Thứ 2, 29/07/2024, 13:21[GMT+7]

Tự quản giữ bình yên xóm làng

Thứ 2, 12/08/2019 | 08:56:09
1,723 lượt xem
Thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp cùng lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự, phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong việc tham gia đấu tranh tố giác tội phạm, ngăn ngừa phát sinh tội phạm ở cơ sở, giữ bình yên cho cộng đồng.

Người dân thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường (Tiền Hải) chăm sóc đường hoa tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Được thành lập từ năm 2013, mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT), an toàn về ma túy của dòng họ Lê, thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) hiện vẫn hoạt động hiệu quả, góp phần cùng thôn, xã giữ vững an ninh chính trị, đẩy lùi tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác, xây dựng thôn, làng văn hóa. Theo ông Lê Duy Đông, chủ tịch hội đồng gia tộc, dòng tộc họ Lê hiện có 3 chi với 151 hộ, 484 nhân khẩu. Sau khi thành lập mô hình tự quản, hội đồng gia tộc dòng họ đã tích cực vận động các thành viên trong dòng họ tự giác chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời, tích cực phối hợp với chính quyền xã và cơ quan công an phát hiện, tố giác những trường hợp mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng ma túy, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương. Con em trong dòng họ khi đi làm ăn xa cũng như khi về địa phương đều được người đứng đầu các chi, người có uy tín trong dòng họ gặp gỡ, nắm tình hình, động viên, nhắc nhở phải cảnh giác trước sự lôi kéo của kẻ xấu. Ngoài ra, dòng họ còn tích cực, chủ động phối hợp cùng Công an xã, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống ma túy. Hàng năm, vào ngày giỗ họ (10/3 âm lịch), con cháu trong dòng họ ở khắp nơi đều họp mặt đông đủ; bên cạnh việc ôn lại truyền thống dòng họ, tổ chức phát thưởng khuyến học, nêu gương người tốt, việc tốt, nhắc nhở mọi người chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và địa phương, hội đồng gia tộc dòng họ còn tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong dòng họ về Luật Phòng, chống ma túy, từ đó giúp con cháu nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh. Hội đồng gia tộc dòng họ còn đề nghị các bậc ông bà, cha mẹ quản lý, giáo dục các thành viên trong gia đình, nhất là các cháu ở tuổi vị thành niên, những người đi học, đi làm ăn xa không mắc vào tệ nạn ma túy; vận động các gia đình tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần cùng nhân dân và lực lượng công an đẩy lùi tội phạm, làm trong sạch địa bàn, giữ thôn làng bình yên. Với quyết tâm của những người đứng đầu dòng họ và sự đồng thuận của các thành viên, từ khi thành lập mô hình đến nay dòng họ Lê không phát sinh người nghiện, không có người vi phạm pháp luật, 100% gia đình đạt gia đình văn hóa; dòng họ 2 lần được Công an tỉnh, 1 lần được UBND huyện biểu dương, khen thưởng trong xây dựng dòng họ an toàn không ma túy.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh: Thông qua Chương trình phối hợp số 1289/Ctr-CA-MT ngày 16/12/2014 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Công an tỉnh, công tác phối hợp xây dựng mô hình điểm, mô hình tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày một phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 2.126 mô hình tự quản trong lĩnh vực ANTT; trong đó có 1.455 mô hình tổ tự quản; 196 mô hình câu lạc bộ; 171 mô hình thôn, tổ dân phố; 121 mô hình khu dân cư; 64 mô hình họ giáo, giáo xứ; 48 mô hình dòng họ; 17 mô hình xã; 17 mô hình cụm giáp ranh về ANTT, an toàn xã hội, phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm; 12 mô hình ngăn chặn và đẩy lùi ma túy; 4 mô hình đẩy lùi tệ nạn xã hội; 3 mô hình đội thanh thiếu niên xung kích. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: “Khu dân cư tự quản” ở xã Bình Định (Kiến Xương); “Xóm ngõ tự quản” ở xã Tiến Đức (Hưng Hà); “Tổ dân vận an ninh trật tự” ở phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình); “Tổ tự quản an ninh trật tự, an toàn giao thông” của Hội Cựu chiến binh xã Vũ Quý (Kiến Xương), xã Hùng Dũng (Hưng Hà); “Tuyến sông an toàn”, “Cụm xã an toàn” trên tuyến sông Trà Lý; “Làng chài bình yên” tại xã Việt Hùng, xã Hồng Lý (Vũ Thư)... Mô hình tự quản ANTT theo ngõ xóm, phố, dòng họ, nhóm hộ gia đình là mô hình tự quản của toàn dân, tự nguyện, ưu điểm là phát huy được tính sáng tạo, sức mạnh của từng cộng đồng dân cư trên cơ sở mối quan hệ huyết thống, tình nghĩa láng giềng. Hoạt động của các mô hình tự quản đã làm giảm đáng kể các vụ việc về ANTT xảy ra trên địa bàn; tình trạng trộm cắp, cướp giật tài sản, gây mất ANTT giảm đáng kể. Số vụ phạm tội, trọng án hàng năm giảm. Sự gia tăng của tội phạm được kiềm chế. Một số mô hình tự quản về ANTT còn có tác dụng răn đe tội phạm và cảm hóa được nhiều đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng.

"Từ việc xây dựng các mô hình tự quản về ANTT đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, đóng góp hiệu quả vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển."


Anh Đào 

  • Từ khóa