Chủ nhật, 24/11/2024, 20:07[GMT+7]

Gạo làng Giắng: lắng vị quê

Thứ 2, 30/05/2022 | 08:50:26
16,017 lượt xem
Làng Giắng, tên chữ là Thượng Liệt (thuộc xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) bao đời nay được vỗ về bởi con sông Diêm Hộ và sông Hoài. Ngôi làng cổ có tuổi đời hàng trăm năm này cũng chứa đựng những điều kỳ thú về văn hóa, văn vật mà ít nơi còn giữ được. Không chỉ nổi tiếng với điệu múa giáo cờ giáo quạt với lễ hội làng Thượng Liệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nơi đây còn nức tiếng gần xa khi gieo cấy được loại gạo ngon tiến vua.

Sản phẩm gạo làng Giắng được đóng gói trong bao bì chuẩn quy cách, có truy xuất nguồn gốc.

Không biết tự bao giờ, làng Giắng (nay là hai thôn Đông Thượng Liệt và Tây Thượng Liệt) được thiên nhiên ưu ái khi có vùng đất đệm với tầng đất canh tác dày, phù sa màu mỡ. Các xứ đồng bằng phẳng, hệ thống thủy lợi đan xen giúp việc điều tiết nước thuận lợi. Cũng bởi “thiên thời, địa lợi”, hạt thóc được gieo cấy trên những cánh đồng làng Giắng được đánh giá vượt trội hơn so với nơi khác như mẩy đều. Hạt gạo làng Giắng dài nhỏ, hơi đục. Khi nấu thành cơm thì ngon, mềm, dẻo, có vị thơm, đậm. Để nguội cơm vẫn dẻo và mềm. Tương truyền, người có công giúp dân lập làng, phát triển nông nghiệp, gieo cấy thứ gạo tiến vua chính là công chúa Trần Quý Minh, con gái lớn trong 3 người con gái vua Trần Duệ Tông. Tưởng nhớ công lao to lớn của bà, dân làng Giắng đã suy tôn bà là Thánh Mẫu, Thành Hoàng để nghìn năm hương khói phụng thờ. Bà còn được các vương triều phong kiến ban đạo sắc phong là Thượng đẳng thần.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, hạt thóc kết tinh và được nuôi dưỡng bởi đất, nước làng Giắng hòa quyện với mồ hôi, giọt nước mắt lam lũ của người nông dân làng Giắng, dù bất kể là giống lúa gì khi gieo cấy trên cánh đồng làng Giắng đều thơm, ngon với chất vị riêng biệt. Cũng chính vì thế, tên gạo được gắn với tên đất, tên làng hàng trăm năm qua. 

Ông Phạm Hoàng Sỹ, Giám đốc HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân lý giải: Giai đoạn 1979 - 1980, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã từng cử đoàn cán bộ về địa phương khảo sát, phân tích và đánh giá độ phì nhiêu của đất ở nơi đây. Nếu như huyện Hải Hậu (Nam Định) nổi tiếng với loại gạo Tám Xoan thì làng Giắng không có loại gạo đặc trưng được lưu giữ từ xa xưa mà do thổ nhưỡng nên các loại gạo được gieo cấy từ vùng này đều được đánh giá là chất lượng cao hơn so với các vùng khác. Ngay như cùng một loại giống gieo cấy trên các xứ đồng làng Giắng và các xứ đồng khác của xã Đông Tân thì ở làng Giắng ngon hơn rất nhiều.

Hiện nay, diện tích canh tác lúa hai vụ trên địa bàn hai thôn Đông Thượng Liệt và Tây Thượng Liệt có khoảng 300ha với hơn 400 hộ dân sản xuất. Tuy nhiên, do lối canh tác truyền thống ở địa phương nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn thường xảy ra. Để giữ lại hồn cốt hạt gạo làng Giắng, HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân đã liên kết với nông dân bước đầu xây dựng 30ha vùng sản xuất gạo chất lượng cao với các giống chủ lực như Bắc thơm, T10, Hương thơm, Đài thơm 8, Huyết rồng với năng suất 240 - 250kg/sào thóc tươi, đạt trung bình 200kg/sào thóc khô. Cùng với việc chế biến tại địa phương, HTX còn liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ cho bà con.

Ông Nguyễn Duy Luân, Bí thư Chi bộ thôn Tây Thượng Liệt là 1 trong 18 thành viên HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân cho biết: HTX đảm nhận tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Quá trình sản xuất được giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống, gieo cấy, chăm bón đến thu hoạch, bảo đảm lúa thuần không tạp lẫn các giống khác. Sau khi thu hoạch bắt buộc phải đưa ngay tới lò sấy để bảo đảm giữ nguyên màu sắc, hương vị tự nhiên của gạo làm tăng giá trị sử dụng của sản phẩm. Các vụ trước, HTX đều thu mua cao hơn từ 10 - 15% so với giá thị trường.

Hai câu thơ “Lên Lan, xuống Giắng, về Hà/Bát cơm đã hẩm, quả cà lại thâm” mà cụ Ngô Thị Nòng, 93 tuổi, thôn Tây Thượng Liệt đọc cho chúng tôi nghe mới biết trước đây Lan, Giắng, Hà là ba làng nghèo nhất phủ Đông Quan thuở trước (nay là huyện Đông Hưng). 

Theo bà Nòng: Do gạo thơm ngon có tiếng nên những người sành ăn ở vùng khác thường đến làng Giắng mua gạo để làm quà quê. Trong kháng chiến, các đội sản xuất ở làng cũng thi đua lao động sôi nổi, hạt gạo làng Giắng cũng đã theo ra chiến trường nuôi bộ đội đánh giặc giữ nước. Giờ đây, khoa học kỹ thuật phát triển nên có nhiều loại gạo chất lượng cao, ăn ngon nhưng giống tốt mà cấy ở làng Giắng thì còn ngon hơn.  

Những năm gần đây, con em Đông Tân đi xuất khẩu lao động có xu hướng tăng kéo theo đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân không mặn mà với cây lúa nhưng không vì thế mà ruộng ở Đông Tân bị bỏ hoang. Nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc nông nghiệp, mượn ruộng để gieo cấy. 

Ông Bùi Văn Hùng, thôn Đông Thượng Liệt là một trong số những người như thế. Ông Hùng cho biết: Hiện nay gia đình tôi tích tụ khoảng 15 mẫu ruộng, cấy chủ yếu là giống chất lượng cao. HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân ra đời đã mở ra hướng đi mới cho người dân chúng tôi. Không phải lo về đầu ra, giá cả biến động nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất.

Được sự quan tâm của cấp trên, HTX SXKD gạo chất lượng cao xã Đông Tân đã xây dựng được 1 lò sấy thóc với công suất 10 - 15 tấn/10 tiếng, 1 máy xay xát liên hoàn hiện đại với công suất 500kg/giờ. Ngoài ra, sản phẩm gạo làng Giắng được đóng gói trong bao bì chuẩn quy cách, có truy xuất nguồn gốc. Việc sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt từ gieo cấy đến đóng gói kết hợp việc đưa sản phẩm giới thiệu tại các gian hàng thương mại điện tử nên sản phẩm gạo làng Giắng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện mỗi vụ HTX xuất ra thị trường 40 - 50 tấn gạo thành phẩm.

Chủ tịch UBND xã Đông Tân Lại Văn Long nhấn mạnh: Con đường xây dựng thương hiệu gạo làng Giắng đã có những tín hiệu tích cực nhưng còn đó những khó khăn, rào cản, nhất là về tổ chức sản xuất, hình thành cánh đồng mẫu lớn cũng như cơ giới hóa các khâu sản xuất... Rất mong cấp trên tiếp tục quan tâm để Đông Tân sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP cho gạo làng Giắng cũng như hạ giá thành sản phẩm, hạ chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.    

Ước mong của Chủ tịch UBND xã Đông Tân cũng là điều mong muốn của người dân làng Giắng hôm nay để hạt gạo làng Giắng vươn xa, góp phần để Thái Bình hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu gạo riêng của “Quê hương năm tấn”.

Hà Linh
Đài TTTH Đông Hưng