Thứ 2, 29/07/2024, 17:20[GMT+7]

Ngành Thanh tra thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Thứ 2, 25/11/2019 | 08:26:38
1,553 lượt xem
Năm 2019, ngành Thanh tra đã tham mưu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đẩy mạnh các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội.

Công tác thanh tra góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ảnh: Thành Tâm

Ngay từ đầu năm, ngành Thanh tra đã tham mưu các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Chỉ thị số 35, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Công tác tiếp công dân được duy trì nền nếp. Việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư KNTC bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Năm 2019, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 2.954 lượt đoàn, 7.178 lượt người với 2.298 vụ việc (giảm 4,73% so với cùng kỳ năm 2018). Nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến đất đai, môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, việc thực hiện chế độ, chính sách xã hội, nhất là chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ vi phạm về quản lý kinh tế, đất đai, xây dựng cơ bản và thực hiện chính sách xã hội; tố cáo thủ trưởng một số cơ quan hành chính trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC... Qua công tác tiếp dân đã chỉ đạo và giải quyết tốt các vụ việc KNTC mới phát sinh, nhiều vụ việc dứt điểm ngay từ cơ sở. Công tác phối hợp trong giải quyết đơn thư KNTC được duy trì hiệu quả, nhất là đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp. Hoạt động kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài được các cấp, các ngành chủ động phối hợp thực hiện nên đã giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

Cùng với làm tốt việc tiếp công dân và giải quyết KNTC, công tác thanh tra kinh tế - xã hội được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Toàn ngành đã triển khai 26 cuộc thanh tra hành chính, 182 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 457 đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm kinh tế 25.284 triệu đồng (kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 10.857 triệu đồng, đã thu được 6.053 triệu đồng). Thanh tra tỉnh tiến hành 9 cuộc thanh tra (đã kết luận 6 cuộc, 1 cuộc thanh tra đã kết thúc, chuẩn bị ban hành kết luận); qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm kinh tế 9.843 triệu đồng (kiến nghị thu hồi sai phạm kinh tế 245 triệu đồng, đã thu hồi xong); kiến nghị các đơn vị nộp về quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh 9.598 triệu đồng; đôn đốc thu hồi sai phạm kinh tế theo kết luận thanh tra năm 2018 số tiền 4.871 triệu đồng. Thanh tra các sở, ngành thực hiện 184 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 325 đơn vị; đã kết luận 161/184 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm kinh tế 14.775 triệu đồng (kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 10.612 triệu đồng, đã thu được 5.808 triệu đồng). Kiến nghị các doanh nghiệp nộp khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp về cơ quan Bảo hiểm xã hội số tiền 3.584 triệu đồng; kiến nghị cơ quan có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền 529 triệu đồng. Đề nghị các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2.510 triệu đồng. Thanh tra các huyện, thành phố thực hiện 15 cuộc thanh tra tại 92 đơn vị, trong đó 4 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng đối với chủ tịch UBND cấp xã; 7 cuộc thanh tra trong lĩnh vực tài chính; 2 cuộc thanh tra trong lĩnh vực đất đai; 2 cuộc thanh tra trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đã kết luận 15/15 cuộc thanh tra, qua thanh tra đã phát hiện và kiến nghị giảm trừ giá trị quyết toán công trình xây dựng 686 triệu đồng.

Theo đồng chí Trần Trung Dũng, Chánh Thanh tra tỉnh: Thông qua hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội cho thấy một số vấn đề cần được quan tâm chấn chỉnh như: Việc công khai tài chính ở một số cơ quan hành chính, sự nghiệp thực hiện chưa nghiêm, công tác kế toán còn thiếu sót, sử dụng kinh phí còn sai quy định, chưa tiết kiệm, việc trích lập, quản lý, sử dụng một số quỹ tại một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa đúng quy định... Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản có tình trạng thực hiện không đúng trình tự, thủ tục về dự toán thẩm định tính khối lượng không đúng so với hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, thanh quyết toán khối lượng không đúng thực tế, sai đơn giá định mức... Lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, môi trường, sai phạm chủ yếu của các tổ chức, cá nhân là sử dụng đất không đúng mục đích được giao, chưa bảo đảm các thủ tục hành chính về đất đai, nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải ở một số địa phương, cụm dân cư còn bất cập; một số doanh nghiệp còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Về công tác tiếp dân, một số địa phương, đơn vị cơ sở chưa bố trí được phòng tiếp công dân riêng, chưa niêm yết công khai nội quy tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân, thủ trưởng một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ lịch tiếp công dân định kỳ.

Bên cạnh đó, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã tập trung tham mưu các cấp, các ngành xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 610, ngày 1/3/2019 về ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai minh bạch, đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động các cơ quan nhà nước.

Để thực hiện tốt công tác nghiệp vụ trong thời gian tới, ngành Thanh tra Thái Bình tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng. Tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là đối với chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại cũng như tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC ở các địa phương, đơn vị. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đồng thời tiến hành thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Quan tâm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị quyết định xử lý sau kết luận thanh tra, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân sai phạm.

Nguyễn Tùng

  • Từ khóa