Chủ nhật, 28/07/2024, 07:23[GMT+7]

Kinh nghiệm đấu tranh ngăn chặn pháo ở An Đồng

Thứ 5, 16/02/2012 | 15:32:13
1,509 lượt xem
Cũng như một số địa phương khác, những năm trước đây cứ vào dịp Tết Nguyên đán tình trạng đốt pháo lại xảy ra khá phổ biến tại xã An Ðồng, nhất là các hộ có người đi làm ăn xa về. Tuy nhiên dịp Tết Nhâm Thìn năm nay nhờ có sự quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, các ngành đoàn thể và đổi mới cách thức đấu tranh ngăn chặn nên tình trạng đốt pháo, nhất là thời khắc giao thừa đã giảm cơ bản.

Có được kết quả trên trước hết là do cấp uỷ, chính quyền nơi đây đã nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chăn vi phạm về pháo theo tinh thần Nghị định 36/ CP và các văn bản cấp trên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán tại địa phương, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc kết hợp với sự giúp sức của quần chúng nhân dân, trong đó lấy lực lượng công an, quân sự làm nòng cốt.

Ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh như các xã, An Ðồng còn sao in băng đĩa chuyển cho các thôn để tuyên truyền liên tục vào mọi thời điểm trong ngày, chỉ đạo các đoàn thể chính trị- xã hội viết tin bài tuyên truyền riêng cho các đoàn viên, hội viên của đoàn thể mình. Bên cạnh đó chính quyền xã giao lực lượng công an tiến hành nắm thông tin, sàng lọc, phân loại các đối tượng và địa bàn trọng điểm từ đó lập danh sách cung cấp để lãnh đạo Ðảng uỷ, UBND xã trực tiếp liên hệ bằng điện thoại đến từng gia đình đối tượng nghi vấn để vận động, nhắc nhở.

Ðồng thời phân công cán bộ thôn trực tiếp đến gia đình từng đối tượng trong danh sách để tuyên truyền, thuyết phục họ chấp hành nghiêm quy định về việc sử dụng pháo và tự nguyện giao nộp số pháo đang tàng trữ trái phép, cảnh báo mức hình phạt nếu các đối tượng cố tình vi phạm. Trước Tết Nguyên đán 1 tuần, xã huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ, các đoàn thể chính trị- xã hội, giáo viên, học sinh tham gia diễu hành, cổ động trực quan, không chỉ trên các tuyến đường trục có đông người qua lại mà len lỏi vào từng đường làng, ngõ xóm, đến tận các hộ dân.

Về công tác bố trí lực lượng, khác với nhiều xã thường thành lập các đội phản ứng nhanh của từng thôn, riêng An Ðồng lại chọn cách gộp lực lượng của các thôn kết hợp với xã thành 2 đoàn, mỗi đoàn 15 người được phân công phụ trách địa bàn cụ thể. Cách làm này giúp làm tăng tính răn đe, có đủ lực lượng để xử lý các trường hợp cố tình vi phạm, kể cả xảy ra chống đối, khắc phục tình trạng cán bộ thôn xóm nể nang, né tránh, ngại va chạm, ngại xử lý người trong cùng khu dân cư.

Với cách tổ chức lực lượng như trên, dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua hai đội phản ứng nhanh của xã đã phát hiện và xử lý kịp thời 3 vụ đốt pháo nổ tại các thôn Tây Lễ Văn và Ðào Xá, trong đó có 1 vụ xảy ra sau thời khắc giao thừa chỉ khoảng 15 phút. Tất cả các đối tượng vi phạm đều bị lực lượng chức năng tạm giữ và bàn giao Công an huyện giải quyết ngay sau khi vi phạm. Ðồng thời tên tuổi của những đối tượng này đều được công bố công khai trên hệ thống loa truyền thanh xã và phát lại nhiều lần trong ngày, kể cả ngày mùng 1 Tết.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Mạnh Ưu- Bí thư Ðảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã An Ðồng cho biết, việc thực hiện nghiêm túc Nghị định 36/ CP trong dịp Tết vừa qua không chỉ giúp loại bỏ cơ bản vi phạm về pháo mà còn giúp người dân địa phương đón cái Tết cổ truyền trong yên bình. Các tệ nạn khác như cờ bạc, nghiện hút, gây gổ đánh nhau…cũng giảm đáng kể so với các năm trước nhờ các lực lượng chức năng đi tuần liên tục vào mọi thời điểm trong ngày. Tuy nhiên việc đấu tranh ngăn chặn các vi phạm về pháo cũng giống như đảm bảo an ninh trật tự không phải làm một lần là xong mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt trong suốt năm. Kết quả bước đầu của năm Nhâm Thìn sẽ là bài học kinh nghiệm để cấp uỷ, chính quyền xã chỉ đạo làm tốt hơn vào các năm sau.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa