện thực.

Chồng xa nhà nên mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào mấy sào ruộng của vợ. Cũng may trời cho sức khỏe nên cộng với tính hay lam hay làm của chị nên cũng đủ để chi tiêu. Đôi bàn tay trắng trẻo của chị sần lên do lao động vất vả. Đôi mắt long lanh mà chàng sĩ quan trẻ chết mê chết mệt ngày nào nay như trũng xuống vì những đêm dài vắng bóng chồng. Qua câu chuyện với chị Nguyễn Thị Hồi – vợ đại úy sĩ quan Đoàn Anh Thơ xóm 9 thôn Đông Thành, xã Bình Minh huyện Kiến Xương tôi được biết, mấy năm trước vì quá nhớ chồng nên chị đã khăn gói theo anh lên tận bản Lé-ma, xã Ka-lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai châu nơi anh công tác. Chị bảo ở đó cuộc sống cực khổ trăm bề nhưng chị thấy rất vui vì vợ chồng được gần nhau. Rồi một “chiến sĩ nhí” kháu khỉnh chào đời sau 2 lần hoa ban nở. Nhưng khó khăn lại thêm chồng chất những khó khăn bởi nơi núi cao, rừng sâu đến nước sinh hoạt cũng thiếu thốn nói chi đến cái ăn, cái mặc. Vì thương con nên chị đành phải tạm biệt núi rừng, tạm biêt anh trở về quê với hi vọng để sau này con cái có điều kiện học hành. Vậy mà đến nay, cậu con trai đã vào lớp 1 rồi mà mà anh vẫn chưa về. Biết làm vợ lính là phải chấp nhận hi sinh, thiếu thốn, nhưng đã mấy mùa hoa đào nở mà người vợ hết mực thuỷ chung chưa một lần được tựa vào đôi vai rắn rỏi của chồng. Mọi việc trong gia đình đều do một tay chị gách vác. Căn nhà đơn sơ của anh chị vẫn khép mình bên đại lộ tấp nập người qua lại. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn theo những dòng xoáy nghiệt ngã như vốn có.

Theo Đại tá Phạm Huy Diện – Chính ủy Trường Quân sự tỉnh, mặc dù đã được sửa đổi bổ sung hàng năm bằng các văn bản dưới Luật nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập chưa đáp ứng được đòi hỏi hiện nay. Chính vì thế không phát huy hết khả năng, năng lực, trách nhiệm, đồng thời gây ra những dư luận, tâm trạng không tốt trong đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội. Thực tế cho thấy nhiều sĩ quan chưa thực sự yên tâm công tác, chưa toàn tâm, toàn ý xây dựng quân đội; lực lượng học sinh, sinh viên tham gia học tập, rèn luyện tại các trường sĩ quan ngày một giảm. Đồng chí Chính ủy Trường Quân sự dẫn chứng, thứ nhất về vị trí vai trò của sĩ quan quân đội trong hệ thống cán bộ của Đảng, Nhà nước và đối với xã hội chưa thực hiện một cách công bằng. Cũng là LLVT nhưng chỉ huy trưởng Công an huyện thì được thăng quân hàm đại tá, còn chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện chỉ được thăng tới cấp thượng tá. Thứ hai là sĩ quan quân đội khi được xét nâng lương phải nâng 2 lần, còn công an chỉ nâng một lần. Sĩ quan quân đội được cấp chứng minh thư sĩ quan, nhưng chứng minh này không có giá trị pháp lý khi thực hiện quan hệ dân sự như vay vốn ngân hàng v.v...

Còn theo Thượng tá Phạm Hữu Bắc – Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh thì tại Điều 31 của Luật sĩ quan năm 1999 quy định: Sĩ quan được bảo đảm nhà ở, đăng ký hộ khẩu theo quy định của Chính phủ. Song thực tế hiện nay, phần lớn sĩ quan quân đội chưa được cấp đất ở và nhà ở, còn đối với tỉnh nhà lại càng khó khăn hơn. Rồi việc bố trí đào tạo, quy hoạch nguồn hiện nay trở lên bức thiết. Nhiều sĩ quan trẻ, khỏe, có trình độ, năng lực, được đào tạo cơ bản, nguyện vọng được đi học nhưng không có chức danh. Mặt khác, vấn đề quy hoạch, bồi dưỡng nguồn kế cận, kế tiếp và quá trình tổ chức thực hiện chưa chặt chẽ, chưa khoa học, còn để lãng phí nhiều tài năng. Và nguyên nhân nữa có tính then chốt của mọi vấn đề là thu nhập hiện nay của sĩ quan, chưa bảo đảm được cho cuộc sống gia đình. Xin lấy ví dụ, nếu một sĩ quan chỉ trông chờ vào đồng lương thì cả đời quân ngũ dành dụm, tiết kiệm cũng chỉ làm được ngôi nhà mái bằng bình thường, trong khi điều kiện môi trường làm việc vất vả, nặng nhọc (nhất là khi có tình huống bão lụt, chiến tranh xảy ra, thậm chí phải hi sinh đến tính mạng. Và còn rất nhiều những đề xuất với những dẫn chứng phong phú về tính bất cập cần nghiên cứu xây dựng Luật sĩ quan cho phù hợp thực tiễn với mong muốn Đảng, Nhà nước, cần cải cách chế độ tiền lương, bảo đảm nhà và môi trường làm việc cho sĩ quan. Có biện pháp đồng bộ để cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn LLVT Thái Bình nói riêng, quân đội nói chung an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

                    Thành Đô

(Bộ CHQS tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa