Chủ nhật, 28/07/2024, 05:42[GMT+7]

Thụy Hải Bao giờ giải quyết ổn định tình hình an ninh trật tự?

Chủ nhật, 20/05/2012 | 17:04:09
2,156 lượt xem
Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Thụy Hải (Thái Thụy) diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc Nhà máy Bột cá Thụy Hải trong quá trình sản xuất đã xả khí, nước thải làm ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Sau 9 tháng bị một số người dân lấp cổng, đến nay nhà máy Bột Cá Thụy Hải vẫn chưa thể hoạt động trở lại.

Một số người dân đã đổ bê tông chặn cổng ra vào, buộc nhà máy phải ngừng hoạt động. 9 tháng qua, mặc dù các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện, cả hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc tích cực để tuyên truyền, vận động nhân dân, tập trung ổn định tình hình, nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết...

Nhà máy Bột cá Thụy Hải (thuộc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải) đầu tư xây dựng năm 2004 trên địa phận Cảng cá Tân Sơn (xã Thụy Hải). Nhà máy có 2 dây chuyền sản xuất với công suất 200 tấn cá/ngày, giải quyết việc làm cho 40 lao động trực tiếp và khoảng 800 lao động gián tiếp thu mua, khai thác, vận chuyển và hậu cần nghề cá. Từ khi có nhà máy bột cá, giá cá vụn ngư dân Thái Thụy đánh bắt về tăng mạnh, từ 1.000đ/kg tăng lên 2.000 đến 3.000đ/kg, thậm chí có thời điểm nhà máy thu mua 4.500đ/kg... tạo điều kiện cho nghề khai thác hải sản và dịch vụ nghề cá phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, nhất là từ năm 2010 khi đưa dây chuyền 2 vào sản xuất, nhà máy đã xả thải ra mùi đặc trưng, khó chịu ra môi trường khu vực xung quanh. Đã nhiều lần, dân làng Quang Lang có ý kiến, UBND xã Thụy Hải có tờ trình về việc giải quyết vệ sinh môi trường tại Nhà máy Bột cá Thụy Hải gửi các cấp, các ngành. Sau đó ngày 8/8/2011, một số người đã thực hiện việc chặn cổng, ngăn cản không cho nhà máy hoạt động. Vụ việc càng phức tạp hơn khi ngày 11/4/2012 nhà máy thuê người, phương tiện về tự tháo dỡ bờ ngăn khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Một bộ phận nhân dân quyết liệt chống đối, ngăn cản, dựng lều, treo khẩu hiệu, đem quan tài ra để, đồng thời tụ tập đông người canh coi đập ngăn; thường xuyên tổ chức họp, tuyên bố quyết tâm đuổi nhà máy đi nơi khác... Một số kẻ xấu đã lợi dụng vụ việc này đứng sau kích động, lôi kéo nhân dân không chỉ vi phạm đến quyền lợi của doanh nghiệp mà còn gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự khu vực Cảng cá Tân Sơn nói riêng, địa bàn xã Thụy Hải nói chung.

Qua tìm hiểu của phóng viên: cũng từ khi buộc phải dừng sản xuất, công nhân không có việc làm, tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn, nợ ngân hàng tăng cao, đứng trước nguy cơ phá sản. Các tàu khai thác, thu mua cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đình trệ sản xuất vì cá đem về cảng không bán được, bị tư thương ép giá chỉ mua từ 1.200đ đến 1.500đ/kg. Thu không đủ chi, thua lỗ kéo dài, hàng trăm ngư dân không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ tàu thuyền khai thác, làm nghề cung cấp dịch vụ, hậu cần nghề cá lâm vào cảnh nợ nần.

Được biết, khi người dân và chính quyền xã Thụy Hải có ý kiến, văn bản kiến nghị về tình hình ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Bột cá Thụy Hải, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã tiến hành kiểm tra, xác định và kết luận các nguyên nhân gây ô nhiễm, yêu cầu công ty khắc phục, xử lý, cải tiến. Báo cáo kết quả kiểm tra ô nhiễm môi trường tại Cảng cá Tân Sơn (ngày10/6/2011) của Sở Tài nguyên và Môi trường đã xác định: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này mà nhân dân phản ánh là có cơ sở nhưng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Trước hết, từ năm 2007 do không đủ kinh phí nên tổ quản lý khu ngư nghiệp Tân Sơn ngừng hoạt động, người dân tự ý sử dụng khu sân cảng làm sân phơi, chượp cá; các phương tiện vận chuyển, đánh bắt, thu mua hải sản ra vào tự do; chất thải rắn, nước thải phát sinh sau khi bốc dỡ, vận chuyển từ các tàu thuyền không được thu gom, xử lý vương vãi khắp nơi hoặc đổ cả xuống cảng không chỉ bốc mùi hôi thối mà còn gây mất mỹ quan khu vực cảng.

Thứ hai, khu vực cảng cá Tân Sơn có 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH thực phẩm Rich Beauty Việt Nam, Công ty TNHH Chế biến hải sản Biển Đông, Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải) đang hoạt động sản xuất, xử lý nước thải, khí thải chưa triệt để trước khi xả thải ra môi trường.

Ngoài ra, Cảng cá Tân Sơn nằm gần khu dân cư làng Quang Lang, nơi có 2 làng nghề với nhiều cơ sở sản xuất không có thiết bị xử lý nước thải nên nước thải từ chế biến hải sản, nước thải sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng xả thẳng ra kênh, cộng thêm bãi rác của xã Thụy Hải nằm ngay tại khu vực gần đó đã tạo nên nguyên nhân cộng hưởng gây ô nhiễm môi trường nước, bốc mùi hôi thối, tác động xấu đến môi trường khu vực cảng.

Từ tháng 8/2011 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành chức năng và địa phương thực hiện phúc tra, giám sát các doanh nghiệp khắc phục tồn tại, vi phạm về đất đai, môi trường, xử phạt theo thẩm quyền và trình UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh đã hỗ trợ huyện Thái Thụy 460 triệu đồng để xử lý ô nhiễm môi trường tại Cảng cá Tân Sơn. Giao cho huyện làm chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Tân Sơn. Chỉ đạo xã Thụy Hải dừng việc đổ rác thải ra khu vực giáp nghĩa trang, gần cảng, khẩn trương lập quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, cả 4 doanh nghiệp hoạt động tại khu vực cảng đã đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải. Đối với Nhà máy Bột cá Thụy Hải  cũng đã đầu tư 2 tỷ đồng hoàn thành việc cải tiến và nâng cấp hệ thống công trình xử lý nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất gồm: xây dựng chuyển hướng đường thải mới, xây thêm một bể lắng, đầu tư một ống khói, lợp toàn bộ khu xử lý AUSB bằng INOX, bổ sung bộ khử mùi nhập từ Thái Lan, bổ sung hệ thống bơm cấp nước làm mát, xử lý mùi cho 2 dây chuyền. Thực hiện Công văn số 626 (ngày 4/4/2012) của UBND tỉnh về việc Xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Chế biến thủy sản Thụy Hải, doanh nghiệp đã thực hiện niêm phong đối với dây chuyền 2 (do chưa có đầy đủ thủ tục về bảo vệ môi trường).

Cùng với những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, từ ngày 15/5/2012 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan, UBND huyện Thái Thụy, xã Thụy Hải đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, chủ thuyền làm nghề khoai lưới, chủ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, bàn các biện pháp tháo gỡ  khó khăn, ổn định tình hình. Phát biểu kết luận tại các cuộc đối thoại, đồng chí Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ những nguyên nhân gây nên tình hình phức tạp tại xã Thụy Hải, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là hệ thống chính trị ở xã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận, thống nhất của người dân để Nhà máy Bột cá Thụy Hải mở cửa, hoạt động trở lại dây chuyền 1, có cơ sở kiểm tra, đánh giá tác động môi trường và lấy đó làm căn cứ có cho phép hay không cho phép nhà máy hoạt động trên địa bàn.

Đối với dây chuyền 2, tỉnh chủ trương tạo điều kiện để nhà máy di dời ra nơi khác, xa khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Yêu cầu lãnh đạo nhà máy phải có cam kết mang tính pháp lý bảo đảm môi trường khi đưa dây chuyền 1 vào hoạt động và có sự giám sát chặt chẽ của ban giám sát cộng đồng. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Thái Thụy, xã Thụy Hải không chấp nhận cho đầu tư hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp đang sản xuất, yêu cầu phải có cam kết bằng văn bản đưa ra lộ trình, biện pháp khắc phục những vi phạm về môi trường, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Cùng với tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực điều tra, phân loại, xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, mất an ninh trên địa bàn xã.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa