Thứ 2, 25/11/2024, 01:25[GMT+7]

Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình

Thứ 6, 27/09/2019 | 08:32:42
3,293 lượt xem
Cùng với sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam và những yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Tăng thiết giáp đã từng bước trưởng thành và phát triển nhanh chóng, cùng với bộ binh là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam.

Các thế hệ cựu chiến binh, cựu quân nhân Tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình tham quan Bảo tàng tỉnh.

Đồng hành trong 60 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam có lớp lớp thế hệ là người con quê lúa Thái Bình. Trong chiến đấu, họ anh dũng xông pha, góp mặt trong những thời khắc lịch sử của đất nước. Trở về đời thường, họ lại tiếp tục cống hiến trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng.

Tự hào lính tăng

Ngày 5/10/1959, Trung đoàn 202 - Trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, với lực lượng ban đầu gồm 202 cán bộ, chiến sĩ được trang bị 33 xe tăng T-34 và 16 pháo tự hành. 

Là lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của Trung đoàn 202, cựu chiến binh Lê Tất Chinh, xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) nhớ lại: Từ năm 1955 đến năm 1959, tôi may mắn là một trong những cán bộ, chiến sĩ được Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tuyển chọn sang Trung Quốc để đào tạo về tăng thiết giáp. Đây chính là lực lượng nòng cốt xây dựng nên Trung đoàn 202. Thái Bình lúc đó có 7 cán bộ, chiến sĩ. Ngay từ ngày đầu thành lập, cán bộ, chiến sĩ đã không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng chiến đấu cao, cùng với quân và dân miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ...

Từ trận đầu ra quân đánh thắng ở Làng Vây tháng 2/1968, lực lượng Tăng thiết giáp đều có mặt trên khắp các chiến trường, tham gia nhiều chiến dịch lớn và các trận đánh then chốt, giữ vai trò là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam, lập nhiều chiến công xuất sắc và đã xây dựng nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.

44 năm đã qua, nhưng những ký ức về trận đánh Xuân Lộc vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Liêm, xã Thăng Long (Đông Hưng). Ông Liêm chia sẻ: Đập tan “Cánh cửa thép Xuân Lộc” sẽ tạo đường tiến công giải phóng Sài Gòn. Trong trận tiến công Xuân Lộc (Đồng Nai) ngày 9/4/1975, tôi đã chỉ huy 4 xe yểm trợ cho bộ binh đánh vào hướng chủ yếu. Địch dùng máy bay và pháo binh ném bom, bắn phá ác liệt; đồng thời cho xe ra phản kích, ngăn chặn quân ta. Không chịu lùi bước trước địch, đơn vị tôi đã xông thẳng vào đội hình xe tăng địch bắn cháy 3 chiếc, những chiếc khác phải bỏ chạy, đội hình xe tăng ta tiếp tục dẫn dắt bộ binh đánh chiếm hoàn toàn sở chỉ huy chiến đoàn 52 ngụy...

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng xe tăng, xe thiết giáp dẫn đầu đội hình các binh đoàn chủ lực trên 5 hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Hình ảnh những chiếc xe tăng 390 và 843 dũng mãnh húc đổ cánh cổng sắt của dinh tổng thống ngụy quyền Sài Gòn; lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 4 Bùi Quang Thận, quê xã Thụy Xuân (Thái Thụy) cắm trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 là mốc son lịch sử của quân và dân ta nói chung và Binh chủng Tăng thiết giáp nói riêng. Nhiều tập thể và cá nhân bộ đội Tăng thiết giáp đã nêu cao tinh thần mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều chiến công xuất sắc.    

Tỏa sáng đời thường

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, Binh chủng Tăng thiết giáp tiếp tục xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền nếp chính quy với quản lý kỷ luật, không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.

Bước ra từ cuộc chiến trở về đời thường, những cựu chiến binh, cựu quân nhân Tăng thiết giáp cả nước nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi. 

Cựu chiến binh Bùi Đình Nho, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu quân nhân Tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình cho biết: Những cựu chiến binh, cựu quân nhân Tăng thiết giáp qua các thời kỳ là tấm gương sáng, làm tốt công tác truyền lửa cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; hỗ trợ lực lượng vũ trang không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Nhiều cựu chiến binh, cựu quân nhân đã phát huy kinh nghiệm và trách nhiệm của mình tích cực tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể và công tác hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 hội viên có trang trại, gia trại và nhiều hội viên trở thành doanh nhân thành đạt.

Cùng với tích cực tham gia phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, quê hương, các cựu chiến binh, cựu quân nhân Tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình còn tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình, giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống, nhất là những lúc ốm đau, bệnh tật. Những hoạt động nghĩa tình đã tạo sự kết nối, gắn bó tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính đã để lại tuổi xuân nơi chiến trường đạn bom ác liệt.


Những thành tích trong 60 năm xây dựng và trưởng thành của Binh chủng Tăng thiết giáp

  • Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Binh chủng Tăng thiết giáp ngày 20/10/1976.
  • 43 tập thể, 15 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 9 tập thể được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.
  • Binh chủng Tăng thiết giáp được tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 5 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba.
  • Hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại...



Cựu chiến binh Bùi Đình Nho, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu quân nhân Tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình


Được thành lập từ năm 2001, Hội Cựu quân nhân Tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình ra đời đã trở thành ngôi nhà chung để các cựu chiến binh, cựu quân nhân Tăng thiết giáp gặp gỡ, sẻ chia trong những ngày gặp mặt. Đến nay, Hội Cựu quân nhân Tăng thiết giáp tỉnh Thái Bình đã có hơn 2.000 hội viên, sinh hoạt ở tổ chức hội 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Rời tay súng, các cựu chiến binh, cựu quân nhân vẫn luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của bộ đội Tăng thiết giáp, ra sức lao động, công tác, cống hiến xây dựng quê hương. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục vun đắp, xây dựng hội ngày càng vững mạnh, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cán bộ, hội viên.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Xuân Liêm, xã Thăng Long (Đông Hưng)


Tôi luôn tự hào là người lính tăng một thời kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tôi đó là những kỷ niệm không thể nào quên của người lính Cụ Hồ. Tôi mong muốn các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Binh chủng Tăng thiết giáp hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng, ra sức học tập, rèn luyện, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại cùng phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các quân, binh chủng và các lực lượng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thoảng, phường Phú Khánh (thành phố Thái Bình)


Tôi ở bộ binh 6 năm thì bổ sung sang Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 203 Tăng thiết giáp. Đời quân ngũ, tôi nhớ nhất là trận đánh chiếm cao điểm 543 (phía Bắc đường 9 Nam Lào) ngày 25/2/1971. Khi đó, đơn vị của tôi xuất kích với 3 chiếc xe tăng, tôi là pháo thủ trong chiếc xe đầu mang số hiệu 550. Bước vào trận đánh, địch tăng cường thêm máy bay và lính dù nhằm bao vây đơn vị tăng thiết giáp, chúng quần thảo trên bầu trời, nã đạn vào các xe tăng của ta. Hai chiếc xe đều phải rút về phía sau để bảo toàn lực lượng. Riêng chiếc xe của chúng tôi tiếp tục chiến đấu, phá vỡ vòng vây của địch. Sang đầu giờ chiều thì chúng tôi chiếm được cao điểm này. Khi chiếm được đỉnh đồi thì vẫn chưa ai biết có hầm bí mật của địch. Tôi ra hiệu cho đồng đội dùng đạn hơi cay bắn thẳng vào cửa hầm. Được một lúc vài tên địch giơ tay hàng đi ra khỏi hầm. Tôi nhảy ra khỏi xe, cầm khẩu AK khống chế, tôi đếm tất cả có 47 tên lính ngụy...

Cựu chiến binh Phạm Công Điềm, Giám đốc Công ty Thương mại Bình Phương


Cũng nhờ môi trường quân đội, nhờ sự rèn luyện của người lính Tăng thiết giáp mà chúng tôi có được ý chí, bản lĩnh để khẳng định mình trên mặt trận phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Dù mỗi người kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là trong kinh doanh luôn giữ chữ tâm và chữ tín của người lính; đồng thời làm tốt công tác nhân đạo từ thiện, giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội, con em đồng đội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cựu chiến binh Bùi Đức Thống, xã Hòa Bình (Vũ Thư)


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghệ thuật tác chiến của bộ đội Tăng thiết giáp được hình thành và phát triển trên cơ sở quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, được đúc kết từ thực tiễn kinh nghiệm chiến đấu, phát triển toàn diện cả trong tổ chức xây dựng lực lượng, phương pháp tác chiến. Nghệ thuật sử dụng lực lượng và cách đánh của bộ đội Tăng thiết giáp đã biết kế thừa nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc “Lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”. Trong tác chiến, bộ đội Tăng thiết giáp đã vận dụng nhiều cách đánh hiểm, sử dụng tăng thiết giáp tập trung trên hướng, khu vực chủ yếu, trận đánh then chốt; đồng thời đánh tiêu diệt đi đôi với giữ gìn và phát triển lực lượng, lấy xe địch đánh địch, đánh có chuẩn bị, bảo đảm chắc thắng...


Tất Đạt 

  • Từ khóa