Thứ 6, 29/03/2024, 14:52[GMT+7]

Chuyển đổi số - chuyển đổi từ nhận thức

Thứ 3, 24/05/2022 | 08:40:13
3,851 lượt xem
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS), việc CĐS ở các sở, ngành, địa phương đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, CĐS còn chậm, một số đơn vị, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, vì vậy cần sớm thay đổi nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về CĐS.

Nhân viên y tế Bệnh viện Y học cổ truyền quét mã QR trên căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân đến khám chữa bệnh BHYT.

Tỷ lệ ký số văn bản còn thấp

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, quý I/2022 số lượng thủ tục hành chính đang cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 ở các sở, ngành, các huyện thành phố đạt tỷ lệ 72,63%. Tuy nhiên, tỷ lệ văn bản ký số của một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố còn thấp, cá biệt có đơn vị, địa phương chưa triển khai, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích ở một số sở, ngành, địa phương còn thấp (dưới 50%). Hệ thống báo cáo mới chỉ triển khai được các chỉ tiêu báo cáo theo yêu cầu của Chính phủ, chưa tận dụng được thế mạnh để góp phần thực hiện CĐS trong công tác báo cáo, phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Về kinh tế số, các sàn thương mại điện tử được tỉnh triển khai có rất ít giao dịch trong khi các sàn thương mại điện tử tự phát triển khai và kinh doanh qua mạng xã hội hầu như chưa thống kê và quản lý được; tỷ lệ người dân sử dụng sổ sức khỏe điện tử còn ở mức thấp (khoảng 17%); số mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ lên hệ thống tiêm chủng quốc gia.

Tại cuộc họp nghe Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả thực hiện công tác CĐS quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2022, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CĐS; trình độ, kỹ năng, nhận thức của một bộ phận cán bộ về CĐS còn hạn chế, còn làm việc theo thói quen; việc bố trí nguồn lực và đầu tư cho CĐS còn ở mức độ.

Công an huyện Quỳnh Phụ triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Chuyển đổi từ nhận thức

Là đơn vị đi đầu trong việc CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách BHXH, BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều năm qua Bảo hiểm xã hội tỉnh luôn coi ứng dụng CNTT và CĐS có ý nghĩa quan trọng trong chuyển tải các chính sách hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất. 

Theo ông Mạc Thanh Hải, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, muốn công tác CĐS được thực hiện một cách đồng bộ, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên trong mỗi đơn vị phải nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của CĐS. Tại Bảo hiểm xã hội tỉnh, hàng năm đơn vị đều bố trí kinh phí hoàn thiện cơ sở hạ tầng về CNTT bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cũng như việc hoàn thiện hệ thống phần mềm của ngành phục vụ liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng có đủ trình độ về CNTT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Cùng với đó, phối hợp tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức đến các cơ quan, đơn vị, người lao động, người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc CĐS và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và mỗi người lao động, người dân cùng phối hợp thực hiện, bảo đảm việc giao dịch hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch, chính xác.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến nay việc triển khai giao dịch điện tử cho cá nhân và đơn vị trên tất cả các lĩnh vực tính đến thời điểm hiện tại tỷ lệ giao dịch điện tử đạt trên 60% tổng số hồ sơ giao dịch (trong đó 100% đơn vị sử dụng lao động giao dịch với cơ quan BHXH bằng phương thức điện tử). Toàn tỉnh đã có gần 570.000 người cài đặt và đăng nhập ứng dụng BHXH số (VssID) cho người tham gia BHXH, BHYT (đạt trên 40% số người tham gia BHYT). Việc kết nối chia sẻ dữ liệu của ngành BHXH với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cơ bản đã thực hiện xong và dữ liệu đang được đồng bộ hàng ngày. Người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đi khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh.

Mục tiêu CĐS đến hết quý II/2022 phấn đấu tỷ lệ văn bản điện tử có chứng thực số và ký số đạt 80% trở lên, tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân lãnh đạo đạt 50% trở lên; hồ sơ thủ tục hành chính hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến đạt từ 50% trở lên mức độ 3, 4; số hóa đầy đủ kết quả giải quyết thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh thống nhất quan điểm các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về CĐS trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ CĐS.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày