Thứ 2, 25/11/2024, 05:28[GMT+7]

Ấm tình hậu phương lính đảo

Thứ 2, 13/01/2020 | 10:30:07
3,990 lượt xem
Với những người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, tết là khoảng thời gian các anh gác lại hạnh phúc riêng vì nhiệm vụ canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Nơi hậu phương - cha mẹ, vợ con và những người thân yêu các anh luôn sẵn sàng sẻ chia, gánh vác công việc gia đình để các anh yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tết vẫn luôn ấm áp tình hậu phương...

Giây phút hạnh phúc của gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Tuyên trước ngày anh lên đường về đơn vị.

Với mỗi người dân đất Việt, tết là khoảng thời gian thiêng liêng để gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau ôn lại những buồn vui của năm cũ, chia sẻ những dự định của năm mới, trao cho nhau những lời chúc ngọt ngào, hạnh phúc. Thế nhưng, với những người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, tết là khoảng thời gian các anh gác lại hạnh phúc riêng vì nhiệm vụ canh giữ bình yên cho Tổ quốc. Nơi hậu phương - cha mẹ, vợ con và những người thân yêu các anh luôn sẵn sàng sẻ chia, gánh vác công việc gia đình để các anh yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tết vẫn luôn ấm áp tình hậu phương...

Tôi tình cờ gặp lại Thượng úy Nguyễn Văn Tuyên, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân tại nhà anh ở thôn Nghĩa Phương, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình). 5 năm trước, chúng tôi gặp nhau tại điểm đảo Đá Lớn B, quần đảo Trường Sa. Trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh tranh thủ cắt phép về thăm gia đình mấy ngày rồi vào đơn vị nhận nhiệm vụ mới. 13 năm công tác, anh cùng đồng đội rong ruổi khắp các đảo từ Bắc vào Nam để xây dựng công trình. Hội ngộ nơi quê nhà, anh vẫn thế, vẫn là anh lính công binh dạn dày gió sương với nước da rám nắng, nụ cười tươi tắn và hiền hậu. Anh chia sẻ với tôi: Mình nghỉ ít ngày rồi lại vào đơn vị. Có lẽ năm nay cũng không ăn tết ở nhà. Những ngày này mình dành nhiều thời gian hơn cho vợ con vì cả năm rồi mới được gặp nhau, ăn với nhau bữa cơm sum vầy. Vậy là quý lắm rồi, cũng may vợ con hiểu nên lúc nào cũng động viên mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Dù chưa đến tết nhưng nhà mình những ngày này vui như tết. Hai cháu quấn bố, lúc về đơn vị chúng nó bịn rịn lắm đây...

Lập gia đình hơn 8 năm nhưng anh Tuyên chỉ ăn tết ở nhà có đôi ba lần. Cũng ngần ấy năm hai vợ chồng anh chung lưng đấu cật giữ “lửa” hạnh phúc. Trái ngọt của tình yêu vợ chồng là hai con ngoan ngoãn, vâng lời ông bà, bố mẹ. Chị Phạm Thị Huệ, vợ anh Tuyên tâm sự: Ngay từ khi nhận lời yêu anh ấy rồi đi đến hôn nhân, tôi đã chấp nhận những vất vả, thiệt thòi khi có chồng là lính đảo. Cũng may mắn khi bố mẹ đôi bên còn khỏe, lại ở gần nên những ngày tết vắng anh, ba mẹ con cũng bớt trống trải. Tôi chỉ mong anh “chân cứng, đá mềm”, những khó khăn, vất vả đã qua, ba mẹ con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi hậu phương để anh yên tâm công tác.

Lấy nhau gần 10 năm thì có đến 7 năm chị Phạm Thị Nguyệt, giáo viên Trường THPT Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), quê ở thôn Trung Thành, xã Đông Động (Đông Hưng) đón tết vắng chồng. Đôi khi nghĩ đến gia đình người ta ngày tết được quây quần bên nhau chị cũng thoáng chút giận hờn, tủi thân. Nhưng đó chỉ là những cảm xúc vụt qua, chỉ còn lại trong chị nỗi nhớ thương, niềm tự hào về chồng - Đại úy Vũ Đức Khoa, nhân viên tài chính, Tiểu đoàn 883, Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân. Hiện tại anh Khoa đang công tác tại đảo Đá Tây A.

Nhà chồng bên xã Đông Vinh (Đông Hưng). Nói về hoàn cảnh gia đình anh Khoa thì làng trên, xóm dưới đều biết. Bố mẹ chồng sinh được 3 anh em thì cả 3 đều là bộ đội hải quân. Kể từ ngày anh cả hy sinh khi làm nhiệm vụ, người mẹ thương con, suy nghĩ nhiều nên đổ bệnh. Hiện tại bà phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Gia đình chị dâu cả, chồng, gia đình em chồng công tác xa nhà nên ở quê chị Nguyệt trở thành trụ cột, đảm nhiệm mọi công việc của cả đôi bên nội, ngoại. Hàng ngày bận mải với công việc lên lớp, chăm con nên tranh thủ những ngày nghỉ, trống tiết chị lại lên bệnh viện thăm mẹ. Chị Nguyệt tâm sự: Dù có vất vả, khó khăn đến mấy những khi gọi điện cho anh, tôi chỉ kể qua loa công việc ở nhà chứ không dám than vãn với anh, sợ anh suy nghĩ mà ảnh hưởng đến công việc. Ngày trước, khi con còn nhỏ, có khi cháu đau ốm liên tục tôi cũng không dám nói ra vì sợ chồng lo lắng. Chấp nhận hy sinh, gánh cả trách nhiệm làm một người cha của anh để chăm sóc cho gia đình, nuôi dạy con cái, chị Nguyệt chưa một lần than vãn hay trách cứ anh. Với chị, chồng đã thiệt thòi khi không nhận được sự chăm sóc thường xuyên của vợ thì mình càng phải cố gắng hơn để anh yên tâm làm nhiệm vụ.

Cái tết vắng anh cũng tươm tất, đủ đầy để bù đắp cho con khi thiếu thốn tình cảm của bố. Chị Nguyệt chia sẻ thêm: Những ngày gần tết, khi đã thu xếp công việc trường lớp, tôi lại tất tả về bên nội để dọn dẹp, sắm sửa đồ tết bên nội để cùng con đón mẹ về ăn tết. Đưa con đi sắm bộ quần áo mới, mua lễ bày trên bàn thờ tổ tiên rồi lại tất tả lo dọn dẹp nhà cửa. Chỉ có một mình trong những thời khắc ấy khiến tôi cũng thoáng chút tủi thân, nhưng tôi hiểu chồng tôi còn gánh trên vai trách nhiệm với Tổ quốc. Vì vậy, tôi phải thật vững vàng để anh yên tâm làm nhiệm vụ.

Là người lính từng kinh qua chiến trường, ông Phạm Gia Ngạch, bố đẻ chị Nguyệt luôn thấu hiểu công việc của con rể. Dù thời bình hay thời chiến, nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn nặng nề như thế. “Tôi luôn động viên con rể mỗi khi con gọi điện về nhà, còn với con gái, tôi cũng khuyên con phải là dâu hiền, chấp nhận hy sinh thay chồng gánh vác công việc để chồng yên tâm làm nhiệm vụ” - ông Ngạch cho biết. Còn với Vũ Phạm Đức Hùng, 9 tuổi, con trai chị Nguyệt, anh Khoa, con chỉ khao khát những ngày tết có bố để có người chơi cùng. Tuy nhiên, càng lớn con càng hiểu về công việc của bố, thương bố làm nhiệm vụ xa nhà, Hùng càng chăm ngoan nghe lời ông bà và mẹ. Hùng khoe: Ở lớp ai cũng biết bố con là chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Các bạn rất yêu quý con. Con luôn tự hào về bố. Con sẽ chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng bố mẹ...

Trò chuyện với tôi, ông Doãn Thanh Phóng, thôn Trung, xã Song Lãng (Vũ Thư) nhắc đến con trai với niềm tự hào khi đã nối tiếp truyền thống gia đình. Ông Phóng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1978 - 1983. Hiện tại ông là bệnh binh. Con trai ông là Trung úy Doãn Văn Toàn, công tác tại Tàu 722, Hải đoàn 128 Hải quân. Ông Phóng chia sẻ: Gia đình tôi “tứ đại đồng đường” chung sống dưới một mái nhà. Ngày Toàn chưa lấy vợ thì nó đi biền biệt, khi ở đảo, khi ở đơn vị. Tết vắng con, cả nhà cũng buồn lắm nhưng ai cũng hiểu và chia sẻ với công việc của con nên khi Toàn gọi điện về chúc tết tôi động viên con “khi đã là Bộ đội Cụ Hồ thì con phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”... Với chị Hoàng Thị Lan, vợ Trung úy Doãn Văn Toàn, nhớ về lúc “vượt cạn”, đêm khuya chăm con nhỏ ốm đau không có chồng bên cạnh, chị lại tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, kiên cường làm chỗ dựa tinh thần để anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng nơi đảo xa. Những món quà anh gửi về đất liền chỉ đơn giản là những bông hoa được làm từ ốc biển nhưng ba mẹ con chị cảm thấy ấm áp lạ thường. Mỗi lần nhớ chồng, chị và các con lại ngồi ngắm những món quà giản dị, ý nghĩa ấy. Chị Lan chia sẻ: Có những năm 3 cái tết liên tục anh ăn tết cùng đồng đội ngoài đảo hay trên tàu. Chúng tôi đều là những người trẻ, cũng có lúc vợ chồng giận hờn nhau nhưng điều đó càng làm cho chúng tôi yêu nhau hơn. Ba mẹ con luôn là hậu phương vững chắc, tiếp thêm động lực để anh vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Tết này ba mẹ con sẽ chờ anh về để gia đình sum vầy.

Dù người lính đảo có gia cảnh khác nhau song họ đều có điểm chung là xa cách nghìn trùng với đất liền, với người thân. Nơi quê nhà, những người thân yêu luôn gửi gắm niềm tin, tình yêu thương, tạo động lực tinh thần lớn lao để các anh nỗ lực vượt qua gian khó, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc. Một mùa xuân nữa lại về, xin chúc các anh vững tay súng, chắc niềm tin, xứng đáng là những người canh thức mùa xuân về với mọi miền Tổ quốc.

Tất Đạt