Thứ 6, 26/04/2024, 13:00[GMT+7]

Người hồi sinh “đất bạc”

Thứ 2, 16/05/2022 | 08:52:13
10,011 lượt xem

Ngoài chủ động được giống trong chăn nuôi, mỗi năm anh Nguyễn Đình Son xuất bán khoảng 10 vạn con giống ra thị trường.

Khắc ghi lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền”, anh Nguyễn Đình Son, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) đã mạnh dạn tích tụ, cải tạo 18.000m2 đất cấy lúa kém hiệu quả thuộc vùng chuyển đổi khu Hộn, thôn Khúc Mai để xây dựng trang trại mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nhìn trang trại quy mô, bề thế hiện nay của anh Son, nhiều người khá bất ngờ khi biết được khu vực này trước đây lại là vùng đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả và hoang hóa nhiều năm. 

Anh Son chia sẻ: Toàn bộ khu vực này trước đây rất hoang vu, cả một vùng rộng lớn nhưng không có đường đi, mọi người phải men theo những bờ nhỏ để ra đây. Do đất trũng, hoang hóa nhiều năm nên quá trình cải tạo gặp rất nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi nên không ít người đã bỏ cuộc. Còn tôi, mỗi lần “nản chí” tôi lại nhớ tới lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền” để lấy lại tinh thần. 

Nhờ ý chí quyết tâm vươn lên mạnh mẽ, đến nay vợ chồng anh đã biến mảnh đất trũng, hoang hóa ngày nào thành trang trại nhiều người mơ ước. Gần 70% diện tích đất của trang trại, anh Son đào ao, xây bờ để nuôi cá giống. So với nuôi cá thương phẩm thì nuôi cá giống có nhiều lợi thế như: thời gian từ lúc nuôi đến lúc thu hoạch ngắn, chi phí thức ăn thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để nuôi thành công yêu cầu người nuôi phải có kỹ thuật cao. Hiện tại 4 ao nuôi cá giống của gia đình chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, chép, mè, trôi… Mỗi năm gia đình anh Son xuất bán khoảng 10 tấn cá giống, doanh thu khoảng 270 triệu đồng. 

Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá giống, anh Son cho biết: Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để bảo đảm chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống cần tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được.

Ngoài nuôi cá, anh Son còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố để nuôi vịt bầu lai bơ. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ và 2.000 con vịt thương phẩm. Mỗi năm anh xuất bán khoảng 1 vạn con vịt thương phẩm, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. 

Theo anh Son, vịt bầu lai bơ được nhân giống từ những chú vịt bầu to khỏe nhất phối giống với những chú vịt bơ thuần chủng. Đặc điểm của giống vịt bầu lai bơ này là sức khỏe bền bỉ, nhanh lớn giống vịt bầu song cân nặng cao hơn vịt bầu. Từ vịt mới nở, nuôi trên 50 ngày có thể đạt trọng lượng 2,5kg. Để vịt nuôi khỏe, đẻ trứng to và đều thì cần chú ý bảo đảm chuồng trại sạch sẽ, nguồn thức ăn sạch và an toàn, đặc biệt là bổ sung vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày. Vịt bầu lai bơ nuôi trong 5, 6 tháng thì bắt đầu đẻ trứng. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì vịt đẻ đều, tỷ lệ đẻ đạt 80% đều đặn trong 30 ngày và thời gian đẻ kéo dài suốt 9, 10 tháng mỗi năm. Để chủ động con giống, anh Son đầu tư lò ấp nở, mỗi lần vào trứng được khoảng 1.800 quả. Không chỉ chủ động con giống trong chăn nuôi, mỗi năm anh còn xuất bán khoảng 10 vạn con giống ra thị trường. 

Theo chia sẻ của anh Son thì khó khăn lớn nhất hiện nay của gia đình anh cũng như nhiều hộ khác tại khu chuyển đổi đó là đường giao thông trong khu quá nhỏ hẹp, mặt đường chỉ rộng khoảng 1,2m nên ô tô không thể di chuyển vào trang trại để thu mua, mỗi lần đến kỳ xuất bán đều phải vận chuyển bằng xe lôi, xe kéo ra đường lớn. Anh rất mong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện mở rộng, cứng hóa đường giao thông trong khu vực chuyển đổi để người dân thuận lợi hơn trong sản xuất, góp phần làm giàu cho quê hương.

Theo anh Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Thanh: Anh Son là một trong những hộ đầu tiên tiên phong ra vùng chuyển đổi khu Hộn. Từ hiệu quả mô hình trang trại của anh Son, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư ra khu vực này. Hiện nay, toàn vùng có khoảng hơn 40 hộ phát triển theo hướng trang trại và gia trại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mô hình của anh Son và các hộ ở đây là nhân tố rất tích cực và chúng tôi mong thời gian tới nhiều gia đình khác trong xã sẽ học tập, làm theo, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngoài chủ động được giống trong chăn nuôi, mỗi năm anh Nguyễn Đình Son xuất bán khoảng 10 vạn con giống ra thị trường.

Đào Quyên