Thứ 6, 22/11/2024, 04:19[GMT+7]

Khoảng trống kiến thức và kỹ năng của giới trẻ

Thứ 3, 07/06/2022 | 08:23:08
790 lượt xem
Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, đại dịch Covid-19 đang đẩy thế hệ trẻ ở khu vực Mỹ Latin trước nguy cơ bị giảm tới 12% mức thu nhập do thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng. Bù đắp kiến thức cho giới trẻ là điều cấp thiết, nhằm ngăn chặn những hậu quả dai dẳng của đại dịch đối với ngành giáo dục cũng như tương lai nhân loại.

Ảnh minh họa. (Nguồn: techlead.vn)

Nhờ hiệu quả của vắc-xin cùng các biện pháp phòng, chống dịch, đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát trên toàn cầu. Song những ảnh hưởng của đại dịch đối với lĩnh vực giáo dục vẫn là thách thức đang hiện hữu. Khu vực Mỹ Latin hiện đứng trước một cuộc khủng hoảng giáo dục chưa từng có. 

Theo ước tính của WB, trẻ em ở Mỹ Latin bị mất từ 1 đến 1,8 năm học tập do không thể tới trường trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Với thực tế này, các em có thể bị tước đi những cơ hội việc làm quý giá trong tương lai và bị giảm tới 12% mức thu nhập. Trên thực tế, ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ngành giáo dục ở khu vực Mỹ Latin đã tồn tại những lỗ hổng, khi chỉ có một phần ba số học sinh có các kỹ năng tối thiểu vào cuối cấp tiểu học. Sự bùng phát của dịch Covid-19 là “giọt nước tràn ly”, đẩy khu vực này vào cuộc khủng hoảng giáo dục.

Thiếu hụt kiến thức và kỹ năng chỉ là một phần tác động của đại dịch đối với giới trẻ. Nghiêm trọng hơn, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, khiến nhiều học sinh, sinh viên cảm thấy tự ti, lo âu và mất đi động lực phấn đấu trong học tập. Kenly Chandra, một sinh viên y khoa đến từ Indonesia đã không thể hoàn thành việc học đúng hạn và phải từ bỏ chương trình trao đổi sinh viên ở nước ngoài. 

Chia sẻ với tờ Straits Times, Kenly Chandra cho biết: “Ở độ tuổi 20, chúng tôi dường như bị tước mất khoảng thời gian để phát triển bản thân bởi tất cả hoạt động đều bị hạn chế”. Trong khi đó, cậu học sinh 17 tuổi người Philippines tên là Zoe Tagerino cho rằng, đại dịch đã lấy mất một phần cuộc sống của cậu. Một nghiên cứu được tiến hành ở Philippines cho thấy, dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần của những người trong độ tuổi từ 5 đến 15.

Mỗi khi làn sóng dịch mới bùng phát thì trường học luôn là một trong những địa điểm đầu tiên phải tạm đóng cửa, bởi đây là nơi tập trung nhiều trẻ em, những đối tượng dễ bị tổn thương. Các chiến dịch học tập từ xa được triển khai ở nhiều quốc gia, song lại bộc lộ bất cập so với học trực tiếp. 

Theo một báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), khoảng 50% số học sinh và sinh viên trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa trường học lại thiếu máy tính để học tại nhà, trong khi có hơn 40% số thanh thiếu niên không được tiếp cận internet tại nhà. Có đến 89% số học sinh, sinh viên tại khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi không có máy tính. Gián đoạn học tập gây ra nhiều hệ lụy như gia tăng tình trạng tảo hôn hay lao động trẻ em. 

Nhiều đề xuất được đưa ra để giúp trẻ em bù đắp lỗ hổng kiến thức và phát triển kỹ năng, cải thiện sức khỏe tinh thần trong thời gian diễn ra đại dịch. UNESCO cho rằng, việc dạy và học không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến mà còn cần được thúc đẩy ở những phương tiện khác như phát thanh và truyền hình. Nhà trường cũng nên áp dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp trình độ của từng học sinh, đồng thời theo dõi thường xuyên sự tiến bộ của các em để kịp thời bù đắp những kiến thức bị bỏ lỡ do đại dịch. Việc thăm khám sức khỏe định kỳ cần được chú trọng để giúp các em cải thiện không chỉ riêng về thể chất mà còn cả sức khỏe tinh thần. 

Ngày càng nhiều quốc gia chú trọng việc đưa trẻ em quay trở lại trường học một cách an toàn, với những quy định phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đầy đủ và nghiêm túc. Tuy nhiên, các chuyên gia ghi nhận một thực tế là, hầu hết trường học ở châu Phi đều thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh và cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phòng ngừa dịch bệnh. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở phía nam sa mạc Sahara, chỉ có khoảng 47% số trường học cung cấp các dịch vụ vệ sinh cơ bản.

Tại một diễn đàn về giáo dục, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nhấn mạnh, những xã hội giàu có nhất không phải là những xã hội có dầu mỏ, khí đốt hay vàng, mà là những xã hội có khả năng phát triển tri thức cho tương lai. Nếu không hành động khẩn cấp để bù đắp khoảng trống trong sự nghiệp “trồng người”, nhiều quốc gia sẽ mất đi nguồn lao động lành nghề phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày