Chủ nhật, 12/01/2025, 09:46[GMT+7]

Năm An toàn giao thông ở Thành phố Thái Bình Thiết lập trật tự đã khó, duy trì trật tự còn khó hơn

Thứ 5, 15/03/2012 | 14:40:15
2,316 lượt xem
Vừa qua, UBND Thành phố đã phát động lễ ra quân thực hiện Năm An toàn giao thông (ATGT) 2012. Mục tiêu là từng bước thiết lập kỷ cương về giao thông và trật tự công cộng, xứng đáng với vai trò trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hoá của cả tỉnh.

Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra trên địa bàn Tp Thái Bình, nhất là các đoạn đường có trường học, chợ...

Thời gian qua, Thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thiết lập trật tự giao thông và đã thu được một số kết quả tích cực bước đầu. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ngày càng được nâng cao, không để xảy ra ùn tắc giao thông kể cả giờ cao điểm. Tai nạn giao thông được kiềm chế, trật tự đô thị có nhiều chuyển biến góp phần tạo diện mạo Thành phố văn minh - sạch đẹp…

Lượng xe máy và ô tô cá nhân tăng nhanh trong mấy năm trở lại đây cộng với cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố

Tuy nhiên tình hình trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố nhìn chung còn diễn biến phức tạp. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi sản xuất, buôn bán, kinh doanh, họp chợ, tập kết vật liệu, đổ rác thải còn diễn ra khá phổ biến. Vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông khi đi mô tô không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, uống rượu bia; xe khách, xe taxi dừng đỗ, đón trả khách, bốc dỡ hàng hoá không đúng nơi quy định gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến trật tự, cảnh quan đô thị…

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó thì ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, không chỉ có người kinh doanh buôn bán mà cả học sinh, sinh viên cũng vi phạm pháp luật về giao thông. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền vào cuộc chưa tích cực, chỉ đạo không kiên quyết, phó mặc việc bảo đảm an toàn giao thông cho lực lượng chức năng. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên và hiệu quả…

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn còn khá phổ biến...làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Nhận thức rõ những hạn chế nói trên, UBND Thành phố chủ trương thiết lập lại kỷ cương về giao thông và trật tự đô thị. Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở, trong đó lấy lực lượng công an làm nòng cốt ra quân xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông và trật tự đô thị. Kiên quyết dẹp bỏ các chợ tạm, chợ cóc họp trên đường phố. Tập trung giải toả vật liệu tập kết trái phép; thu dỡ biển quảng cáo, mái che, mải vẩy, phát quang vật cản vi phạm hành lang giao thông. Giải toả vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên tất cả các tuyến phố…

Sau một tuần mở đợt cao điểm ra quân thực hiện, trật tự giao thông và đô thị trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Tình trạng vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông đã xử lý cơ bản, vỉa hè được trả lại cho người đi bộ; không còn các chợ tạm, chợ cóc họp ngay trên đường phố gây cản trở giao thông; xe khách, xe taxi dừng đỗ đúng nơi quy định; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ngay trong tuần đầu ra quân cũng được nâng lên đáng kể…

Những kết quả bước đầu là không thể phủ nhận thế nhưng điều mà nhiều người quan tâm là Thành phố sẽ làm gì và làm như thế nào để duy trì kỷ cương giao thông và trật tự đô thị bởi đây không phải là lần đầu tiên Thành phố ra quân thiết lập lại trật tự an toàn giao thông. Đó đã trở thành việc làm thường niên nhưng dường như sau mỗi đợt ra quân, cao điểm thì đâu lại vào đấy: chợ lại họp trái phép, người dân lại lấn chiếm vỉa hè, tập kết vật liệu sai quy định, khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…Và tất cả lại phải chờ đến đợt ra quân năm sau. Rõ ràng việc thiết lập trật tự đã khó nhưng duy trì được trật tự còn khó gấp trăm lần.

Sở dĩ việc duy trì trật tự giao thông gặp rất nhiều khó khăn trước hết bởi nó động chạm đến lợi ích của nhiều người, nhất là các hộ kinh doanh buôn bán. Với không ít người thì quán hàng trên vỉa hè hay nơi chợ cóc là nguồn thu nhập chính nên không dễ gì mà người ta từ bỏ, họ chỉ đối phó với lực lượng chức năng và tìm mọi cách để buôn bán trở lại. Nguyên nhân quan trọng khác là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế xuất phát từ gốc văn hoá nông nghiệp vốn tuỳ tiện, đại khái, lấy tiện lợi làm đầu. Vì thế nhà nào buôn bán ven đường cũng phải cơi nới thêm một tí, lấn chiếm thêm một tí; với không ít người thì cứ gặp hàng là mua, gặp quán là ăn không cần quan tâm xem quán đó, hàng đó và bản thân mình làm thế có vi phạm pháp luật về giao thông hay không. Rất nhiều người đi xe thô sơ coi việc vượt đèn đỏ là chuyện “bình thường”, cứ như tín hiệu đèn giao thông chỉ dành cho các phương tiện cơ giới, còn mình thì vô tư vi phạm.

Để duy trì được trật tự giao thông không phải là việc ngày một, ngày hai mà phải làm thường xuyên, liên tục, cần các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ chỉ đạo điều hành đến tuyên truyền vận động, kiểm tra xử lý, chế tài đủ mạnh…Từng bước hình thành được văn hoá giao thông trong đời sống cộng đồng, làm sao để mỗi người dân coi việc chấp hành luật lệ giao thông như một phản xạ tự nhiên.

Bài: Vũ Mạnh 

Ảnh: Quang Viện 

 

  • Từ khóa