Thứ 2, 25/11/2024, 06:41[GMT+7]

Hậu cần nhân dân, hậu cần địa phương trong khu vực phòng thủ

Thứ 4, 22/01/2020 | 18:26:54
9,480 lượt xem
Thấu suốt quan điểm “Mỗi bước tăng trưởng về kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực về quốc phòng, an ninh”, những năm qua, Bộ CHQS tỉnh chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản của cấp trên về khu vực phòng thủ (KVPT), trong đó chú trọng xây dựng thế trận hậu cần nhân dân (HCND), hậu cần địa phương (HCĐP) vững mạnh, sẵn sàng huy động nguồn lực hậu cần tại chỗ để bảo đảm cho các nhiệm vụ.

Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia diễn tập nội dung huy động nhân lực, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Kết quả rõ nét nhất là Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và thành lập hội đồng cung cấp trong KVPT cấp tỉnh, huyện; xây dựng quy chế hoạt động để xác định chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong thực hiện huy động nguồn lực cung cấp cho quốc phòng theo cơ chế vận hành của KVPT. Chỉ đạo các huyện, thành phố quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình trong thế trận phòng thủ hợp lý, có điều kiện khai thác được thế mạnh của HCND, HCĐP trên từng địa bàn; gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh (QPAP); huy động nguồn nhân lực của địa phương trong xây dựng tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ về hậu cần. Trên cơ sở đề án quy hoạch thế trận quân sự trong KVPT tỉnh các giai đoạn từ năm 2011 - 2020 đã được UBND tỉnh và Tư lệnh Quân khu 3 phê duyệt, các địa phương đã hoàn thành xây dựng các công trình chiến đấu, công trình quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từ nguồn ngân sách địa phương.

Cũng từ nguồn ngân sách địa phương, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng đầu tư gần 70 tỷ đồng thực hiện dự án cồn Vành, gắn kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế. Đến nay, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác. Đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng phân căn cứ hậu cần - kỹ thuật phía trước trong KVPT tỉnh. Cùng với đó đã củng cố, xây dựng các công trình phục vụ cho công tác hậu cần thường xuyên, bảo đảm đời sống cho bộ đội, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, chuẩn bị tiềm lực hậu cần cho tác chiến như: hệ thống kho xăng dầu, hệ thống cây xăng trải khắp các địa bàn, ưu tiên trên hướng phòng thủ chủ yếu, địa bàn quan trọng; xây dựng doanh trại tiểu đoàn huấn luyện lực lượng dự bị động viên, trung tâm giáo dục QPAN, xây mới doanh trại Bộ CHQS tỉnh, xây mới, cải tạo, nâng cấp doanh trại cơ quan quân sự các huyện, thành phố, đưa vào sử dụng phục vụ cho sinh hoạt, học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Hàng năm, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan thực hiện đánh giá khả năng huy động từ nền kinh tế để bảo đảm cho quốc phòng, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch bảo đảm vật chất, xác định cơ cấu các nguồn cung cấp để kịp thời huy động, tiếp nhận, bảo đảm khi có tình huống xảy ra. Đưa nội dung huy động nhân lực, vật lực vào nội dung các cuộc diễn tập KVPT cấp tỉnh, cấp huyện và các sở, ngành; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã. Trên cơ sở, quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển một phần hoặc chuyển đổi toàn bộ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, nhà máy sang sản xuất theo yêu cầu quốc phòng. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện có, nối liền với các quốc lộ, mở mới các tuyến đường quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế địa phương và yêu cầu bảo đảm quốc phòng khi có tình huống xảy ra được quan tâm. Các phương tiện bảo đảm vận chuyển hàng hóa phục vụ dân sinh và quốc phòng thường xuyên được phúc tra, quản lý, đăng ký, theo dõi thường xuyên.

Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu cho các đơn vị y tế trực thuộc tỉnh. Đây là chỉ tiêu pháp lý rất quan trọng để chủ động huy động bảo đảm y tế trong mọi tình huống. Hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến xã được củng cố, tăng cường cả về nguồn nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất, 100% các trạm y tế xã có bác sĩ. Đây là những đơn vị giữ vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm nguồn nhân lực vật chất, kinh phí cho các lực lượng phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm môi trường trong KVPT.

Phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” của LLVT tỉnh đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm tốt các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của đơn vị; đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Bộ CHQS tỉnh, cơ quan quân sự các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc đã đầu tư xây dựng các khu tăng gia sản xuất tập trung gắn với xây dựng căn cứ hậu cần - kỹ thuật KVPT, góp phần củng cố QPAN và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự báo những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. LLVT tỉnh triển khai nhiều nhiệm vụ, nội dung công tác lớn, nhu cầu bảo đảm hậu cần KVPT đòi hỏi ngày càng cao. Trong khi đó tỉnh Thái Bình dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế song vẫn là tỉnh nông nghiệp, nguồn ngân sách hạn chế; tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng tiềm lực hậu cần KVPT ngày càng vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó tập trung làm tốt một số nhiệm vụ:

Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, địa phương; tiếp tục phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, sức mạnh tổng hợp của các ngành kinh tế và toàn dân trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất, để tạo tiềm lực và thế trận HCND, HCĐP ngày càng vững chắc, rộng khắp, có chiều sâu ở từng địa phương và toàn tỉnh.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, nhiệm vụ công tác hậu cần KVPT. Kiện toàn đủ các thành phần, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Hội đồng cung cấp KVPT theo quy định. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng cán bộ nhằm nâng cao trình độ, năng lực làm tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế địa phương kết hợp với củng cố quốc phòng; xây dựng tiềm lực và thế trận HCND, HCĐP đáp ứng yêu cầu tác chiến của KVPT.

Ba là, nghiên cứu thẩm định kỹ lưỡng các dự án phát triển kinh tế - xã hội không để ảnh hưởng đến thế trận QPAN; gắn xây dựng cơ sở hạ tầng với quy hoạch, kế hoạch xây dựng KVPT.

Bốn là, nâng cao trình độ, năng lực, khả năng bảo đảm của lực lượng thường trực; nâng cao chất lượng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ công tác hậu cần. Xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, động viên, phối hợp, hiệp đồng khi có tình huống. Thường xuyên luyện tập các tình huống phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Năm là, chỉ đạo bảo đảm đầy đủ, kịp thời nguồn ngân sách, tài chính, cơ sở vật chất cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, nhất là các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập... Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hậu cần cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh; chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập KVPT các cấp, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ
(Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)