Thứ 4, 03/07/2024, 10:48[GMT+7]

Giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-HĐND và việc sáp nhập trường học

Thứ 5, 26/05/2022 | 18:28:03
9,373 lượt xem
Chiều ngày 26/5, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 9/7/2009 của HĐND tỉnh về phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học tỉnh Thái Bình đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; việc sáp nhập trường học trên địa bàn tỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Nội vụ. Đồng chí Phạm Thị Như Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh chủ trì buổi giám sát.

Đồng chí Phạm Thị Như Phong, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Tại thời điểm ngày 30/6/2009, toàn tỉnh có 299 trường mầm non (trong đó có 287 trường mầm non bán công), 293 trường tiểu học, 272 trường THCS và 28 trường THPT công lập. Thực hiện Nghị quyết số 27, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 296 trường mầm non công lập, 295 trường tiểu học, 267 trường THCS, 29 trường THPT. Năm 2020, 3.380 giáo viên mầm non hợp đồng được chuyển thành viên chức theo số biên chế được giao theo Quyết định số 2240/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh về việc giao tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và định suất hợp đồng lao động để hỗ trợ kinh phí hoạt động năm 2020.

Thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh về việc sáp nhập trường học, đến hết năm học 2019-2020, các địa phương đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 45 đề ra. Kết thúc năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 741 cơ sở giáo dục, trong đó có 300 trường mầm non; 120 trường tiểu học (giảm 176 trường và tăng 1 trường mới thành lập ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình); 106 trường THCS; 167 trường tiểu học và THCS; 39 trường THPT; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện, thành phố và 260 trung tâm học tập cộng đồng. Về công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đến ngày 31/5/2021, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường tiểu học và THCS là 6.461 người, giảm 466 người so với thời điểm sáp nhập; 195 cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động, luân chuyển đến đơn vị khác không thuộc các trường liên cấp. Về cơ sở vật chất, từ năm 2018 đến nay, các cơ sở giáo dục đã tập trung mua sắm được 4.451 bộ máy vi tính, 160 máy chiếu, 112 bộ thiết bị dạy và học ngoại ngữ, 16.998 bộ bàn ghế và các trang thiết bị khác với tổng giá trị trên 236 tỷ đồng. Đến tháng 12/2021, số trường học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 269 trường.

Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ phát biểu tại buổi giám sát.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tập trung làm rõ những thuận lợi, khó khăn và hạn chế trong việc quy hoạch và sáp nhập trường học như: cơ sở vật chất, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, số học sinh/lớp tại nhiều cơ sở giáo dục ở thành phố và khu vực thị trấn vượt quy định.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, đồng chí Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ đánh giá khó khăn, tồn tại, hạn chế, từ đó nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các giải pháp thực hiện hiệu quả việc quy hoạch mạng lưới và sáp nhập trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án về rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh có cơ chế tuyển dụng đủ giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục chung của cả nước.

                                                                                  Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày